5 cách mở đầu thư xin việc ấn tượng

Tìm ra cách để bắt đầu một bức thư xin việc có thể là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, có một công thức thành công rất dễ làm theo: phần giới thiệu bạn nên truyền tải sự chân thành và nhiệt tình đồng thời làm nổi bật các phẩm chất giúp bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Nếu bạn đang nhìn chằm chằm vào màn hình trống và cố gắng xây dựng một bức thư giới thiệu hoàn hảo hoặc đang sử dụng các cụm từ bị lạm dụng như “Tôi viết thư này để bày tỏ sự quan tâm của tôi…” hoặc “Xin chào, tôi tên là…” thì hãy thử một trong năm cách mở đầu sau đây nhé.

Thể hiện sự nhiệt tình với công ty

Nhà tuyển dụng đánh giá cao sự nhiệt tình đích thực vì điều này thể hiện nhân viên có động lực cao và dễ đi đến thành công. Nếu bạn thực sự bị thu hút bởi thương hiệu của công ty hoặc đã sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của họ thì đây là cơ hội tuyệt vời để thể hiện. Chẳng hạn “Tôi rất hào hứng khi thấy rằng công ty đang tuyển dụng người Quản lý Tổ chức sự kiện có kỹ năng và ý tưởng sáng tạo giúp nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu – đặc biệt là vì tôi đã được tham dự một số sự kiện của công ty. Với hơn 5 năm kinh nghiệm điều phối các sự kiện thành công, tôi tự tin rằng bản thân rất phù hợp với vị trí này.”

Làm nổi bật mối quan hệ

Nếu bạn được một đồng nghiệp cũ giới thiệu công việc này thì phần đầu của thư xin việc có thể là nơi đề cập đến mối quan hệ đó. Điều này giúp thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng bởi vì họ sẽ muốn biết tại sao một người nào đó mà họ có thể biết và tôn trọng lại đề nghị bạn ứng tuyển vị trí này. Một số mẹo về cách thực hiện khéo léo bạn có thể tham khảo như tránh sử dụng những từ cực đoan như “tuyệt vời nhất”, “tốt nhất”; nên thể hiện sự phấn khích, trân trọng và ngắn gọn. Chẳng hạn, “Tôi rất vui khi biết đến cơ hội việc làm này từ một đồng nghiệp cũ… Cô ấy/ Anh ấy và tôi đã cùng làm việc với nhau trong nhiều năm, gần đây nhất là một dự án… tại công ty… Cô ấy/Anh ấy nghĩ rằng tôi sẽ là người phù hợp với vị trí này trong công ty của anh/chị.”

Mở đầu với các thành tích ấn tượng

Điều quan trọng ở đây là kết nối được các kinh nghiệm trước đây với cách bạn có thể áp dụng cho vai trò mới. Ví dụ, “Chỉ riêng tháng trước, tôi đã tăng gấp đôi số người theo dõi trên Facebook của công ty X và tạo chiến dịch quảng cáo thành công đã mang về doanh thu… Tôi muốn mang chuyên môn và kinh nghiệm này của mình cho vị trí Quản lý Marketing trực tuyến của công ty anh/chị.”

Mang đến các thông tin thú vị

Hãy bắt đầu thư xin việc với các bằng chứng rằng bạn đã thực hiện nghiên cứu của mình và một chút khen ngợi về công ty ứng tuyển. Nếu gần đây công ty đã có các thành quả đáng kể, hãy đề cập đến trong phần mở đầu và kết hợp nó vào lí do bạn ngưỡng mộ công ty. Để tránh thái độ “nịnh hót” không phù hợp, hãy nói đến một sự kiện cụ thể, thực tế, các thống kê đáng chú ý hoặc giải thưởng mà công ty vừa gặt hái được. Ví như, “Khi tôi thấy công ty được giới thiệu trên tạp chí… vào tháng trước vì cam kết tái tạo năng lượng và giảm lãng phí tại nơi làm việc, tôi đã được truyền cảm hứng. Với thành tích đã tiết kiệm 30% chi phí cho công ty và khuyến khích môi trường làm việc xanh, tôi rất hào hứng với vai trò… để mở rộng sự phát triển của công ty và hướng tới tương lai bền vững hơn.”

Thể hiện niềm đam mê với những gì bạn làm

Niềm đam mê là một trong những yếu tố thúc đẩy lớn nhất đằng sau thành công. Và vì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các ứng viên có thể là người hỗ trợ cho công ty của họ, có đạo đức làm việc mạnh mẽ vậy nên bắt đầu thư xin việc bằng cách thể hiện niềm đam mê và động lực sẽ giúp bạn thực sự được chú ý. Chẳng hạn, “Tôi rất đam mê viết lách và đã tham gia làm cộng tác viên cho các tờ báo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong suốt hơn 10 năm kinh nghiệm, tôi đã chuyển niềm đam mê này thành blog cá nhân với hơn 20 ngàn lượt xem hàng tháng, các bài viết nổi bật trên các tờ báo lớn như… đã thu hút hơn 40 ngàn lượt xem…”

Hoàng Oanh

Sao chép thành công