Báo cáo của Tổng cục Thống Kê công bố vào cuối tháng 6 vừa qua cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có tới 26.324 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý số DN giải thể tăng tới 35,4%; chưa kể việc có đến 31,7% DN được khảo sát cho biết dự kiến sẽ thu hẹp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, 13% giảm quy mô lao động … Hệ lụy đáng buồn của tình trạng này gây lao đao cho không ít người lao động, nhất là khi DN buộc phải chấm dứt hợp đồng vì không có khả năng chi trả phí nhân sự.
Tính từ ngày nhận quyết định thôi việc đến nay đã hơn 2 tháng, nhưng anh P.V.Hoàng – công nhân của một công ty CP xây dựng quy mô lớn tại thành phố vẫn chưa hết bàng hoàng. Trao đổi với phóng viên khi đang làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Q.Bình Thạnh, anh Hoàng cho biết gần 20 năm làm trong ngành xây dựng, đây là lần đầu tiên anh bị công ty cho nghỉ việc với lý do thiếu công trình, nhiều dự án gặp khó khăn. Điều an ủi duy nhất của anh chính là vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp so với nhiều người bạn làm công nhật, không có hợp đồng đang lay lắt tìm đường sống tại thành phố bon chen và đắt đỏ. Buông tiếng thở dài, chị M.T.Cúc góp lời bằng câu chuyện buồn của chính bản thân. Chồng Cúc đã thất nghiệp từ một tháng nay, giờ đến chị cũng bị chấm dứt hợp đồng lao động. Cả hai vợ chồng sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp chưa đến 2 triệu đồng/tháng và chạy vạy khắp nơi tìm việc khác nhưng vẫn chưa có DN nào phản hồi. “Cứ cái đà này chắc hai vợ chồng dắt díu nhau về quê sống, chứ ở trên này biết làm gì ăn, một miếng đất “cắm dùi” cũng không có”. Câu kết của Cúc nhận được nhiều cái nhìn thông cảm của hàng chục người khác cũng đang chen chúc làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Với khoảng 400 lượt người đăng ký thất nghiệp và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi ngày, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM thống kê trong số này có đến 90% là lao động phổ thông, công nhân. Tuy nhiên, làn sóng giải thể DN không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng lao động vừa nêu, bởi có trên 2% lao động trung cấp và cao cấp (có mức bảo hiểm thất nghiệp từ 4-6 triệu đồng/tháng) cũng nằm trong diện này. N.T.Nhi là một trong những trường hợp như thế. Đang là chuyên viên kinh doanh khá triển vọng của một công ty kinh doanh qua Internet, chỉ trong vòng một buổi tối, cuộc sống của Nhi đã hoàn toàn thay đổi. Thông báo giải thể công ty ngay vào sáng sớm hôm sau đã làm cô choáng váng. Cùng với hơn hai mươi mấy đồng nghiệp khác, Nhi bắt đầu hành trình tìm việc mới trong tâm trạng hết sức hoang mang. Đến nay, đã qua nửa năm mà cô vẫn chưa tìm được việc làm nào phù hợp và hài lòng như công việc cũ. Trong khi đó, anh T.V.Minh – Giám đốc Sản xuất của một công ty Thủy sản lớn tại Tiền Giang vẫn đang loay hoay tìm việc mới. Tâm sự với phóng viên, anh cho biết: “Mọi người đang rất lo lắng vì Ban Giám đốc đã thông báo từ đây đến tháng 9 có thể sẽ ngừng sản xuất và chấm dứt kinh doanh bất cứ lúc nào. Mặc dù biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc ngừng hoạt động hay giải thể là điều khó tránh khỏi, nhưng năm nay tôi đã gần tuổi về hưu, không biết ra khỏi công ty này có tìm được chỗ nào phù hợp nữa hay không”.
Trước thực trạng này, không chờ đợi giải pháp từ DN hay Công đoàn, có không ít người lao động đã tự xoay sở cho mình một việc mới để sống qua ngày, trước khi tìm được môi trường khác phù hợp hơn. Điển hình như trường hợp anh N.T.Thành, công nhân của một nhà máy sản xuất lớn tại Bình Dương. Để trang trải chi phí nhà trọ, ăn uống và các nhu cầu thiết yếu, cũng như có thể dành dụm tiền gửi về quê lo cho mẹ già và các con, anh chọn cách chuyển sang buôn dừa. Theo tính toán của anh, bằng việc làm cầm chừng này, anh có thể vừa trang trải chi phí, vừa để dành một phần, lại có thể có thời gian để tìm một việc làm khác tốt hơn. Còn chị P.T.Hương, công nhân của một cơ sở sản xuất da giày lại chuyển sang bán nước giải khát ngay trước cửa phòng trọ để mưu sinh và nuôi đứa con nhỏ đang học cấp 1, trước khi tính đến chuyện tìm chỗ làm khác. Với N.T.Nhi, dù không hề thích nghề bán mỹ phẩm và tư vấn bảo hiểm, nhưng chính hai nghề này đang giúp cô có đủ chi phí trụ lại ở đất Sài thành đắt đỏ để thực hiện ước mơ thành công trong lĩnh vực kinh doanh mà cô đang theo đuổi.
Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, vào ngày 11/5 vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp ở địa phương thực hiện nhiều giải pháp như: thống kê, khảo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động, với những DN gặp khó khăn và có nguy cơ nhiều người lao động bị mất việc thì xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể hỗ trợ DN và người lao động để hạn chế người lao động bị mất việc; tổ chức thực hiện đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời hạn đối với người lao động bị mất việc làm, nhất là các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm …; chú trọng tuyên truyền đối với người lao động về quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ; yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động. Đồng thời tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động của các Trung tâm Giới thiệu việc làm để tạo điều kiện cho người lao động bị mất việc sớm tìm được việc mới cũng như tăng cường các hoạt động dạy nghề và hỗ trợ người lao động học nghề để người mất việc làm có điều kiện học nghề phù hợp. Ngoài ra, người lao động bị mất việc còn được ưu tiên hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; có các biện pháp để khuyến khích người lao động tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động.
Với DN tuyển dụng, Bộ LĐTB&XH khuyến khích tuyển dụng người lao động bị mất việc làm để làm việc lâu dài tại DN, tổ chức…. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh sẽ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ và có giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động bị mất việc đang gặp khó khăn về đời sống và sinh hoạt…
Những quan tâm tích cực từ các Bộ Ngành đã phần nào mang lại diễn biến lạc quan và tích cực cho thị trường lao động giữa lúc DN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2012, đã tạo việc làm cho khoảng 734.000 lao động, tuyển dạy nghề khoảng 525.000 người. UBND TP HCM cũng thông báo đã có 141.346 lao động được giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm nay. Đối với DN, cách giải quyết khôn ngoan nhất trong lúc tình hình kinh tế còn quá nhiều thách thức như hiện nay, theo ông T.T.Dương, Giám đốc Công ty TNHH DM chính là: “lúc khó khăn như thế này, mới là lúc giữ những nhân viên có năng lực và cần có cam kết về lợi ích để họ không “nhảy việc”, sẵn sàng ở lại giúp công ty”, vì theo quan điểm điều hành DN của ông cũng như theo chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & Thông tin thị trường lao động TP HCM thì: “Những DN cố gắng giữ người lao động sẽ có lợi thế rất lớn trong tương lai, khi kinh tế hồi phục. Bởi khi ấy, việc có đủ nhân công sẽ đảm bảo cho tốc độ hồi phục nhanh hơn, bên cạnh đó, lại có lợi thế cạnh tranh khi nhiều đối thủ suy yếu do thiếu hụt lao động”.
(Thùy Miêng – CareerLink.vn)