Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động từ sản xuất tới dịch vụ hay sản phẩm văn hóa đều chịu tác động của quy luật kinh tế. Vậy quy luật kinh tế là gì? Ý nghĩa ra sao và có những loại quy luật kinh tế nào?
Quy luật kinh tế là gì?
Nói đến quy luật là nói đến mối quan hệ biện chứng, khách quan có tính lặp đi lặp lại của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội.
“Dựa vào định nghĩa này thì quy luật kinh tế được hiểu là khái niệm phản ánh mối quan hệ nhân quả có tính tất yếu, bản chất và lặp đi lặp lại giữa các đối tượng, sự vật trong tổng hòa của quá trình kinh tế, nền kinh tế nhất định.”
Quy luật kinh tế trong tiếng Anh được gọi là Economic Laws. Nó không tự sinh ra mà được tạo nên trong quá trình phát triển của nền kinh tế, sau đó được con người đúc rút và gọi tên thành những quy luật khác nhau. Những quy luật này sẽ tác động thậm chí chi phối tới tất cả các hoạt động kinh tế trên thị trường.
Ý nghĩa và đặc điểm của quy luật kinh tế là gì?
Ý nghĩa của quy luật kinh tế
Hiểu rõ về quy luật kinh tế là gì có ý nghĩa quan trọng đối với bất kể tổ chức, cá nhân nào. Bởi dẫu trực tiếp hay gián tiếp thì bất kể cá nhân nào cũng tham gia vào quá trình kinh tế và ít nhiều sẽ bị tác động bởi các quy luật kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp cũng như tổ chức liên quan trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh thì việc hiểu rõ quy luật kinh tế sẽ giúp họ đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp, hiệu quả.
Đối với tổ chức định hướng chính sách thì nắm rõ quy luật kinh tế tức là hiểu được thị trường, nắm được bản chất của thị trường. Điều này giúp các nhà hoạt định đưa ra chính sách kịp thời, hiệu quả giúp kinh tế của đất nước phát triển bền vững, đúng quy luật.
Nói cách khác, chính sách kinh tế chính là sự vận dụng các quy luật kinh tế và các quy luật khác vào hoạt động kinh tế. Khi tôn trọng quy luật kinh tế và áp dụng phù hợp sẽ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ đối với cá thể, doanh nghiệp mà rộng lớn hơn, nó còn giúp nền kinh tế của một quốc gia phát triển mạnh mẽ và ổn định.
Đặc điểm của quy luật kinh tế
Thứ nhất là tính khách quan. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, quy luật không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi. Nó tồn tại và vận hành độc lập. Cũng như những quy luật khác thì quy luật kinh tế tồn tại trong kiều kiện nhất định và mất đi khi điều kiện đó không còn. Nó tồn tại độc lập ngoài ý chí của con người. Vì thế con người không thể tự tạo ra quy luật kinh tế cũng chẳng thể tự thủ tiêu quy luật kinh tế mà chỉ có thể phát sinh do sự tác động qua lại của hoạt động kinh tế.
Thứ hai, không giống như quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế tồn tại độc lập và song song với hoạt động kinh tế của con người. Nó vận hành, chi phối và tác động tới những hoạt động kinh tế dù nhỏ nhất. Vì thế, quy luật kinh tế có tính lịch sử của nó. Dựa vào đặc tính này thì có thể chia quy luật kinh tế thành quy luật kinh tế đặc thù và quy luật kinh tế chung.
Theo đó, quy luật kinh tế mang tính đặc thù chỉ tồn tại trong một phương thức sản xuất cụ thể còn quy luật kinh tế chung có thể tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất.
Các loại quy luật kinh tế và tác động với kinh tế Việt Nam
Kinh tế tư bản chủ nghĩa hay kinh tế xã hội chủ nghĩa thì đều là quá trình sản xuất ra sản phẩm và sản phẩm đó sẽ được trao đổi trên thị trường giữa bên mua và bên bán. Quá trình này chịu tác động của quy luật kinh tế như quy luật cung cầu, quy luật lưu thông tiền tệ, quy luật cạnh tranh… Đây được coi là quy luật kinh tế phổ biến và có tác động lớn nhất.
Về quy luật kinh tế cung cầu: Thị trường hoạt động theo nguyên tắc cung cầu. Nếu cung và cầu cân bằng nhau thì nền kinh tế đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Nhưng chỉ cần cán cân bị lệnh, hoặc bên cung giảm hoặc bên cầu tăng thì đều xảy ra hiện tượng mất cân bằng, khiến nền kinh tế bị xáo trộn, chỉ số lạm phát cũng thay đổi. Ở trạng thái cân bằng sẽ không có chuyện dư cung hay dư cầu, nó được đảm bảo bởi một lượng sản phẩm giao dịch cân bằng.
Thông qua sự điều chỉnh của thị trường và mối quan hệ cung cầu thì thị trường giữ được cân bằng. Trong đó, đảm bảo cân bằng của một sản phẩm thì được gọi là cân bằng bộ phận còn đảm bảo cân bằng cùng lúc cả thị trường thì gọi là cân bằng tổng thể. Nói một cách khác, cung cầu cân bằng thì nền kinh tế đảm bảo được sự ổn định.
Về quy luật lưu thông tiền tệ: Quy luật được xây dựng trong quá trình tiền được lưu thông trên thị trường. Khái niệm này liên quan nhiều đến lạm phát, vấn đề mà tất cả các chính phủ rất đau đầu. Theo đó, khối lượng tiền lưu thông thực tế phải thích ứng và phù hợp với khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông. Điều đó đòi hỏi tổng số tiền trong lưu thông phải bằng tổng hàng hóa, dịch vụ hay nói cách khác, giá trị sản xuất phải đảm bảo cân bằng với số lượng tiền lưu thông.
Nếu như sức sản xuất không đáp ứng với mức tiền lưu thông thì sẽ xảy ra lạm phát. Lạm phát càng cao thì đồng tiền càng mất giá, mà đồng tiền quốc gia mất giá kéo theo sự mất vị thế đất nước. Điều này nếu kéo dài và không được giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến vỡ nợ như ở một số quốc gia như Venezuela năm 2017 và 2018, Zambia năm 20020, Hy Lạp năm 2015…
Về quy luật cạnh tranh: Trong nền kinh tế, sự cạnh tranh là tất yếu. Nếu không có sự cạnh tranh thì rất khó để nền kinh tế đó có động lực phát triển. Sự cạnh tranh lại cần đảm bảo tính công bằng và khách quan. Việc cạnh tranh này vừa là động lực để người bán thay đổi công nghệ, giảm giá thành… vừa mang lại lợi ích lớn cho người mua.
Ngoài một số quy luật trên thì quy luật kinh tế còn phải kể đến quy luật giá trị, quy luật giá trị thặng dư…
Việt Nam sau năm 1986 đã mở cửa thị trường, đưa nền kinh tế mở cửa để tuân thủ đúng quy luật kinh tế. Đến nay, Việt Nam vẫn đi theo con đường nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được nhiều thành tựu lớn. Từ nước bị bao vây cấm vận và tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Việt Nam vươn lên là đối tác kinh tế hàng đầu của các siêu cường thế giới, đưa đất nước không ngừng phát triển. Có được thành quả này một phần ở chính sách Chính phủ, một phần kinh tế Việt Nam luôn tôn trọng quy luật kinh tế khách quan.
Trên đây là kiến thức cơ bản về quy luật kinh tế là gì, ý nghĩa, tính chất cũng như các quy luật kinh tế đang chi phối nền kinh tế của bất kể một quốc gia nào trên thế giới.
Nguyễn Lý