Thách thức trong nghề dịch thuật, bạn có biết?

Dịch thuật không chỉ đơn giản là chuyển đổi văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về ngữ pháp, văn hóa, cảm xúc và suy nghĩ. Với những khó khăn này, có thể nói rằng nghề dịch thuật là một công việc mà dù người phiên dịch chỉ có 1 năm hay 10 năm kinh nghiệm thì họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Diễn giải thành ngữ

“Một số người bạn biên dịch viên của mình nói rằng thuật ngữ là phần thử thách lớn nhất trong nghề dịch thuật và mình hoàn toàn đồng ý. Vì thành ngữ là những cụm từ mang nghĩa biểu trưng, tức là nghĩa bóng. Chúng có thể có hoặc không có từ tương đương trong ngôn ngữ đích và rõ ràng, chúng không thể được dịch theo nghĩa đen.

Chẳng hạn trong tiếng Việt của mình có thành ngữ “Nhất tiễn song điêu” – một mũi tên bắn hạ hai con chim trên trời – nhưng trong các ngôn ngữ khác như tiếng Indonesia, họ không sử dụng các hình ảnh giống nhau để mô tả hành động đạt được hai mục tiêu cùng lúc. Nếu chỉ dịch sát nghĩa đen trong tình huống này sẽ gây khó hiểu cho độc giả Indonesia. Thế nên mình phải tìm một thành ngữ bằng tiếng Indonesia có nghĩa tương tự như santic menyelam minum air – Uống nước khi lặn hoặc cố gắng diễn đạt nghĩa bóng của thành ngữ này bằng các từ và cụm từ thông dụng trong tiếng Indonesia.”- Hải Yến, Freelancer dịch thuật tiếng Indonesia, Anh.

Sự nhạy cảm văn hóa

“Mọi xã hội, quốc gia đều có niềm tin, thái độ và giá trị khác nhau và ngôn ngữ được dùng để truyền đạt những suy nghĩ, ý tưởng và cảm xúc này. Chính vì thế mà người làm công việc dịch thuật cần có sự nhạy cảm về việc bản dịch có thể bị hiểu sai nghĩa ở một nền văn hóa khác hay không.

Những người trong giới dịch thuật chắc hẳn không thể quên được tình huống Thương hiệu bia Coors Light với câu khẩu hiệu “Turn it Loose” để kêu gọi mọi người thoải mái thưởng thức đồ uống của họ. Mọi thứ hoạt động rất tốt ở Bắc Mỹ nhưng khi mở rộng vào thị trường Tây Ban Nha thì sự cố xuất hiện. Trong tiếng Tây Ban Nha, slogan này được hiểu là “bị tiêu chảy”. Đương nhiên, bia không bán được bởi vì không ai muốn ôm toilet sau khi uống một ly bia cả.

Một thương hiệu khác cũng từng gặp sự cố về dịch thuật tương tự, đó là Pepsi. Pepsi được tiêu thụ trên toàn thế giới, vì vậy nhiều người sẽ nghĩ rằng họ là một tay lão làng trong việc đưa ra các khẩu hiệu quảng cáo toàn cầu mà vẫn giữ nguyên bối cảnh. Nhưng điều này không xảy ra khi slogan “Come alive with Pepsi – Sảng khoái cùng Pepsi” được dùng ở Trung Quốc. Bằng cách nào đó, slogan này được dịch thành “Pepsi đưa tổ tiên của bạn trở về từ cõi chết”. Phải thừa nhận rằng đây là một khẩu hiệu quá ấn tượng với một công ty sản xuất nước giải khát, nhưng không hẳn là loại hình ảnh nên truyền tải đến thị trường nói chung.

Thế mới thấy, văn hóa cũng được coi là một vấn đề quan trọng trong nghề dịch thuật. Người dịch cần hòa mình vào nền văn hóa nhiều nhất, có thể qua các bộ phim, chương trình truyền hình, tạp chí và sách bằng ngôn ngữ đích, thì mới có thể dịch một cách chính xác mà không làm tổn thương cảm xúc hoặc khiến người đọc nổi trận lôi đình” – Minh Đức, Chuyên viên dịch thuật tiếng Anh.

“Ngay cả đối với những người theo nghề dịch thuật nhiều năm và giàu kinh nghiệm nhất thì đôi lúc cũng không thể thoát khỏi cảm giác bối rối và nản lòng”.

Thiếu chuyên môn về ngành nghề cần dịch thuật

“Một khó khăn mà mình gặp ngay từ lúc bước vào con đường dịch thuật là không đủ kiến ​​thức hoặc kinh nghiệm về một ngành cụ thể để cho ra một bản dịch chính xác. Các văn bản về đời sống xã hội thông thường có thể không làm khó người dịch nhưng giấy tờ mang tính pháp lý (như hợp đồng), sức khỏe, dược phẩm thì khác, bởi nó đòi hỏi mình cần phải có kiến thức sâu sắc về các vấn đề đó.

Ví dụ như khi dịch hợp đồng, mình cần có sự hiểu biết về pháp lý và cực kỳ chính xác trong cách dùng từ. Dù người dịch thuật giàu kinh nghiệm đến đâu nhưng nếu không nắm chắc từ vựng ngành nghề hoặc các vấn đề đặc thù trong ngành thì các bản dịch cũng sẽ không được đánh giá cao, thậm chí có thể dẫn đến hiểu sai gây ra tác động không thể lường được. Vì vậy các dịch giả thường chỉ làm việc trong 1- 2 ngành cụ thể và phải luôn cập nhật kiến thức mới cũng như nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia trong lĩnh vực đó” – Hằng Nguyễn, Chuyên viên dịch thuật tiếng Trung.

Giữ nguyên giọng văn của văn bản gốc

“Dịch thuật không chỉ là tìm các từ tương đương trong ngôn ngữ đích mà đó còn là việc truyền tải những cảm xúc và tình cảm phù hợp đến người đọc thông qua việc sử dụng đúng giọng văn như các tài liệu gốc. Đây cũng chính là lí do mà mình không xin được việc biên dịch ở một công ty sách trước đây.

Trong các tài liệu kinh doanh, văn phong của một thương hiệu khi dịch sang ngôn ngữ khác thì khách hàng vẫn có thể nhận ra. Tuy nhiên, điều này khó hơn khi dịch các tác phẩm văn học. Mỗi tác giả có phong cách viết và văn phong độc đáo riêng mà mình cần phải duy trì trong suốt bản dịch. Nếu không thì toàn bộ thông điệp của tác phẩm có thể sẽ đi theo một hướng khác và mất đi chất riêng của người viết. Bí quyết của mình là luôn dành thời gian đọc các tài liệu liên quan đến tác phẩm, tìm hiểu phong cách viết và văn phong trước khi bắt tay vào dịch.” – Minh Huệ, Chuyên về dịch thuật văn học và phim ảnh.

Áp lực thời gian

“Thời gian hạn chế cũng là vấn đề phổ biến nhất mà người làm nghề dịch thuật phải đối mặt hàng ngày, bởi vì khách hàng luôn muốn các bản dịch được hoàn thành một cách nhanh chóng.

Nếu đó là một văn bản đơn giản thì bạn có thể hoàn thành trong thời hạn. Nhưng khi đó là một tài liệu kỹ thuật hoặc pháp lý dày đặc các thuật ngữ kỹ thuật hoặc có nhiều phương ngữ thì việc trễ hạn có thể xảy ra. Khi khách hàng luôn hối thúc, cứ 1 tiếng lại nhắn tin một lần mà bạn lại đang bối rối vì không biết dịch thế nào cho phù hợp thì đúng là cực hình.

Để tiết kiệm thời gian thì một cách mà nhiều nhóm tụi mình hay dùng là các phần mềm hỗ trợ dịch thuật chuyên nghiệp. Ngoài ra trước khi nhận tài liệu khó thì sẽ yêu cầu thêm nhiều thời gian hơn.” – Mai Khoa, Chuyên gia dịch thuật tiếng Hàn.

Người làm nghề dịch thuật có nhiệm vụ quan trọng là chọn những từ ngữ phù hợp để mô tả thông điệp bằng một ngôn ngữ khác. Các vấn đề có thể phát sinh nhưng bằng cách nhận ra và hiểu những thách thức chung này, bạn sẽ có được các bản dịch đầy đủ và chính xác hơn.

Huỳnh Trâm

 

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công