Mục Lục
OPS là một vị trí công việc trong các công ty thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, công ty vận tải Logistic. Vậy bạn có biết OPS là gì, công việc của OPS gồm những gì, trở thành nhân viên OPS có khó không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể để bạn đọc hiểu rõ nhé.
OPS là gì?
“OPS là từ viết tắt tiếng Anh Operations tạm dịch là hiện trường/ giao nhận. Trong lĩnh vực Logistics, xuất nhập khẩu vị trí OPS có thể hiểu là nhân viên giao nhận hiện trường.”
Trong các công việc có liên quan tới lĩnh vực Forwarder – Logistics thì OPS đóng vai trò then chốt.
Đặc thù công việc của các nhân viên giao nhận hiện trường là đi lại thường xuyên nên cũng khá vất vả. Họ có nhiệm vụ trực tiếp đi đến các cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, bến tàu, chi nhánh hải quan… để làm các thủ tục thông quan hàng hóa, tờ khai hải quan, hợp đồng/hóa đơn xuất nhập khẩu… Sau đó có nhiệm vụ nhận hàng từ công ty vận chuyển về nhập kho công ty.
Nhìn chung, công việc OPS đòi hỏi nhân viên có khả năng chịu áp lực và kỹ năng xử lý nhanh các vấn đề khác nhau với đối tác, cơ quan thuế, hải quan, kho bãi.
Về cơ bản, vị trí nhân viên giao nhận hiện trường làm các công việc có liên quan đến giao nhận, vận chuyển hàng hóa. Vai trò của các bộ phận OPS gồm:
– Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, Logistics.
– Nhân viên thanh toán quốc tế.
– Nhân viên chứng từ, khai hải quan.
– Nhân viên thu mua hàng hóa.
– Nhân viên điều vận xe/ bãi.
– Nhân viên hiện trường, giao nhận vận tải (Forwarder).
Mô tả chi tiết công việc của nhân viên OPS
Ở trên bạn đã biết được OPS là gì rồi, vậy tiếp đến hãy cùng tìm hiểu tiếp những công việc của nhân viên nhé.
Thực tế tùy thuộc vào từng công ty, từng dịch vụ, từng loại sản phẩm hàng hóa khác nhau mà công việc của nhân viên giao nhận hiện trường OPS sẽ khác nhau. Tuy nhiên, công việc vẫn sẽ có những điểm chung như:
– Tiếp nhận và xử lý thông tin từ nhân viên sales hay khách hàng về dịch vụ khai báo hải quan.
– Liên hệ và hướng dẫn khách hàng về những thủ tục hải quan, phương thức vận chuyển, giao nhận hàng hóa.
– Kiểm tra và hoàn tất các hóa đơn chứng từ, tờ khai liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu: hợp đồng, hồ sơ hải quan, C/O, BL, AWB, Packing List … Các giấy tờ này chủ yếu của các đơn vị vận tải, hải quan hay thuế.
– Chuẩn bị hồ sơ hải quan, áp mã HS và tính thuế, kiểm hóa hải quan, thông quan hàng hóa…
– Liên hệ với các hãng hàng không, công ty vận tải Logistics để làm thủ tục hàng về, đổi lệnh giao hàng D/O.
– Làm việc với công ty khử trùng, đăng kiểm, giấy phép để làm các thủ tục liên quan đến hải quan của lô hàng.
– Làm thủ tục giao nhận hàng xuất nhập khẩu tại sân bay, cảng biển…
– Kiểm tra và điều hành các hỏa động vận chuyển, bốc dỡ hàng từ kho, bến tới vị trí mà khách hàng yêu cầu. Để đảm bảo quá trình xuất nhập hàng diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ.
– Làm các công việc khác phát sinh nếu có.
– Tổng kết đơn hàng, chứng từ hóa đơn, các chi phí liên quan tới lô hàng.
Ngoài ra, nhân viên OPS còn cần phải đảm bảo được quá trình thực hiện công việc giao nhận hàng đúng tiến độ, đảm bảo việc xuất nhập hàng đúng thời gian. Và nên sẵn sàng hỗ trợ khách giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Điều kiện để trở thành nhân viên giao nhận hiện trường OPS
Để trở thành nhân viên giao nhận hiện trường tại các công ty công ty sản xuất, kinh doanh, giao nhận vận tải, bạn cần đáp ứng được những điều kiện sau:
Cần phải có kiến thức chuyên môn
Kiến thức chuyên môn là câu trả lời đầu tiên nếu hỏi điều kiện để trở thành nhân viên OPS là gì. Bắt buộc ứng viên phải nắm rõ kiến thức về chứng từ, nghiệp vụ xuất nhập, quy định của thuế, hải quan… Và cũng cần phải am hiểu về luật, các công ước, các quy định liên quan đến ngành Logistics để có thể thực hiện công việc một cách hiệu quả.
Có kỹ năng giao tiếp tốt
Đặc thù của những nhân viên giao nhận hiện trường là thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người như: các đối tác, các cơ quan nhà nước để hoàn thành công việc. Vậy nên những OPS cần có kỹ năng giao tiếp tốt để diễn đạt, trình bày vấn đề một cách rõ ràng, chuyên nghiệp.
Khéo léo, giao tiếp tốt sẽ là một lợi thế rất lớn để có thể phối hợp làm việc tốt với khách hàng, bộ phận hải quan và mở rộng quan hệ trong ngành. Vì thế, nếu không có khiếu giao tiếp thì bạn cần phải rèn luyện, gia tăng sự tự tin, thoải mái giao tiếp với đối tác, cán bộ hải quan…
Có kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa, hoàn thành hồ sơ có thể gặp những vấn đề, sự cố phát sinh không mong muốn. Và nhân viên hiện trường là người trực tiếp xử lý những công việc đó.
Nếu như nhân viên OPS đó có khả năng xử lý tình huống thì quá trình giải quyết vấn đề rắc rối sẽ được nhanh chóng và hiệu quả.
Có tinh thần, trách nhiệm cao
Do hàng hóa xuất nhập khẩu có liên quan tới an ninh nên yêu cầu nhân viên OPS cần có tinh thần, trách nhiệm cao. Cần kiểm tra các thông tin ghi giấy tờ có đồng nhất tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn ảnh hưởng tới thời gian giao nhận hàng đúng tiến độ. Số lượng, chủng loại hàng hóa cần đúng và đủ như trên hợp đồng và các chứng từ xuất nhập khẩu, tờ khai hải quan.
Có sức khỏe thật tốt
Do công việc của nhân viên OPS – giao nhận hiện trường này thường xuyên phải di chuyển, là việc ngoài trời nhiều nên đòi hỏi người đó phải có sức khỏe tốt. Do làm ngoài trời nhiều nên công việc này phù hợp với nam giới hơn. Nhưng ngoại lệ vẫn có những chị em vẫn có sức khỏe tốt để đảm nhận công việc này.
Mức lương của nhân viên OPS cao không?
Hợp tác quốc tế phát triển trên quy mô toàn cầu, nên ngành xuất nhập khẩu và logistics cũng tăng trưởng nhanh theo xu thế. Nhân viên giao nhận hiện trường cũng là nhân tố quan trọng trong các công ty xuất nhập khẩu, vận tải Logistics. Đây là một công việc có thu nhập ban đầu không quá cao nhưng sẽ tăng nhanh với mức lương cao hơn so với nhiều ngành khác.
Hiện nay, lương vị trí OPS được chia ra làm 2 trường hợp:
– Với những người mới đi làm chưa có nhiều kinh nghiệm (thường là dưới 1 năm) thì mức lương dao động từ 5-8 triệu đồng/tháng tùy theo từng công ty.
– Với những người có kinh nghiệm thì thu nhập của họ khá tốt, từ 13-15 triệu đồng/tháng, càng có kinh nghiệm, năng lực cá nhân thì lương càng cao. Ngoài lương cứng thì họ còn có thêm nguồn thu khác hàng tháng nên mức lương tối đa có thể lên tới 20-30 triệu đồng/tháng.
Nên đăng ký học OPS tại trường nào?
Học OPS ở đâu cũng được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. Bạn có thể đăng ký học ngành đào tạo xuất nhập khẩu, Logistics tại một số khoa như: kinh tế đối ngoại, thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu… ở một số trường Đại học như Đại học Hàng Hải Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải…
Như vậy, những thắc mắc OPS là gì và những nội dung liên quan tới công việc này đã được chúng tôi giới thiệu cụ thể ở trên. Đây là vị trí công việc không quá xa lạ với những người đang theo học và làm việc với ngành xuất nhập khẩu, Logistics. Và khi có nhu cầu tìm việc làm, kinh nghiệm phòng vấn, cách viết CV hay… vui lòng truy cập CareerLink nhé.
Thúy Vui