Thị trường tuyển dụng lao động cuối năm 2013 tuy có nhiều khởi sắc, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, tuy nhiên còn rất nhiều ngành nghề vẫn “kén” lao động, tình trạng cung vượt quá cầu tiếp tục diễn ra, nhiều lao động vẫn không có việc làm hoặc phải chấp nhận làm nghề tay trái để có thu nhập.
Nhìn lại thị trường lao động cuối năm 2012
Năm 2012 là một năm “mất mùa” của thi trường lao động. Trong năm cả nước có tới gần 50.000 DN giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, làm cho gần 41.000 lao động ở 60 tỉnh, thành mất việc làm, đời sống người lao động vô cùng khó khăn.
Càng về cuối năm thị trường việc làm càng đìu hiu, gần như đóng băng bởi đơn đặt hàng giảm rõ rệt, tình trạng thất nghiệp gia tăng chóng mặt. Đứng trước nguy cơ có thể mất việc bất kỳ lúc nào, rất nhiều lao động đã bỏ DN chọn giải pháp khác để đối phó với khó khăn như: Bán hàng rong, phụ hồ, chạy xe ôm… Những ai không may mắn tìm được việc làm khác thì đành khăn gói về quê.
Đối với những DN không rơi vào tình trạng ngưng hoạt động thì phải tìm mọi cách tinh giảm nhân sự, đổi mới phương pháp tuyển dụng nhằm sàng lọc, tìm lao động có tay nghề tốt nhất.
Như vậy có thể thấy thị trường lao động cuối năm 2012 vô cùng ảm đạm, Hàng loạt DN phá sản, ngưng hoạt động, lao động thất nghiệp tràn lan, người lao động phải đỏ mắt tìm việc chứ không phải được mời gọi như những năm trước.
Cuối năm 2013, thị trường lao động vẫn trầm lắng
Trong những tháng cuối năm 2013, thị trường lao động có xu hướng ổn định, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới nhưng không nhiều, chủ yếu là bù vào số lao động nghỉ việc hoặc thay thế một số lao động nữ nghỉ thai sản.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: Thị trường lao động quí IV sẽ ở mức 60.000 lao động bao gồm lao động thay thế và tuyển mới của các DN. Trong đó tại các KCX – KCN thành phố có nhu cầu tuyển dụng 10.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như: dệt may – da giày, cơ khí, công nghệ thực phẩm, nhựa – bao bì, điện tử…
Việc lao động ở các nhóm ngành tăng là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên các DN vẫn rất “kén” trong khâu tuyển dụng. Điều này chứng tỏ rằng tình trạng cung vượt quá cầu trong những tháng cuối năm 2013 vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là các nhóm ngành như: Kế toán; Quản lý điều hành; Nhân sự; Hành chính văn phòng; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng… nhu cầu tuyển dụng rất ít và khắt khe, vì vậy lao động thuộc các nhóm ngành này vẫn lao đao tìm việc hoặc chấp nhận làm trái ngành.
Nguyên nhân cung vượt quá cầu trong những tháng cuối năm 2013 được ông Bùi Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL các KCX-KCN TP. Hồ Chí Minh giải thích: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, đơn hàng của các DN không tăng mạnh nên họ không có nhu cầu tuyển thêm nhân công. Hơn nữa cho đến thời điểm này các DN hạn chế tuyển dụng là do vẫn còn rất nhiều DN rơi vào tình trạng ứa đọng vốn vì hàng tồn kho nhiều. Do vậy, đến thời điểm này các chủ DN phải lo tìm đầu mối để bán hàng chứ không còn khả năng tuyển dụng lao động mới hay lao động thời vụ để sản xuất hàng hóa như những năm trước. Tình trạng tuyển dụng ồ ạt sẽ không diễn ra như mọi năm. Người lao động sẽ khó tìm được việc làm mới nếu nghỉ việc trong thời điểm này”.
Như vậy, trong những tháng cuối năm 2013 thị trường lao động có xu hướng phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên, tình trạng thay đổi chỗ làm việc của lao động không diễn ra ồ ạt như cùng kỳ những năm vừa qua (chỉ ở mức dao động dưới 15%, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 15% so với cùng kỳ 2011). Yêu cầu tuyển dụng nhân sự cũng đòi hỏi cao hơn, chủ yếu là những lao động lành nghề, có chuyên môn kỹ thuật, bằng cấp sẽ được ưu tiên.
Thúy Lộc – CareerLink.vn