8 điều nên trả lời trước khi quyết định tuyển dụng nhân sự

Tuyển dụng nhân viên mới là một quyết định lớn có thể tạo ra tác động chưa từng thấy đối với bất kỳ công ty nào. Trước khi đưa ra bản quyết định tuyển dụng nhân sự, có một số câu hỏi mà nhà tuyển dụng nên tự hỏi mình. Một số câu hỏi nên được trả lời trước khi đăng tin tuyển dụng, trong khi các câu hỏi khác nên được làm rõ sau khi sàng lọc các ứng viên tiềm năng cho công việc. Hãy cùng tham khảo ngay sau đây nhé.

Có thể giao phó công việc cho các nhân viên hiện tại không?

Câu hỏi này đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ. Trong một số trường hợp, nhà quản lý có thể cảm thấy cần phải tuyển dụng thêm nhân sự vì họ cảm thấy mình đang đảm nhận quá nhiều việc hoặc thấy doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí và chiến lược nếu có thể giao phó công việc phát sinh cho nhân viên hiện tại. Trong một số trường hợp, điều này có thể giúp họ tăng thêm thu nhập nhờ vào giờ làm thêm.

Có thể tuyển nhân viên thời vụ?

Không phải lúc nào cũng có thể hoặc cần thiết để tuyển một nhân viên toàn thời gian. Nếu không thể ủy thác công việc phát sinh cho nhân viên hiện tại thì điều quan trọng là phải xem xét đến việc tuyển nhân viên thời vụ. Trong một số trường hợp, sẽ là tốt hơn để tuyển một freelancer, nhân viên bán thời gian hoặc nhân viên tạm thời.

Doanh nghiệp sẽ tốn các khoản chi phí nào khi tuyển nhân viên mới?

Dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ chi trả tiền lương cho nhân viên mới, nhưng có những chi phí khác cần được xem xét. Bạn cần phải đăng tin tuyển dụng trên các trang tìm kiếm việc làm, phỏng vấn, đào tạo và có thể phải may thêm đồng phục cũng như cung cấp thêm công cụ, thiết bị làm bị cho nhân viên mới. Thuế và chi phí bảo hiểm cũng là các khoản chi doanh nghiệp cần chi trả cho người lao động.

Ứng viên có đủ tiêu chuẩn?

Sau khi đã quyết định tuyển dụng, bạn cần phải xem xét các câu hỏi để tìm hiểu kỹ hơn về các ứng viên đã được sàng lọc cho vị trí. Vì một ứng viên không đủ tiêu chuẩn có thể làm tổn hại đến danh tiếng của công ty, chi phí và tăng tỉ lệ nghỉ việc nên bằng cấp là một trong những điều cần xem xét đầu tiên. Một ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn có thể giúp một công ty theo nhiều cách và thực sự tiết kiệm chi phí cho việc đào tạo, hướng dẫn.

Ứng viên có hiểu nhiệm vụ của doanh nghiệp không?

Đừng tuyển một người quan tâm đến mục đích của họ hơn là của doanh nghiệp. Hãy thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu hơn để có được sự hiểu biết về triết lý kinh doanh hoặc làm việc của ứng viên. Nếu họ không phù hợp với sự năng động hay mục đích hướng đến của công ty, tốt nhất nên bỏ qua các ứng viên này ngay cả khi họ là ứng viên xuất sắc về mặt chuyên môn. 

Ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty không?

Phù hợp với văn hóa công ty bao gồm nhiều khía cạnh về tính cách, thái độ và mục tiêu của nhân viên. Thật khó để biết liệu một nhân viên có phù hợp với văn hóa công ty hay không, nhưng việc xác định văn hóa công ty và các câu hỏi phỏng vấn có thể cực kỳ hữu ích trong việc đánh giá sự phù hợp. Mỗi công ty đều khác nhau, vì vậy dành thời gian để đánh giá văn hóa và sự phù hợp có thể giúp giảm tỉ lệ nhân viên mới nghỉ việc và giữ gìn được những nét văn hóa tuyệt vời vốn có của doanh nghiệp.

Ứng viên có thể thích ứng với sự thay đổi?

Thị trường luôn thay đổi không ngừng và doanh nghiệp phải thích nghi với điều đó. Nếu doanh nghiệp thay đổi hướng đi, ứng viên nên sẵn sàng thực hiện những thay đổi mà không phàn nàn hay khó chịu. Một nhân viên cứng nhắc không thể thích nghi với những thay đổi có thể gây hại cho doanh nghiệp của bạn. Hãy tìm kiếm thêm thông tin về cách ứng viên vượt qua các thử thách và thích nghi với điều kiện mới thông qua các trải nghiệm thực tế của họ.

Có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào không?

Nếu một ứng viên đã đáp ứng hết các tiêu chí trong công việc nhưng bạn vẫn còn nghi ngờ về sự không phù hợp với công ty, tốt nhất là nên sắp xếp một cuộc phỏng vấn thứ hai, trong đó có các thành viên khác của nhóm tuyển dụng để chắc chắn về việc đưa ra quyết định tuyển dụng nhân sự chính xác. Nếu vẫn còn nghi ngờ về việc tuyển dụng ứng viên sau cuộc phỏng vấn thứ hai, bạn có thể gửi thư từ chối ứng viên này.

Điều gì xảy ra nếu bạn đưa ra một bản quyết định tuyển dụng nhân sự kém hiệu quả?

Nếu nhân viên mới của bạn gặp khó khăn trong việc thích nghi với công việc, điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần phải hỗ trợ thêm để giúp họ đi đúng hướng. Có thể nhân viên mới cần gặp gỡ nhiều đồng nghiệp hơn và xây dựng nhiều mối quan hệ hơn không? Họ có cần đào tạo thêm hay thậm chí các khóa đào tạo mới mà công ty không thường tổ chức?

Tất cả những điều này sẽ tiêu tốn khá nhiều chi phí và khoản đầu tư đó không được đảm bảo sẽ thu hồi lại. Thông thường, ngay cả sau khi được hỗ trợ, nhân viên mới vẫn không đáp ứng được mong đợi. Khi họ cố gắng để theo kịp các đồng đội của họ, tinh thần của cả nhóm có thể sẽ giảm xuống. Cuối cùng, bạn phải để họ nghỉ việc và bắt đầu lại quá trình tuyển dụng, dẫn đến chi phí thậm chí còn nhiều hơn.

Làm thế nào để tránh đưa ra quyết định tuyển dụng nhân sự sai?

– Đừng chọn người không hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí đơn giản vì không có ai khác để lựa chọn. Mặc dù bạn không tin nhưng thực tế kéo dài thời gian tuyển dụng và chờ đợi một người phù hợp sẽ mang lại lợi ích về tài chính nhiều hơn. Trong khi chờ đợi, bạn có thể làm giảm bớt tác động của việc giảm năng suất và doanh thu bị mất từ vị trí tuyển dụng bằng cách tối ưu hóa các tài nguyên hiện có trong doanh nghiệp hoặc thuê một nhân viên tạm thời hay freelancer để lấp đầy “khoảng trống”.

– Đừng vội vàng trong quá trình phỏng vấn. Quá trình phỏng vấn là khoảng thời gian quan trọng trong đó bạn có thể tìm hiểu, làm quen với ứng viên của mình. Với ý nghĩ đó, hãy kìm nén sự thôi thúc làm cho quá trình đơn giản hơn để hoàn thành sớm công việc. Thay vào đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ xem mỗi ứng viên là ai và họ có thể phù hợp với công ty như thế nào.

– Tập trung vào tính cách cũng như kỹ năng. Các chuyên gia nhân sự xem tính cách của ứng viên là một trong ba yếu tố hàng đầu trong việc quyết định có nên đưa ra lời mời làm việc hay không. Đó là do tính cách là chìa khóa quan trọng trong việc xác định mức độ phù hợp của nhân viên với văn hóa cụ thể của bạn. Trong khi kỹ năng cho bạn biết liệu ứng viên có thể thực hiện công việc ở cấp độ kỹ thuật hay không thì tính cách cho bạn biết liệu ứng viên có thể hiện tốt nhất trong môi trường của bạn hay không. Cả hai đều là yếu tố quan trọng để một ứng viên có thể gắn bó với doanh nghiệp của bạn trong thời gian dài.

– Kiểm tra các thành kiến của bạn. Đưa ra các bản quyết định tuyển dụng nhân sự dựa vào ấn tượng đầu tiên có thể dẫn đến kết quả không tốt đẹp. Vì những thành kiến này, bạn có thể bỏ lỡ các ứng viên rất phù hợp. Để tránh bị cảm xúc lấn át, hãy khuyến khích các thành viên tuyển dụng khác đưa ra quan điểm của họ về cùng một ứng viên và so sánh các ghi chú. Bạn càng có nhiều thông tin và càng dành nhiều thời gian cho ứng viên, sự hiểu biết của bạn về họ sẽ càng toàn diện hơn.

Các quyết định tuyển dụng nhân sự có thể ảnh hưởng đến thành công của một công ty và sự phát triển trong tương lai, bất kể vị trí nào đang được tuyển dụng. Do đó, hãy dành thời gian để xem xét một số câu hỏi quan trọng trước khi đưa ra quyết định quan trọng đó. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tránh được các rắc rối sau này.

 

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công