Mất việc – người lao động trông chờ bảo hiểm thất nghiệp

Doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, cắt giảm nhân lực… đã đẩy người lao động rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, không việc làm. Trước tình hình đó, trong thời gian chờ tìm công việc mới, người lao động chỉ còn cách trông chờ vào bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 

Chỉ còn cách bấu víu BHTN

Để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống trong thời gian thất nghiệp, hàng ngàn người lao động đã tìm đến các trung tâm hỗ trợ đang ký BHTN nộp hồ sơ, đăng ký nhận trợ cấp. Với hy vọng rằng với khoản trợ cấp đó có thể phần nào giúp họ trang trải cho cuộc sống hàng ngày trong cơn bĩ cực.

 

Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.Hồ Chí Minh, trong mấy tháng đầu năm, mỗi ngày cả thành phố tiếp nhận 700-800 lượt đăng ký, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên rất nhiều. Trong khi năm 2011 chỉ khoảng 400-500 người. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động, đóng cửa khiến nhiều lao động mất việc. Ngoài ra, không chỉ lao động phổ thông mà những người có chuyên môn, thu nhập cao cũng tìm đến trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu lao động phổ thông ở nhiều ngành như: dệt, may, da giày hiện không còn gay gắt như cùng kỳ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tính toán chặt chẽ sử dụng lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Do đó, nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng quy mô. Mặt khác, một số đơn vị đã thu hẹp hoạt động và tinh lọc bộ máy nhân lực, khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

 

Mất việc làm trong khi giá cả thị trường lại liên tục tăng, khiến cho không ít người lao động phải sống vô cùng chật vật. Họ phải làm tất cả các công việc có thể kiếm ra tiền như: buôn bán, xe ôm, phụ hồ, giúp việc nhà… Nhiều người không tìm được việc làm thêm chỉ còn cách nóng lòng trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp ít ỏi hàng tháng.

 

Chị Nguyễn thị Chi, công nhân làm tại khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) đang chờ đến lượt đăng lý BHTN tại trung tâm giới thiệu Việc làm Bình Dương, cho biết: “Hơn một tháng nay không có việc làm, hai vợ chồng phải sống chật vật với số tiền để dành được trong thời gian còn đi làm. Đã vậy, vẫn phải gửi tiền về quê lo cho con ăn học. Giờ chỉ còn biết trông chờ vào trợ cấp xã hội chờ tìm được công việc mới, nếu không chắc phải về quê”.

 

Thất nghiệp gia tăng, khiến cho các trung tâm tiếp nhận đăng ký BHTN cũng gặp nhiều khó khăn vì số lượng người đến trung tâm mỗi ngày quá lớn. Dẫn đến tình trạng ùn ứa, chen lấn, xô đẩy nhau, gây khó khăn rất nhiều cho trung tâm trong việc giải quyết hồ sơ cho người lao động.

 

Quá tải đăng ký BHTN

Việc đăng ký BHTN đã phần nào giải quyết được những khó khăn trước mắt cho người lao động không có việc làm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, do đứng trước làn sóng phá sản, thu hẹp kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp đã đưa hàng ngàn người lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Đây là nguyên nhân người lao động ùn ùn kéo nhau đến các trung tâm đăng ký BHTN gây nên tình trạng quá tải tại các trung tâm.

 

Theo số liệu vừa được công bố của tổng cục thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam có tổng cộng 984 nghìn người thất nghiệp và gần 1,37 triệu người thiếu việc làm. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2012, lao động tại thành phố tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là do tình hình kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể đã kéo theo sự biến động của thị trường lao động của thành phố.

 

Không chỉ tình trạng thất nghiệp liên tục gia tăng, mà vấn đề việc làm trong những tháng cuối năm cũng gây không ít khó khăn cho người lao động. Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM – đơn vị tiếp nhận và xử lý hồ sơ BHTN tại TPHCM cho biết: 10 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn có trên 120.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, bình quân mỗi tháng trên địa bàn có khoảng 11.000 người thất nghiệp, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn số lượng người thất nghiệp của cả năm 2011. Tổng số tiền đã chi trả khoảng 900 tỷ đồng.

 

Tìm đến các trung tân tiếp nhận hồ sơ đăng ký BHTN là cách duy nhất giúp những người mất việc làm có thể bám trụ lại với thành thị. Đặc biệt là với lao động ngoại tỉnh, họ không muốn trở về quê sau khi thất nghiệp. Vì vậy họ chấp nhận làm đủ các công việc khác nhau để có thu nhập. Và dĩ nhiên, khoản thu nhập mà họ nghĩ đến đầu tiên là BHTN. Khoản thu nhập này giống như cái phao giúp người lao động có thể tiếp tục bám trụ được với cuộc sống trước mắt.

 

Việc quá tải người đăng ký BHTN là điều không khó lý giải, bởi sau khi mất việc, người lao động chỉ còn có thể trông chờ vào các khoản trợ cấp xã hội để vượt qua thời điểm khó khăn. Nhưng không phải ai cũng nhận được khoản trợ cấp này, mặc dù mỗi tháng họ vẫn tham gia đóng BH đầy đủ tại nơi làm việc. Nhiều người đã phải ngỡ ngàng, rồi thất vọng khi biết rằng không đủ điều kiện nhận BHTN.

 

Ngỡ ngàng vì không được nhận BHTN

Mất việc, BHTN là nguồn thu nhập chính của người lao động trong thời gian chờ tìm công việc mới. Thế nhưng, hy vọng của nhiều người bị dập tắt khi biết rằng không được nhận BHTN vì doanh nghiệp nợ BHXH, trong khi hàng tháng các cơ quan, doanh nghiệp vẫn trừ tiền BHXH của công nhân mình.

 

Chuyện nợ BHXH của các doanh nghiệp không phải là chuyện mới mà tình trạng này đang có xu hướng tăng lên. Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2012, số tiền nợ BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị, DN lên đến gần 8.500 tỉ đồng (trong đó nợ BHXH hơn 6.500 tỉ đồng), tăng hơn 2.000 tỉ đồng (31,8%) so với cùng kỳ năm 2011.

 

Trước tình trạng nợ BHXH gia tăng, quý III/2012, có 32 BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 690 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT ra tòa, tăng 69% so với quý II/2012. BHXH TPHCM cũng cho biết DN trên địa bàn đang nợ BHXH lên đến 1.600 tỉ đồng, chiếm khoảng 8% số thu phải đóng hằng năm. Vì vậy, BHXH TPHCM đang chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ để khởi kiện khoảng 200 DN còn nợ BHXH. Chính vì vậy, những lao động không may mất việc, xin nghỉ việc trong thời gian doanh nghiệp nợ bảo hiểm sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

 

Anh Nguyễn Văn Bình, đang chờ làm thủ tục đăng ký BHTN tại trung tâm giới thiệu việc làm tại Q, Bình Thạnh bức xúc nói: “ Tôi đến đăng ký BHTN thì được biết không đủ điều kiện làm thủ tục vì công ty đã nợ BHXH ba tháng nay rồi. Tôi đã mất việc gần hai tháng vì công ty cần sa thải bớt nhân lực. Tôi đã cố tìm công việc khác nhưng chưa được nên mới tìm tới đây đăng ký BHTN hy vọng có thể trang trải được cho cuộc sống trong thời gian chờ tìm việc mới. Vậy mà.” Không chỉ riêng anh Bình gặp phải tình cảnh như vậy, mà rất nhiều người sau khi ngồi chờ cả ngày trời, cuối cùng nhận được câu trả lời không đủ điều kiện nhận BHTN. Nhiều người đã bật khóc nức nở ngay tại trung tâm mà không biết kêu ai.

 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, Nhà nước hiện có chế tài quy định trong Nghị định 86/2010/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong BHXH và BHTN, nhưng mức xử phạt còn thấp. Theo đó, nếu doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, thì ngoài việc phải truy đóng đầy đủ, doanh nghiệp còn phải chịu lãi phạt chậm đóng và có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, mức lãi chậm đóng bằng mức tăng trưởng của quỹ BHXH khi đưa vào đầu tư. Mà mức tăng này Chính phủ quy định BHXH cho Ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước vay, với lãi suất thấp (khoảng10%/năm), trong khi lãi suất bên ngoài gần 20%/năm. Do đó, doanh nghiệp “thích nợ” BHXH hơn là đóng đúng hạn. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chậm đóng, thì theo xử phạt vi phạm hành chính tối đa chỉ 30 triệu đồng. Vì vậy, có tình trạng doanh nghiệp xin được nộp phạt để tiếp tục… nợ BHXH.

 

Người lao động khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp đều được hứa đóng đầy đủ các loại BH, được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Tuy nhiên, nhiều người khi không còn bấu víu được vào đâu khi tìm đến các khoản trợ cấp thì ngỡ ngàng vì doanh nghiệp đã không thực hiện đúng như trong hợp đồng đã ký kết. Điều này cũng chỉ làm người lao động mất quyền lợi mà chuyện người lao động mất lòng tin vào các chính sách của Nhà trước là điều không thể tránh khỏi.

 

Thúy Lộc – CareerLink.vn

Sao chép thành công