Tạo ấn tượng tốt khi trả lời câu hỏi “Sếp cũ sẽ nói gì về bạn?”

Con người chúng ta thường không giỏi trong việc tự đánh giá bản thân mình, trong khi đó ý kiến của người khác, đặc biệt là người làm việc gần gũi với bạn như quản lý, thường sẽ chính xác hơn. Thế nên, các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm các ý kiến bên ngoài này thông qua câu hỏi “Giả sử chúng tôi kiểm tra thông tin với sếp cũ của bạn và yêu cầu họ mô tả về bạn, bạn nghĩ họ sẽ nói gì?” để giúp họ biết được điểm mạnh, điểm yếu lẫn năng suất làm việc của bạn.

Ngoài ra, câu hỏi “Sếp cũ sẽ nói gì về bạn?” cũng giúp họ khám phá một chủ đề sâu sắc hơn, đó là các mối quan hệ của bạn tại nơi làm việc. Cụ thể, họ muốn tìm hiểu xem bạn có khả năng xây dựng các mối quan hệ chuyên nghiệp hiệu quả hay không. Cách bạn trả lời sẽ cho họ cái nhìn thoáng qua về cách “đối nhân xử thế” với cấp trên và động lực làm việc của bạn sẽ như thế nào khi tiếp nhận vai trò mới.

Lưu ý đầu tiên mình luôn nhắc các ứng viên khi trả lời câu hỏi này (cùng nhiều câu hỏi khác) là chỉ nói sự thật. Ngay cả khi bạn không chắc chắn người quản lý trước đây sẽ nói thế nào thì cũng đừng đi quá xa và bắt đầu liệt kê những phẩm chất mà bạn không có. Nhiều khả năng, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với sếp cũ của bạn để xác thực thông tin, thế nên hãy tránh quảng cáo bản thân quá “lố” hoặc vẽ vời ra những câu chuyện không có thật. Bạn hoàn toàn có thể tạo ấn tượng ban đầu rực rỡ bằng cách trả lời các câu hỏi một cách tự tin, lịch sự và đĩnh đạc cơ mà.

Cách dễ nhất để trả lời câu hỏi “Sếp cũ sẽ nói gì về bạn?” là diễn giải một đánh giá hiệu suất tích cực bạn nhận được gần đây. Bằng cách xác nhận thông tin đầy uy tín thế này, bạn sẽ dễ dàng tạo được lòng tin với nhà tuyển dụng. Bạn cũng cần đưa ra một số bối cảnh tổng thể về vai trò và trách nhiệm của mình để câu trả lời đầy đủ ý hơn. Chẳng hạn như “Trong lần đánh giá hiệu suất gần đây nhất vào tháng 4, người quản lý trực tiếp đã khen em là người chủ động và không né tránh những vấn đề khó khăn. Vai trò của em liên quan rất nhiều đến việc xử lý vấn đề tại chỗ và khi có sự cố xảy ra, em luôn làm những gì có thể để khắc phục trước thay vì chuyển vấn đề đó sang cho nhóm hay cấp trên ngay lập tức. Em biết sếp luôn đánh giá cao điều đó ở mình”.

“Câu trả lời của bạn cho câu hỏi phỏng vấn “Sếp cũ sẽ nói gì về bạn?” không thể quá huyền ảo hay tâng bốc nhưng cần phải hấp dẫn và truyền tải sự tích cực”

Một cách khác để trả lời câu hỏi này là kể một câu chuyện và kết thúc bằng cách sếp hoặc đồng nghiệp mô tả về bạn. Đây là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ các kinh nghiệm hoặc kỹ năng mà bạn biết nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở ứng viên nhưng chưa có cơ hội đề cập đến.

Bạn có thường xuyên là nhân vật chính trong các câu chuyện thế này không: “Có lần em bước vào văn phòng và ngay lập tức bị đồng nghiệp gọi lại, đưa em đến nơi một bạn khác đang cố gắng giải thích với khách hàng đang to tiếng. Bạn ấy thấy em thì rất vui và nhờ em nói chuyện với vị khách đó. Mặc dù mất khoảng 15 phút để khách bình tĩnh xem xét các lựa chọn và giải thích lợi ích của từng giải pháp nhưng cuối cùng em đã bán được một sản phẩm bổ sung giúp giải quyết vấn đề khách đang gặp phải và họ đã vui vẻ rời đi. Em thường là người mà các đồng nghiệp tìm đến khi phải đối mặt tình huống căng như dây đàn. Thế nên em nghĩ rằng cả sếp và đồng nghiệp đều mô tả em là người kiên nhẫn giải quyết vấn đề”. Nếu bạn cũng được tin tưởng như nhân vật trong ví dụ này thì bạn đã có câu trả lời tuyệt vời rồi đấy.

Nếu chẳng may bạn không chuẩn bị câu hỏi này từ trước và việc nhớ về những câu chuyện có thể khó khăn trong buổi phỏng vấn căng thẳng thì đây là một cách trả lời khác: Hãy thử nghĩ về ba đặc điểm tích cực mà bạn thường sử dụng cho công việc hoặc nơi làm việc kèm theo một ví dụ ngắn sau mỗi đặc điểm. Câu trả lời hay nhất sẽ cung cấp dữ liệu khách quan, mang tính đánh giá, thể hiện thành tích và thành tựu của bạn.

Bạn có thể tham khảo gợi ý sau đây và biến tấu, “xào nấu” để có câu trả lời của riêng mình: “Sếp cũ có thể mô tả em là người đáng tin cậy vì em luôn hoàn thành công việc đúng hạn và chưa bao giờ chậm tiến độ cho bất kỳ nhiệm vụ nào. Hoặc em nghĩ anh ấy nói rằng em là người ấm áp, thân thiện vì em hầu như luôn kết bạn với mọi người em gặp. Bất cứ khi nào nhóm có thành viên mới, em đều cố gắng khiến họ cảm thấy thoải mái và hỗ trợ mọi thứ họ cần. Bên cạnh đó, em cũng nghĩ đến khả năng sáng tạo. Cách đây vài tháng, em đã nhận được lời khen của sếp nhờ đưa ra sáng kiến mới về cách tiếp thị giúp giảm 15% chi phí hàng tháng”.

Dù chọn cách trả lời nào thì cũng cần nhớ bình tĩnh và đừng ngần ngại trả lời nhé. Nếu bạn do dự hoặc tỏ ra khó chịu, điều đó có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng bạn đang “lên kịch bản” cho câu chuyện của mình.

Khéo léo hơn, hãy nêu bật những phẩm chất mà bạn nghĩ sẽ giúp bạn có được công việc đang phỏng vấn. Chẳng hạn như với vị trí hành chính, bạn có thể nhấn mạnh các phẩm chất như tổ chức sắp xếp, quản lý thời gian, giao tiếp tốt, làm việc dưới áp lực… Nếu ứng tuyển các vai trò trong lĩnh vực Marketing, bạn nên đề cập đến kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề… Hay như với vị trí lập trình thì không thể bỏ qua khả năng lập luận, phân tích, hiểu biết về AI, điện toán đám mây hay thiết kế UX…

Và tất nhiên rồi, đừng bao giờ nói xấu sếp. Một câu trả lời mỉa mai như “Sếp cũ sẽ nói em là một mảnh ghép không thể thiếu trong nhóm nếu anh ấy còn nhớ tên em” chắc hẳn là điều không nên. Không ai muốn làm việc cùng người có thái độ tiêu cực cả. Nếu trả lời như vậy thì chuyện bạn không nhận được bất kỳ hồi âm nào sau phỏng vấn là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Bạn đã bao giờ nghe nói: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai” chưa? Ý nghĩa đằng sau câu nói này là những người chúng ta kết giao và những điều họ nói về chúng ta tiết lộ rất nhiều điều về con người chúng ta. Trong bối cảnh phỏng vấn, điều này xảy ra dưới câu hỏi: “Sếp cũ sẽ nói gì về bạn?” hoặc “Sếp cũ sẽ mô tả về bạn như thế nào?”

Nếu bạn được hỏi câu hỏi này, hãy coi đây là cơ hội tuyệt vời để thể hiện những phẩm chất khiến bạn phù hợp với công việc và văn hóa doanh nghiệp. Bằng cách kết nối các đặc điểm tính cách thực tế của bạn với yêu cầu công việc và minh họa bằng các ví dụ cụ thể, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng tin tưởng vào khả năng lẫn kỹ năng của bạn và vui lòng chào đón bạn đến với đội nhóm của họ.

Vân Phạm

Sao chép thành công