Mình đã trả lời về cách xử lý áp lực trong công việc thế nào?

Trong bất kỳ cuộc phỏng vấn việc làm nào, hầu như chúng ta sẽ phải đối mặt với một hoặc nhiều câu hỏi hành vi buộc chúng ta phải nói về cách mình xử lý các tình huống công việc thực tế hoặc giả định. Và một trong những câu hỏi mà mình tin chắc rằng sẽ khiến nhiều người toát mồ hôi hột, đó là “Bạn vượt qua áp lực trong công việc thế nào?”.

Tại sao mình nói rằng đây là câu hỏi khó? Bởi bạn không thể trả lời như một siêu anh hùng rằng “Tôi không bị căng thẳng. Tôi có thể xử lý gọn bất kỳ công việc nào được giao”. Nghe có vẻ ngầu lòi phải không nhưng đó không phải là câu hỏi mà nhà tuyển dụng muốn nghe vì họ biết rằng mọi người đều gặp căng thẳng ở nơi làm việc, chẳng hạn nhân viên sales có lúc phải ứng phó với một khách hàng khó tính, lập trình viên nhiều khi phải đối mặt với các deadline sát nút hay nhân viên kế toán đầu bù tóc rối với các số liệu để kịp hoàn thành báo cáo tài chính.

Cũng chính vì việc nào cũng có vấn đề riêng nên bạn cũng không thể nói rằng “Tôi không giỏi chịu áp lực”. Một nhân viên dễ bị căng thẳng sẽ không có khả năng giải quyết vấn đề, lại còn là nguồn gây căng thẳng cho những người xung quanh, không khác gì… cục nợ. Trả lời như thế chẳng khác nào bạn kết thúc buổi phỏng vấn ngay lúc đó.

Vậy cách “đúng” để trả lời câu hỏi này là gì? Xin chia sẻ với các bạn về những điều mình đã góp nhặt được.

Cách mình đã vượt qua câu hỏi phỏng vấn về khả năng xử lý áp lực trong công việc

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là đừng tỏ ra mất bình tĩnh

“Sẽ thật kỳ cục khi chúng ta tỏ ra mất bình tĩnh trong lúc đang đưa ra đáp án cho câu hỏi: “Bạn xử lý áp lực trong công việc thế nào?”.”

Điều đó chẳng khác nào khi bạn đối diện với một cô gái xinh đẹp, người ta hỏi bạn “Có thích cô ấy không?”, miệng bạn bảo rằng không nhưng vành tai ửng đỏ của bạn, ánh mắt không thể dời đi nơi khác của bạn lại đang bán đứng chính bạn.

Vậy nên, trong khi não của bạn đang nảy số và trước khi miệng của bạn kịp đưa ra bất cứ đáp án nào, hãy luôn giữ nét điềm tĩnh trên khuôn mặt hoặc ít nhất, hãy cố gắng tỏ ra bình tĩnh dù trong lòng có đang dậy sóng.  

Kể về các tình huống bạn đã chiến thắng áp lực công việc

Những câu chuyện thực tế luôn có sức hấp dẫn đặc biệt và là điều mà bất cứ ai cũng muốn nghe, kể cả nhà tuyển dụng. Một câu chuyện sẽ giúp chúng ta nêu rõ bối cảnh về điều gì đã xảy ra, suy nghĩ của chúng ta như thế nào, chúng ta đã ngay lập tức có được giải pháp hay phải tĩnh tâm suy nghĩ để tìm ra việc cần làm tiếp theo cũng như có thể nêu chi tiết về các bước đã thực hiện để thoát khỏi nó và các bài học rút ra được. Đây cũng là cách mà mình thường xuyên áp dụng.

Câu chuyện đó không phải là điều chúng ta chợt nhớ ra khi nghe câu hỏi mà nên được chuẩn bị từ trước buổi phỏng vấn. Đó có thể là tình huống bạn quá hồi hộp trước một cuộc họp quan trọng, bất đồng ý kiến với đồng nghiệp, hoàn thành trễ một nhiệm vụ đặc biệt, không có tất cả thông tin cần thiết để hoàn thành công việc hoặc phải làm việc trong thời gian có các vấn đề cá nhân.

Dù là gì đi nữa thì câu chuyện đó cần phải liên quan mật thiết đến công việc ứng tuyển bởi điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng áp dụng câu trả lời vào môi trường làm việc của chính họ và làm cho mọi thứ dễ hiểu hơn. Điều tối kị là nên tránh các tình huống do bạn gây ra (hay có dính dáng đến bạn) hoặc vấn đề cuối cùng lại không có giải pháp tích cực, ngay cả khi bạn cảm thấy đó là một biểu hiện tốt về cách xử lý căng thẳng. Điều này vô tình sẽ khiến bạn bị “đánh giá 1 sao” mà không có cách nào cứu vãn.

Với tình huống xử lý áp lực trong công việc của mình, câu chuyện được mở đầu bằng cách: “Khi còn làm phục vụ ở nhà hàng, cả nhóm em đã gặp phải rắc rối chưa có bao giờ, đó là vào lúc đông khách nhất thì hệ thống đặt hàng tự động đột nhiên bị lỗi. Không ai biết làm sao để sửa ngay cả người quản lý ca trực nên tất cả đều rất lo lắng”.

Giải thích cách đối phó với tình huống

Bước tiếp theo là giải thích cách chúng ta xử lý tình huống, từng bước từng bước một về quá trình suy nghĩ, lý do tại sao lại đưa ra các lựa chọn đó và nói về cảm xúc nếu có thể. Nhưng xin đừng đề cập đến việc bạn đã khóc lóc, buồn bã, than phiền với đồng nghiệp hay bạn bè. Cũng đừng đưa ra giải pháp xin nghỉ phép để trốn chạy bởi vì những cách xử lý này thật sự tồi tệ, nếu không muốn nói là có phần ngớ ngẩn. 

Tiếp tục câu chuyện ở trên, mình đã đưa ra cách xử lý căng thẳng như sau: “Em ngay lập tức đến gặp người quản lý để xin ý kiến về việc tạm thời áp dụng cách nhận đặt hàng bằng giấy. Ban đầu, chị ấy do dự nhưng cuối cùng đã bật đèn xanh sau khi nghe em giải thích rằng đã từng làm việc đó trước đây. Cả nhóm nhà bếp và tiếp tân được tập hợp để nghe giới thiệu về “hệ thống” mới.”

Cho thấy hiệu quả rõ ràng và tích cực của giải pháp

Đến phần cuối của câu trả lời, câu chuyện của bạn cần có một kết thúc có hậu và điều đó nên được biểu hiện bằng việc tất cả mọi người liên quan đều nhận được lợi ích. Chẳng hạn như câu chuyện của mình: “Sau đó, một đơn hàng rồi hai đơn hàng viết tay được gửi đến nhà bếp như bất kỳ ca làm việc nào khác. Khách nhận đúng món họ đặt và tất cả nhân viên có thể làm nhiệm vụ của họ một cách suôn sẻ. Giải pháp được đánh giá là khá tốt và em được giao nhiệm vụ tạo ra một quy trình thao tác chuẩn cho hệ thống nhận đặt hàng bằng tay trong trường hợp hệ thống tự động bị lỗi trong tương lai”.

Tóm tắt lại một lần nữa về cách bạn xử lý căng thẳng

Câu chuyện bạn vừa kể là một ví dụ rõ ràng về khả năng đương đầu với áp lực trong công việc của bản thân, bây giờ bạn cần tóm tắt lại cách xử lý trong 1-2 câu ngắn gọn để đi đúng vào trọng tâm của câu hỏi. Chẳng hạn như: “Tóm lại, dừng lại một chút, suy nghĩ hợp lý và tập trung vào điều đang muốn hướng tới là cách mà em áp dụng để vượt qua áp lực của một nhiệm vụ đầy khó khăn”.

Một nhân viên giỏi không phải là người không bao giờ bị căng thẳng – một nhân viên giỏi là người có thể làm việc hiệu quả ngay cả khi có áp lực đè nặng. Bằng cách nêu rõ cụ thể bạn đã phản ứng tốt như thế nào trước áp lực trong công việc ở quá khứ, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã sẵn sàng đảm nhận những phần khó khăn nhất của công việc, giúp bạn tiến gần hơn một bước đến với vị trí ứng tuyển.

Trang Đoàn

Sao chép thành công