Workaholic là gì? Tự kiểm tra bạn có phải là người nghiện việc

Ý nghĩa của workaholic là gì? Làm thế nào để xác định? Nhiều người liên tưởng thuật ngữ workaholic – tham công tiếc việc – với những người làm việc nhiệt tình và đạt năng suất cao, đạt được thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp và kết quả là một cuộc sống trọn vẹn trong từng chi tiết. Trên thực tế, ý nghĩa của người nghiện công việc lại hoàn toàn khác.

Workaholic là gì?

“Workaholic được hiểu là nghiện việc, chỉ những người làm việc quá mức gần như không thể ngừng mặc dù điều đó có hại cho sức khỏe của họ.”

Những người nghiện công việc cũng giống như những người nghiện khác. Tâm trạng của họ phụ thuộc vào việc công việc của họ diễn ra như thế nào – nếu suôn sẻ, họ cảm thấy dễ chịu, còn nếu không, họ sẽ cảm thấy chán nản.

Những người nghiện việc có thể tỏ ra bồn chồn, thiếu kiên nhẫn và mất tập trung vào cuộc sống nhưng vẫn tập trung cao độ vào công việc. Họ cảm thấy khó khăn khi tham gia hoặc thậm chí nghĩ đến các hoạt động khác. Họ bỏ bê các mối quan hệ, gia đình và hạnh phúc của chính họ. Một số người khác có thể không thể rời bỏ công việc ngay cả khi điều đó gây tổn hại đến cuộc sống và sức khỏe của họ.

Sự khác nhau giữa làm việc nhiều giờ và nghiện việc

Làm việc nhiều giờ một mình không khiến bạn trở thành người nghiện công việc. Dù làm việc gì thì cũng có những lúc bạn phải làm việc cật lực vào nửa đêm. Bạn có thể phải giúp đỡ ai đó trong thời gian nghỉ sinh con, làm thêm việc để hoàn thiện một dự án quan trọng hoặc thức khuya để cân bằng giữa công việc và học tập để kiếm bằng cấp cao hơn.

Nhưng nếu tâm trí bạn không thể điều chỉnh khi bạn đóng máy tính, bạn có thể đang mắc chứng nghiện công việc. Bộ não của những người nghiện công việc liên tục bận rộn với các nhiệm vụ công việc hoặc bị ám ảnh về hiệu suất công việc. Và khi những người làm việc chăm chỉ dành thời gian để nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, những người nghiện công việc sẽ duy trì thói quen không ngừng nghỉ của họ bất kể điều gì.

Dấu hiệu của workaholic là gì?

Dưới đây là một số triệu chứng và xu hướng nghiện công việc chính có thể dễ dàng xác định.

Bạn thường làm việc nhiều hơn kế hoạch hoặc dự kiến

Tất nhiên, có những lúc cần phải làm thêm giờ – bạn có thể muốn đón nhận những thử thách mới, phát triển sự nghiệp hoặc làm hài lòng khách hàng. Và điều đó không sao cả. Suy cho cùng, chúng ta là những người chuyên nghiệp cần phải làm những gì cần thiết để đạt được những kết quả đầy tham vọng. Nếu bạn cảm thấy việc làm thêm giờ đã chiếm lĩnh cuộc sống của bạn và bạn không cảm thấy thoải mái với điều đó, thì đó có thể là “cờ đỏ” cảnh báo bạn về một cam kết làm việc không lành mạnh, có thể là nguyên nhân gây căng thẳng và trong những trường hợp nghiêm trọng, sẽvdẫn đến đến kiệt sức.

Luôn xem công việc là ưu tiên số một

Đối với người nghiện việc, công việc là ưu tiên hàng đầu. Dù là ngày nghỉ, ngày lễ, thậm chí tham gia các chuyến du lịch của công ty hoặc khi đau ốm, trong đầu họ vẫn nghĩ về công việc. Họ sẵn sàng làm việc dù mệt mỏi vì họ cho rằng không làm còn mệt hơn.

Lịch làm việc của bạn ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sức khỏe

Nếu vợ chồng, người yêu, gia đình hoặc bạn bè nói rằng bạn dành quá ít thời gian cho họ và nói rằng công việc của bạn quan trọng hơn họ và đổ lỗi cho công việc của bạn – và cả bạn – vì đã phá hỏng các mối quan hệ, bạn có thể đang gặp phải các triệu chứng nghiện công việc. Nếu bạn cũng bị đau đầu, mệt mỏi, hay quên, mất ngủ và các tình trạng sức khỏe khác, đã đến lúc bạn nên xem xét lại thái độ của mình đối với công việc.

Mang việc về nhà

Luôn kè kè máy tính, sổ sách ngay cả trên giường ngủ cũng là đáp án cho câu hỏi Dấu hiệu của workaholic là gì. Có thể nói cuộc sống của người nghiện việc, từ lúc thức dậy, ăn uống và ngay cả khi ngủ cũng đều gắn với công việc.

Không thừa nhận mình là workaholic

Hầu hết người nghiện việc không chấp nhận họ là người nghiện việc. Thay vào đó, họ tìm kiếm nguyên nhân để đổ lỗi như vì muốn thăng chức, muốn có sự nghiệp tươi sáng hơn.

Người nghiện việc thường không cảm thấy hạnh phúc

Trái với người đam mê công việc, cảm thấy hài lòng khi được làm việc thì workholics thường không cảm thấy hạnh phúc. Họ không thấy vui vì họ đang làm việc để xoa dịu cảm xúc tiêu cực khi không làm gì.

Hãy tự kiểm tra: Bạn có dấu hiệu của một người nghiện công việc không?

Việc tự mình kiểm tra có thể khá đơn giản. Để biết liệu bạn có đang bộc lộ dấu hiệu của một người nghiện công việc hay không, hãy trả lời một số câu hỏi trực tiếp. Khi trả lời các câu hỏi dưới đây, hãy sử dụng một trong năm câu trả lời: “không bao giờ”, “hiếm khi”, “thỉnh thoảng”, “thường xuyên” và “luôn luôn”.

Hãy nhớ rằng, nếu bạn muốn biết sự thật, bạn phải trả lời thành thật.

  • Bạn có ở lại làm việc muộn không?
  • Bạn có hy sinh thời gian rảnh và sở thích của mình để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến công việc không?
  • Bạn có nghĩ về công việc khi bạn không làm việc không?
  • Lịch làm việc của bạn có cản trở mối quan hệ của bạn với bạn bè và gia đình không?
  • Bạn có cảm thấy khó chịu khi không làm việc không?
  • Mọi người xung quanh có nói rằng bạn có dấu hiệu là người nghiện công việc không?

Nếu ít nhất bốn câu trả lời của bạn là “thường xuyên” và/hoặc “luôn luôn”, thì bạn không phải là một nhân viên đầy tham vọng, bạn có thể là một người nghiện công việc.

Cách để thoát khỏi cơn nghiện công việc

Hiểu rõ tại sao bạn là người nghiện công việc

Cho đến khi bạn tìm ra được lí do tiềm ẩn gây ra nghiện việc thì bạn mới có thể giải quyết tình trạng này. Nhiều người nghiện công việc làm việc quá nhiều vì sợ cảm thấy mình vô nghĩa, thất bại, không được cần đến hoặc không đủ. Vì thế, họ làm việc chăm chỉ hơn để kiếm được nhiều tiền hơn, thăng tiến trong sự nghiệp hoặc được khen ngợi nhưng điều này thực sự gây ra nhiều cảm giác sai lầm về giá trị bản thân nên họ làm việc như một sự xao lãng. Bạn cần suy nghĩ về điều bạn sợ hãi và tại sao nó lại khiến bạn phải làm việc chăm chỉ như vậy?

Thiết lập ranh giới

Để công việc chiếm lấy cuộc sống của bạn là hành động thiếu lành mạnh. Hãy dành cho mình một thời gian nhất định cho công việc và tuân thủ nó. Điều đó có nghĩa là không mang việc về nhà và không làm việc vào cuối tuần.

Lúc đầu, bạn có thể phải thực hiện từng bước nhỏ, chẳng hạn như làm việc ít hơn một giờ mỗi ngày hoặc không mang việc về nhà trong vài tuần đầu tiên. Sau đó, bạn có thể thực hiện thường xuyên hơn.

Học cách nói không

Trở thành một người nghiện công việc có nghĩa là bạn cảm thấy khó từ chối khi được yêu cầu hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn và do đó, cấp quản lý tiếp tục giao cho bạn những nhiệm vụ mà họ cho rằng bạn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng làm thêm cũng có thể nguy hiểm – dẫn đến khả năng bị cô lập và kiệt sức về lâu dài.

Một cách tốt để tập nói “không” là hãy chậm lại và trước tiên hãy đánh giá bản thân cũng như khả năng của mình. Bạn có thể tự hỏi bản thân xem hậu quả tồi tệ nhất mà bạn có thể gặp phải khi từ chối là gì hoặc liệu bạn có được lợi gì khi đồng ý với yêu cầu đó hay không. Hãy thử nói những câu như “Tôi xin lỗi nhưng hiện tại tôi không có thời gian để làm việc đó” hoặc “Tôi không thể giúp bạn việc này nhưng tôi biết ai đó có thể”. Bằng cách chân thành với chính mình, bạn có thể ngăn chặn việc làm việc quá sức.

Áp dụng một sở thích hoặc hoạt động mới

Hãy sắp xếp thời gian trong ngày để vui chơi, thậm chí chỉ trong 10 đến 15 phút. Hãy thực hiện một sở thích hoặc hoạt động mới không liên quan gì đến công việc. Đó có thể là điều bạn có thể làm với gia đình hoặc bạn bè và giúp bạn ra khỏi nhà/văn phòng!

Dành thời gian nghỉ ngơi

Người nghiện việc hẳn có rất nhiều ngày nghỉ phép chưa sử dụng. Hãy nghỉ phép đi. Tách công việc ra khỏi cuộc sống cá nhân của bạn, tập trung vào những điều thực sự quan trọng đối với bạn, như bạn, gia đình và bạn bè của bạn, và nạp lại năng lượng.

Và hãy nhớ, không liên hệ với văn phòng khi nghỉ phép nhé.

Nếu bạn đã hiểu workaholic là gì và cảm thấy mình sắp rơi vào cái bẫy của chứng nghiện công việc workaholism, hãy áp dụng các cách trên để bảo vệ bản thân khỏi tình trạng nghiện việc hơn phải cần đến các phương pháp điều trị cụ thể.

Huỳnh Trâm

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công