Khi “săn” việc, hầu hết chúng ta tập trung vào thành tích, trí thông minh, ngoại hình và tính cách của mình mà bỏ qua một thứ: trí tuệ cảm xúc. Đây là một yếu tố quan trọng mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng đều tìm kiếm ở ứng viên của mình. Vì sao trí thông minh cảm xúc lại quan trọng trong quá trình tìm việc? Lí do là ở 5 điều sau đây.
Khả năng tự nhận thức
Một trong những đặc điểm của người thông minh cảm xúc là khả năng tự nhận thức. Đây là một phần không thể thiếu khi làm việc với người khác bởi vì một người tự nhận thức thường có thể xác định điểm yếu của mình và nhận lấy những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng dễ dàng hơn nhiều so với một cá nhân không tự nhận thức được. Thêm vào đó, không ai muốn thuê một nhân viên không sẵn sàng thay đổi, và một người tự nhận thức có nhiều khả năng phấn đấu để cải thiện kỹ năng của mình. Khi một nhân viên tự nhận thức được, họ sẽ hiểu được những gì truyền cảm hứng cho mình, và do đó chắc chắn sẽ trở thành một nhân viên hiệu quả hơn.
Tự kiểm soát bản thân
Việc “bùng nổ” cảm xúc quá mức trong một cuộc phỏng vấn không giúp bạn đứng đầu trong danh sách các ứng viên tiềm năng. Trong môi trường làm việc, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người không kiểm soát được cảm xúc của mình và nếu là đó là người mà bạn làm việc cùng, bạn có thể hiểu tại sao tự kiểm soát bản thân là một phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc. Những cá nhân tự biết kiểm soát mình luôn biết cách giữ bình tĩnh ngay cả trong những tình huống căng thẳng nhất. Tầm quan trọng của việc kiểm soát bản thân càng được nhấn mạnh nếu bạn ứng tuyển vào vị trí quản lý. Hãy thử tưởng tượng – nếu bạn đang bối rối với những khó khăn đang đối mặt trong vai trò là người giám sát thì rất có thể nhân viên của bạn cũng sẽ bắt đầu hoảng loạn – và đây là công thức dẫn đến “thảm họa”.
Luôn có động lực thúc đẩy
Một điểm mạnh khác của người thông minh cảm xúc chính là có động lực thúc đẩy. Khi nói đến động lực thúc đẩy, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chức vụ hay tiền bạc. Tuy nhiên, động lực bắt nguồn từ trí tuệ cảm xúc chính là sự thỏa mãn, hài lòng – một thứ không liên quan gì đến tiền bạc hay địa vị. Họ sẵn sàng hy sinh thành công ngắn hạn để đạt được các mục tiêu dài hạn. Loại động lực này chỉ có ở những người thông minh về cảm xúc.
Xây dựng trí thông minh cảm xúc sẽ giúp bạn có một tầm nhìn lớn hơn, và vì vậy khi đến phỏng vấn, bạn sẽ là một cá nhân năng động, năng suất cao, có thể đóng góp cho công ty theo nhiều cách. Đây là điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn.
Đồng cảm
Đây có thể nói là “vũ khí” quan trọng nhất trong “kho vũ khí” của trí tuệ cảm xúc. Khi bạn là người đồng cảm, bạn có khuynh hướng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu cảm giác của họ và điều chỉnh hành vi của bạn cho phù hợp. Tất cả chúng ta đều biết mọi thứ có thể trở nên tốt hơn nếu như sếp hoặc đồng nghiệp của bạn có thể hiểu được những khó khăn bạn gặp phải trong công việc và chia sẻ với bạn bằng cả lòng chân thành. Do đó, không quá khó hiểu khi các nhà tuyển dụng luôn quan tâm đến ứng viên có sự đồng cảm.
Kỹ năng xã hội
Cuối cùng, nhân viên có kỹ năng xã hội làm cho nơi làm việc trở thành một nơi thú vị. Nếu ngồi ở bàn làm việc cả ngày và không tương tác với bất kỳ đồng nghiệp nào, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy chán nản, thậm chí “khổ sở”. Do đó, một nhân viên biết cách giao tiếp là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng mối quan hệ cũng như môi trường làm việc lành mạnh. Thêm vào đó, nếu công việc của bạn liên quan đến việc giao tiếp với thế giới bên ngoài, bạn sẽ không tồn tại nếu không có phần trí tuệ cảm xúc này. Điều đó bao gồm email cũng như các cuộc điện thoại.
Nếu bạn hiện đang tìm kiếm việc làm, bạn rất thông minh, có khả năng và đã đạt được kết quả tuyệt vời trong quá khứ, nhưng không chắc chắn về trí tuệ cảm xúc của bản thân, hãy tự kiểm tra. Hãy nhìn thật kỹ vào 5 đặc điểm của trí tuệ cảm xúc trên đây và đánh giá mức độ đạt được. Nếu nghĩ rằng bạn không giỏi một trong số đó, hãy thực hành: lắng nghe chăm chú hơn, kiềm chế phản ứng tiêu cực, cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác… Tất cả những điều này sẽ giúp bạn trở thành một người tốt và nhân viên hiệu quả hơn.
Huỳnh Trâm