Front End Developer là gì? Công việc của Front End Developer ra sao? Bạn cần có kỹ năng gì để tự tin ứng tuyển vào vị trí Front End Developer? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Công việc của Front End Developer là gì?
Với sự gia tăng ngày càng nhanh chóng số lượng người dùng internet trên toàn cầu, sự phát triển và thành công của ngành quảng cáo tiếp thị trực tuyến, các trang web liên tục ra đời, dẫn đến nhu cầu công việc lập trình, thiết kế web ngày càng tăng mạnh.
Khi bạn mở một trang web, ấn tượng đầu tiên của bạn sẽ là hình ảnh, màu sắc, phông chữ, cấu trúc, tốc độ truy cập… của trang web đó. Và công việc của lập trình viên Front End chính là làm sao cho trang web có giao diện thu hút khách hàng, phù hợp với tính chất, nội dung muốn chuyển tải và dễ dàng sử dụng.
“Front End Developer là người chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai giao diện trang web.”
Cụ thể hơn, lập trình viên Front End sử dụng các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và Javascript để thiết kế và xây dựng “bộ mặt” các website. Những gì mà các bạn nhìn thấy hay “nhấp chuột”, kéo, lướt… ở trên màn hình chính là kết quả công việc của Front End Developer.
Ngày nay, người dùng internet sử dụng rất nhiều loại thiết bị với kích thước và độ phân giải khác nhau, do đó công việc của Front End Developer phức tạp hơn trước. Front End Deveoper không phải chỉ lập trình duy nhất một giao diện cho một website hoặc ứng dụng. Với mục đích để khách hàng dễ dàng và thuận tiện khi sử dụng, Front End Developer phải đảm bảo trang web xuất hiện được trên các trình duyệt khác nhau cũng như hệ điều hành và các thiết bị khác nhau.
Mặc dù có một số khác biệt giữa các công ty, nhưng bạn thường có thể thấy trách nhiệm của Front End Developer bao gồm một số hoặc tất cả những điều sau:
– Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng;
– Sử dụng HTML, JavaScript và CSS để xây dựng website;
– Phát triển và duy trì giao diện người dùng;
– Thực hiện thiết kế trên các trang web di động;
– Tạo các công cụ cải thiện tương tác trang web bất kể trình duyệt;
– Quản lý quy trình làm việc của phần mềm;
– Tuân theo các phương pháp hay nhất về SEO;
– Sửa lỗi và kiểm tra khả năng sử dụng.
Xem Thêm: Tuyển Dụng Lập trình viên Front End tại website Careerlink
Lập trình viên Front End cần có những kỹ năng gì?
Thành thạo HTML và CSS
Tất nhiên, nói đến kỹ năng của các Front End Developer là gì thì không thể thiếu việc thành thạo HTML và CSS.
Để thiết kế giao diện cho một trang web, các lập trình viên Front End thường sử dụng hầu hết những tính năng trong HTML và CSS. Nói cách khác, nếu thiếu hiểu biết về kỹ năng này, việc thiết kế sẽ khó mà thực hiện được. HTML (Hyper text markup language) là ngôn ngữ đánh dấu tiêu chuẩn, là nền tảng cơ bản để xây dựng các trang web.
Còn CSS (Cascading style sheets) lại là ngôn ngữ được sử dụng để định kiểu, như tạo layout, màu sắc, phông chữ… cho nội dung được thiết kế bằng HTML trước đó.
Tóm lại đây là hai ngôn ngữ cơ bản nhất mà một lập trình viên Front End cần phải nắm rõ.
Kiến thức và kỹ năng về Javascript
Bên cạnh CSS và HTML, để xây dựng giao diện website, bạn cần phải thành thạo cả ngôn ngữ Javascript.
JavaScript cải thiện cách hoạt động của trang web, tạo ra nhiều tính năng tương tác giúp người dùng dễ dàng sử dụng website hơn. Chính vì thế tầm quan trọng và sự cần thiết của ngôn ngữ Javascript cũng không hề kém cạnh so với CSS hay HTML.
Chẳng hạn, khi bạn đăng nhập vào một website bất kỳ, nếu ở đó có xuất hiện thông báo thì nghĩa là bạn đã thực hiện thao tác thành công. Phần tính năng này được tạo ra bởi JavaScript. Tóm lại, nếu HTML và CSS quyết định phần trình bày của một trang web, thì JavaScript sẽ quyết định phần chức năng của trang web đó.
Đây được xem là một công cụ tuyệt vời, được ứng dụng nhiều trong hầu hết các trang web hiện nay. Đôi khi một trang web đơn giản sẽ không cần tới JavaScript, nhưng nếu bạn cần các tính năng tương tác như âm thanh, video, trò chơi, ảnh động… trên trang web, thì JavaScript chính là công cụ bạn sẽ dùng để tạo ra chúng.
Framework
Một Front End Developer không chỉ cần thành thạo các ngôn ngữ như HTML, CSS và JavaScript, bởi nếu muốn thúc đẩy quá trình xây dựng hoặc viết code diễn ra nhanh chóng hơn, thì bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ của những framework.
Framework là các đoạn code đã được viết sẵn, cấu thành nên một bộ khung và các thư viện lập trình được đóng gói. Nói cách khác, framework giống như khung nhà được làm sẵn nền móng cơ bản, bạn chỉ cần vào thiết kế và dựng nội thất theo ý mình.
Kiểm thử và gỡ lỗi trình duyệt
Lỗi là điều thường xuyên xảy ra đối với những người làm công việc lập trình giao diện web. Do đó, việc làm quen với các quy trình kiểm thử và gỡ lỗi là rất quan trọng.
Kiểm thử là kiểm tra và chạy thử. Quy trình kiểm tra và gỡ lỗi giúp đảm bảo trang web của bạn hoạt động tốt và người dùng không gặp phải bất kỳ sự cố nào trong khi họ đang khám phá nội dung trang web.
Gỡ lỗi là lấy tất cả các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra, hoặc người dùng phát hiện ra sau khi trang web của bạn được khởi chạy. Các công ty khác nhau sử dụng các quy trình gỡ lỗi không giống nhau, nhưng nếu bạn đã áp dụng một quy trình, bạn có thể thích nghi với những quy trình khác khá dễ dàng.
Kiểm tra và sửa lỗi đóng góp phần lớn vào trải nghiệm người dùng, do đó đây là những kỹ năng quý giá và cần thiết đối với mọi Front End Developer.
Hiểu biết về Responsive và thiết kế mobile
Cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh và máy tính bảng, số lượng người sử dụng các thiết bị này để tìm kiếm thông tin trên mạng và truy cập vào các trang thương mại điện tử cũng ngày càng tăng. Do vậy, ngày nay công việc của một lập trình viên Front End bao gồm cả thiết kể giao diện website dành cho thiết bị di động.
Trong ngành lập trình, thuật ngữ Responsive được dùng để chỉ việc xây dựng một giao diện website có đặc tính thích hợp với mọi kích thước màn hình, gồm cả màn hình của thiết bị di động.
Khả năng tự học hỏi và sáng tạo
Ngoài những kỹ năng về công nghệ như trên, để trở thành một Front End Developer, bạn cần trang bị cho bản thân một số kỹ năng mềm.
Như đã thảo luận ở phần đầu của bài viết này, công nghệ là ngành luôn thay đổi với các xu hướng xuất hiện và biến mất, đôi khi hết sức đột ngột.
Vì vậy, là một lập trình viên Front End, bạn phải có khả năng tự học. Công nghệ mới, ngôn ngữ lập trình mới, các nền tảng khác nhau hoặc xu hướng phát triển… yêu cầu bạn phải luôn trau dồi kỹ năng để trụ vững ở vị trí của mình.
Tò mò và đam mê công nghệ
Bạn không thể là chuyên gia phát triển web hay lập trình viên nếu bạn không thực sự quan tâm đến công nghệ. Một khi đã bước vào nghề này, bạn cần được thúc đẩy bởi sự quan tâm và tò mò về việc trở nên giỏi hơn và lành nghề hơn.
Sự tò mò và đam mê công nghệ sẽ giúp bạn luôn cập nhật những kiến thức mới mẻ, và giữ được nhiệt huyết với nghề ngay cả sau nhiều năm làm việc.
Mặt khác, là một lập trình viên, bạn sẽ phải thường xuyên giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Do đó bạn hãy rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và không sợ đối mặt với áp lực trong công việc.
Ngày nay, internet đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và thương mại điện tử đang lên ngôi. Tuyệt đại đa số các thương hiệu và doanh nghiệp đều có nhu cầu xây dựng website bán hàng. Cũng từ đó nhu cầu tuyển dụng lập trình viên Front End cũng tăng cao đáng kể, và cơ hội làm việc cho lập trình viên Front End hiện đang rộng mở với mức thu nhập tương đối cao, trung bình khoảng 15 – 22 triệu đồng/ tháng.
Vậy là bạn đã hiểu Front End Developer là gì và kỹ năng cần thiết để trở thành một Front End Developer rồi phải không nào? Nếu bạn có định hướng theo con đường nghề nghiệp này hoặc đang tìm công việc Front End Developer, hãy truy cập vào mục việc làm của CareerLink, để cập nhật nhiều thông tin hữu ích nhé.
Kiều Giang