Đánh giá đúng thái độ làm việc của ứng viên khi tuyển dụng

Tìm kiếm ứng viên tốt nhất với thái độ làm việc tuyệt vời là bản chất của quá trình phỏng vấn. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp. Kỹ năng có thể được học, nhưng thái độ hiếm khi có thể được dạy.

Quá trình phỏng vấn là cơ hội sống còn để đánh giá thái độ làm việc của các ứng viên. Hầu hết các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một người tích cực và tự tin, một thành viên hữu ích trong nhóm với cách nhìn lạc quan và tôn trọng người khác. Trong khi tiến hành cuộc phỏng vấn, hãy thực hiện một số điều sau để có được cái nhìn tốt nhất về thái độ của họ.

Bí quyết đánh giá thái độ làm việc của ứng viên

Xác nhận các vấn đề tiềm ẩn về thái độ làm việc khi lọc CV

Khi sàng lọc CV, hãy xác định các vấn đề tiềm ẩn về thái độ làm việc. Hãy tìm kiếm những ứng viên đã gắn bó với một công ty lâu hơn 4 năm hoặc không có nhiều hơn 3 công việc trong khoảng thời gian 5 năm. (Tất nhiên, điều này không áp dụng cho các ứng viên mới gia nhập lực lượng lao động). Thời gian gắn bó với công ty không đảm bảo năng lực nhưng lại là một dấu hiệu đáng tin cậy về sự trung thành và một thái độ làm việc tích cực.

Tìm hiểu về quá trình làm việc

Bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách đặt câu hỏi về quá trình làm việc của ứng viên. Hãy lần lượt xem qua từng công việc trong CV của họ, bắt đầu từ vị trí gần đây nhất. Bạn nên thảo luận ít nhất là 3 công việc trong quá khứ hoặc nhiều hơn nếu có thể. Vị trí bạn đang tuyển dụng càng cao thì việc tìm hiểu về các vị trí đảm nhận trong quá khứ càng quan trọng.

Đặt câu hỏi về lí do rời đi cũng như cách họ tương tác với mọi người

Tập trung các câu hỏi phỏng vấn vào lý do ứng viên rời bỏ vị trí và cách họ tương tác với cấp trên và những người khác trong nhóm, chẳng hạn như Tại sao bạn không còn làm việc với công ty ABC? Tại sao bạn quyết định ra đi? Bạn có hối hận khi rời bỏ vị trí đó không? Bạn thích điều gì nhất ở vị trí này? Người giám sát của bạn sẽ đưa ra lý do gì cho sự ra đi của bạn? Họ sẽ nói gì về hiệu suất của bạn? Ai là người bạn yêu thích nhất trong công ty đó? Tại sao?…

Điều quan trọng là tiếp tục đưa ra các câu hỏi đào sâu. Sau khi ứng viên trả lời câu hỏi, hãy hỏi thêm thông tin. Yêu cầu các ví dụ cụ thể để làm rõ câu trả lời của họ.

Đưa ra các câu hỏi tình huống

Một khi bạn tin rằng bạn có một ứng viên tốt và có năng lực, hãy tìm hiểu sâu hơn. Các câu hỏi tình huống dựa trên hành vi đặt ứng viên vào vị trí khó khăn sẽ làm bộc lộ các giá trị thực sự của họ. Hãy thử một số câu hỏi như Người quản lý yêu cầu bạn nói dối khách hàng về thời điểm giao hàng quan trọng. Bạn có làm theo hướng dẫn của họ không và lí do tại sao? Đồng ý nói dối cho thấy sự thiếu trung thực, trong khi sự lập lờ nước đôi biểu hiện cho sự không tin cậy và giá trị cốt lõi yếu kém.

Hãy đặt các câu hỏi bổ sung thể hiện giá trị của một người, nhớ để các ứng viên chỉ chọn cách này hoặc cách kia và cảnh giác với những người không có lập trường.

Sử dụng các công cụ đánh giá

Cân nhắc sử dụng các bài kiểm tra thái độ để đo lường chính xác đặc điểm thái độ của ứng viên. Sử dụng những đánh giá này sớm trong quá trình lựa chọn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Nếu bạn quyết định không sử dụng các bài kiểm tra thái độ làm việc, hãy cân nhắc sử dụng sự trợ giúp của đội nhóm thay vì chỉ dựa vào đánh giá của riêng bạn. Khi ứng viên đến phỏng vấn, hãy giới thiệu họ với các thành viên mà họ sẽ làm việc cùng để mọi người có thể cùng nhau trò chuyện. Sau đó, bạn có thể hỏi ý kiến của các thành viên trong nhóm xem họ có bất kỳ chia sẻ nào hay không. Bạn thậm chí có thể đưa thêm một hoặc hai nhân viên vào cuộc phỏng vấn để hỏi những câu hỏi cụ thể. Có nhiều quan điểm (đặc biệt là từ những người có quan điểm khác với bạn), có thể đảm bảo bạn sẽ tìm được một nhân viên mới hiệu quả và toàn diện.

Kiểm tra người tham chiếu

Hãy đảm bảo rằng các ứng viên của bạn biết rằng bạn sẽ kiểm tra người tham chiếu của họ trong quá trình tuyển dụng. Nếu một ứng viên có bản chất tốt và có năng lực thì họ rất sẵn lòng giới thiệu với bạn về người tham chiếu. Trái lại, các ứng viên không thể giới thiệu người tham chiếu hợp lệ có lẽ đang che giấu điều gì đó và cần được tiếp cận một cách hết sức thận trọng.

Biết cách đánh giá thái độ làm việc của ứng viên có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc thông qua việc tuyển dụng đúng người đúng việc. Bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật phù hợp, bạn có thể yên tâm khi biết rằng mình đang tuyển chọn một người sẽ đóng góp vào sự thành công của công ty.

Kiều Giang

Sao chép thành công