Phản hồi cho ứng viên rớt phỏng vấn, làm sao cho đúng?

Nhiều nhà tuyển dụng nghĩ rằng việc cung cấp phản hồi cho ứng viên sau phỏng vấn chỉ mang lại lợi ích cho ứng viên nhưng thực tế nó cũng giúp ích cho bản thân nhà tuyển dụng và doanh nghiệp về lâu dài. 

Để giúp bạn có thêm động lực đầu tư thời gian đưa ra các phản hồi khéo léo cho các ứng viên rớt phỏng vấn, ngay sau đây anh Đỗ Tấn Đạt, Trưởng phòng tuyển dụng sẽ chia sẻ về những lợi ích bạn sẽ nhận được khi phản hồi cho các ứng viên không được chọn.

Phản hồi cho ứng viên rớt phỏng vấn, làm sao cho đúng?

Phản hồi cho ứng viên rớt phỏng vấn mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Đầu tiên, việc trả lời yêu cầu phản hồi của ứng viên bị từ chối sẽ khuyến khích họ ứng tuyển lại trong tương lai.

Theo anh Tấn Đạt thì nếu bạn nhìn thấy tiềm năng ở ứng viên này nhưng lại chọn một người khác có trình độ cao hơn, thì phản hồi mang tính xây dựng sẽ làm tăng khả năng họ sẽ cải thiện kỹ năng của mình và giữ quan điểm tích cực về doanh nghiệp của bạn. Đây chính là lí do vì sao khi ứng viên nhận được những phản hồi mang tính xây dựng, khả năng họ cân nhắc ứng tuyển vào công ty của bạn cho cơ hội trong tương lai cao gấp 4 lần. “Điều này có nghĩa là bạn đã giúp tối đa hóa nguồn ứng viên và thiết lập được lợi thế cạnh tranh cho quá trình tuyển dụng của mình”, anh Đạt giải thích.

Thứ hai, việc cung cấp phản hồi sẽ cải thiện trải nghiệm của ứng viên và do đó sẽ nâng cao thương hiệu tuyển dụng của bạn.

“Đưa ra phản hồi cho ứng viên không thành công sẽ khiến bạn khác biệt với các công ty khác.”

Anh Tấn Đạt phân tích: “Trả lời yêu cầu phản hồi cho thấy rằng công ty của bạn coi trọng sự phát triển nghề nghiệp không chỉ của nhân viên tương lai mà còn của toàn bộ thị trường nhân tài, đặc biệt là ứng viên không được chọn. Điều này thúc đẩy thiện chí và nâng cao trải nghiệm của ứng viên.

Mọi người thường nói với bạn bè và gia đình của họ về các cuộc phỏng vấn của họ. Nếu ứng viên không thành công nói với mọi người rằng “Tôi đã phỏng vấn ở công ty X. Tôi đã không được tuyển nhưng đó là một trải nghiệm rất hữu ích”. Điều này sẽ giúp cải thiện thương hiệu của bạn, khuyến khích mọi người làm việc với bạn với tư cách là nhân viên và là khách hàng hoặc đối tác”.   

Cuối cùng, khi bạn phải nói rõ lý do tại sao một số ứng viên nhất định không được chọn có thể giúp bạn quan sát những điểm yếu trong quá trình tuyển dụng của mình.

“Ví dụ nhé, nếu bạn phát hiện ra rằng bạn liên tục nói với ứng viên rằng họ không có kinh nghiệm mà bạn đang tìm kiếm, điều này có thể cảnh báo bạn rằng mô tả công việc của bạn cần phải rõ ràng hơn về các yêu cầu. Mặt khác, bạn có thể phát hiện rằng các cuộc sàng lọc qua điện thoại cần được thực hiện tốt hơn vì có thể bạn đã bỏ qua các kỹ năng cần thiết hoặc các câu hỏi đặt ra chưa đủ chặt chẽ. Việc thu thập các dữ liệu này sẽ giúp bạn tinh chỉnh việc tuyển dụng của mình”, anh Tấn Đạt nói.

Với những lợi ích của việc đưa ra phản hồi cho ứng viên rớt phỏng vấn, giờ đây bạn có thể đang nghĩ cách đưa ra phản hồi phản hồi của mình phải không?

Có lẽ bạn đã tìm thấy nhiều hướng dẫn về cách phản hồi như bắt đầu bằng việc khen ngợi để tạo bước đệm cho các phản hồi mang tính xây dựng, nói về các điểm mà ứng viên cần cải thiện, phản hồi ngắn gọn và cảm ơn vì họ đã quan tâm ứng tuyển… Hôm nay, anh Tấn Đạt sẽ nói thêm về các điểm khác ít được đề cập đến nhưng lại rất quan trọng.

Điều cần lưu ý khi đưa ra phản hồi cho ứng viên rớt phỏng vấn

Đừng để phản hồi bị ảnh hưởng bởi cảm xúc

Đôi khi bạn quá bực mình vì ứng viên đã có thái độ không đúng mực như xúc phạm công ty hay thô lỗ với nhân viên tiếp tân. Dù rất muốn nhắc đến vấn đề này trong phản hồi nhưng đừng làm điều đó. Ngoài việc xả giận, bạn không nhận được bất kỳ lợi ích nào khác.

“Nếu bạn không thể giữ được thái độ khách quan thì hãy viết ra hết những bực dọc trong bạn, sau đó xóa đi để không ai thấy. Khi giải tỏa được cơn bức xúc, hãy viết phản hồi”, anh Tấn Đạt đưa ra lời khuyên.

Tập trung vào sự phù hợp với công việc và hiệu suất phỏng vấn, đồng thời tránh đưa ra bất kỳ đánh giá nào về kỹ năng, kinh nghiệm hoặc phẩm chất của ứng viên.

“Điều quan trọng là tập trung vào những gì bạn quan sát được trong quá trình phỏng vấn và không phán xét. Đừng nói với ứng viên rằng họ “dở giao tiếp” hay “không biết cách phân tích”…” anh Tấn Đạt bày tỏ.

“Một cụm từ tôi hay sử dụng là “Em đã không chứng minh được…”. Với cách nói này, bạn không đưa ra bất kỳ đánh giá nào về kỹ năng hoặc tính cách của ứng viên mà đang nói với họ rằng bạn muốn thấy điều gì đó trong cuộc phỏng vấn nhưng thực tế lại không như vậy. Bạn có thể diễn đạt điều này theo những cách khác và ít trang trọng hơn như “Chúng tôi không thấy…”, “Chúng tôi không quan sát thấy…” / “Tôi đã mong được nghe… nhưng….”. Đây đều là những biến thể của “không thể hiện được”.

Điều tiếp theo là tránh dây dưa, không dứt điểm

“Khi đưa ra phản hồi, không tránh khỏi việc ứng viên cố gắng tranh luận và thuyết phục bạn thay đổi quan điểm. Đừng rơi vào cái bẫy này”, anh Đạt cảnh báo. Nếu bạn gọi điện hoặc gửi email cho họ và họ yêu cầu theo dõi hoặc kết bạn trên các tài khoản mạng xã hội, bạn có thể gửi các tài khoản bạn dành cho công việc. Nếu họ “muốn thảo luận thêm” hoặc “muốn tìm hiểu thêm”, hãy bỏ qua. Bạn đã hoàn thành công việc của mình với tư cách là một nhà tuyển dụng, bạn giao tiếp tốt, luôn cập nhật thông tin cho họ và thông báo cho họ kịp thời. Bất kỳ kỳ vọng nào khác từ họ đều không hợp lý.

Đồng thời, đừng đưa ra những lời hứa hẹn không chắc chắn

Khi đưa ra phản hồi, có bao giờ bạn nghĩ đến việc viết những câu như thế này không: “Anh/chị nghĩ em rất có khả năng. Công ty đang có kế hoạch mở rộng đội ngũ trong 6 tháng tới. Khi đó em có thể ứng tuyển lại và chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt hơn”. Bạn nghĩ mình đang giúp ích ư? Không đâu bạn đang khiến ứng viên bối rối đấy. Mặt khác, nếu mọi việc không diễn ra như đã hứa, bạn đã đánh mất uy tín của mình.

Và nếu đủ dũng cảm, bạn có thể yêu cầu ứng viên phản hồi về quá trình tuyển dụng.

“Cách tốt nhất để giỏi bất cứ điều gì là thực hành và nhận phản hồi. Điều này cũng đúng trong các cuộc phỏng vấn”, anh Tấn Đạt nêu quan điểm của mình.

Những phản hồi có thể làm bạn ngạc nhiên. Ứng viên có thể nhận xét về văn phòng đẹp như thế nào, nhân viên tiếp tân khiến họ cảm thấy được chào đón ra sao. Họ cũng có thể nói rằng bạn đã làm rất tốt khi giải thích về công việc, rằng dù sao thì họ cũng nhận ra rằng vị trí đó không dành cho họ. Vì thế khi nhận được email từ chối, họ không hề ngạc nhiên. Mặt khác, nếu ứng viên chuyển từ trạng thái muốn làm việc cho công ty bạn sang từ bỏ, bạn cần tìm hiểu lý do tại sao.

“Đây là phương pháp tôi đã sử dụng trong 5 – 6 năm qua và thấy nó mang lại hiệu quả khá tốt. Tôi có thể đưa ra phản hồi cho ứng viên rớt phỏng vấn mà không tốn nhiều thời gian và hầu hết phản hồi đó dường như đã được đón nhận tích cực”, anh Tấn Đạt khẳng định. Và CareerLink cũng hi vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào đó giúp bạn xây dựng được thương hiệu tuyển dụng của mình ngày càng trở nên tích cực và mạnh mẽ hơn, thu hút được nhiều ứng viên tài năng và doanh nghiệp của bạn ngày càng phát triển vững mạnh.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công