Mục Lục
Có thể bạn đã gặp tình huống này ít nhất một lần trong hành trình tìm kiếm việc làm của mình: bạn tình cờ thấy một tin tuyển dụng khiến bạn ồ lên và thầm nghĩ “Vị trí này hợp với mình nè” hay “Việc này trông có vẻ ổn đó” nhưng khi xem kỹ hơn, bạn nhận ra mình không đáp ứng tất cả các yêu cầu được liệt kê. Kết quả là, bạn chần chừ, đắn đo và cuối cùng quyết định không nộp hồ sơ xin việc.
“Lần tới khi rơi vào tình huống này, đừng vội bỏ cuộc. Thay vào đó, hãy dành chút thời gian để đánh giá kỹ hơn. Nếu kỹ năng và kinh nghiệm của bạn chỉ đáp ứng 10% yêu cầu thì có lẽ tốt nhất bạn không nên nộp đơn để tránh lãng phí thời gian của bạn và nhà tuyển dụng. Nhưng nếu đó là công việc mơ ước và bạn đáp ứng được 70-80% yêu cầu cốt lõi, tôi khuyên bạn nên ứng tuyển”, chị Lâm Thảo Nguyên – Trưởng phòng tuyển dụng chia sẻ.
“Hãy lùi lại một bước và xem xét vai trò theo cách nó phát huy hết tiềm năng thực sự của bạn, thay vì liệu bạn có đáp ứng từng yêu cầu hay không trước khi nộp hồ sơ xin việc”.
Lý do chị Thảo Nguyên khuyên bạn nên nộp hồ sơ xin việc khi không đáp ứng hết yêu cầu là vì:
Nhà tuyển dụng không mong đợi tìm kiếm sự phù hợp tuyệt đối
Khi viết mô tả công việc, các nhà tuyển dụng sẽ nghĩ đến một ứng viên trong mơ nên họ sẽ liệt kê mọi điều mong muốn xuất hiện trong đầu, từ bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm đến trình độ học vấn cùng các phẩm chất cá nhân. Tuy nhiên, rất ít ứng viên đáp ứng tất tần tật các tiêu chí và vì điều này nhà tuyển dụng cũng có sự linh hoạt, du di nhất định.
Chẳng hạn, có ứng viên chỉ đáp ứng 60-70% yêu cầu nhưng vẫn được chọn vì họ là người phù hợp nhất khi nói đến môi trường và văn hóa làm việc. “Nhiều công ty cân nhắc và ưu tiên tuyển dụng ứng viên dựa trên mức độ phù hợp với văn hóa. Bạn có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu được liệt kê trong mô tả công việc và hơn thế nữa nhưng nếu khó hòa hợp với các quy định hoặc cách giao tiếp cư xử hay nhịp độ làm việc của công ty thì khả năng cao là bạn sẽ không nhận được lời mời làm việc”, chị Thảo Nguyên giải thích.
Ngoài ra, nhiều nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao thái độ của ứng viên nên tập trung tìm kiếm người thể hiện sự nhiệt tình, có động lực học hỏi và đóng góp mạnh mẽ. Thế nên, dù bạn không phải là mảnh ghép lý tưởng nhưng nếu bạn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và thể hiện rằng bạn muốn làm việc với họ bằng tất cả khả năng mà bạn có, họ có thể giới thiệu cho bạn nhiều công việc khác trong công ty. Từ đây, bạn có thể vừa làm việc vừa phát triển các kỹ năng cần thiết và từng bước tiến đến vai trò mà bạn mong muốn ban đầu.
Kỹ năng được sử dụng ở công việc này vẫn cần thiết ở vị trí khác
Trước khi quyết định không nộp hồ sơ xin việc cho vị trí bạn không có đủ tiêu chuẩn, hãy dành thời gian suy nghĩ về kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Những kỹ năng bạn có được trong các vai trò trước đây thường có thể áp dụng ở nhiều vị trí khác và chúng có thể giúp bạn được tuyển dụng.
Chị Thảo Nguyên đưa ra ví dụ: “Khi tuyển dụng vị trí Quản lý nhà cung cấp chiến lược các loại thịt gà, lợn, bò, tôi khá lo lắng vì đây là vị trí rất khó tìm ứng viên bởi không chỉ đòi hỏi khả năng quản lý mà còn cần có kiến thức về các loại thịt, biết cách chế biến cũng như sự hiểu biết về quy trình từ trang trại đến bàn ăn. Mặc dù tôi rất muốn tuyển một người có kinh nghiệm tìm nguồn cung ứng, nhưng tôi cũng xem xét những người có kiến thức về các loại thịt. Cuối cùng, tôi đã phỏng vấn các ứng viên là đầu bếp và chuyên viên thu mua ngành F&B vì họ có chuyên môn cũng như kỹ năng liên quan giúp hoàn thành tốt công việc”.
Chị cũng lưu ý rằng, bạn phải nêu rõ các kỹ năng liên quan này trong CV và thư xin việc. Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ tự tìm ra. Họ rất bận rộn và 9/10 người sẽ không có thời gian để làm điều đó. Chủ động vạch ra những yếu tố quan trọng đó cho thấy rằng bạn đã suy nghĩ kỹ về công việc và dành thời gian để cân nhắc xem bạn sẽ phù hợp với công ty như thế nào và liệu bạn có đủ khả năng thực hiện công việc hay không.
Và việc ứng tuyển không hoàn toàn vô hại, có khi còn được lợi
Trong mọi trường hợp, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi ứng tuyển vào công việc bạn không đáp ứng đủ điều kiện là gì? Chị Thảo Nguyên chia sẻ: “Trường hợp tốt nhất là bạn sẽ nhận được lời đề nghị. Nếu không đạt, bạn sẽ không nhận được phản hồi nhưng vẫn có thể ứng tuyển vào nhiều công việc khác và có thêm trải nghiệm phỏng vấn thực tế. Với kinh nghiệm này, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để tiếp tục tìm kiếm việc làm trong tương lai. Vậy thì có gì mà ngại ứng tuyển cơ chứ?”
Làm thế nào để ứng tuyển thành công vào một vị trí khi bạn không đáp ứng được tất cả các yêu cầu?
“Thay vì nhấn mạnh bạn không đáp ứng yêu cầu A, B, C, hãy tập trung CV, thư xin việc và câu trả lời phỏng vấn vào những gì bạn có thể mang lại ở vị trí đó” chị Thảo Nguyên đưa ra lời khuyên.
Cụ thể, khi nộp hồ sơ xin việc cho vị trí bạn không đáp ứng được tất cả các yêu cầu, hãy tập trung làm nổi bật các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan. Điều này có nghĩa là viết một lá thư xin việc hấp dẫn giải thích bạn phù hợp thế nào với sứ mệnh công ty và các trách nhiệm chính của vai trò; sử dụng các từ chỉ hành động như xây dựng, dẫn đầu, nâng cao, đạt được… để giúp CV nổi bật; cung cấp bằng chứng thực tế về những thành công của bạn trong các vai trò trước đây; đề cập đến các kỹ năng chuyển đổi mà bạn có. Ví dụ, bạn có thể đã làm việc trong ngành tương tự hoặc sử dụng thành thạo một công cụ hoặc phần mềm giúp bạn đảm nhận vai trò này hiệu quả hơn thì cũng nên đề cập mặc dù mô tả công việc không hề nhắc đến.
Nếu bạn được mời phỏng vấn, hãy xem đó là cơ hội để tỏa sáng. Hãy chuẩn bị thật tốt để nói về niềm đam mê của bạn đối với vai trò, khả năng học hỏi nhanh chóng và cách bạn giải quyết thành công những thách thức tương tự trong quá khứ. Đồng thời thể hiện sự sẵn sàng phát triển và thích nghi, không ngại thừa nhận những khía cạnh cần cải thiện và nhấn mạnh ưu điểm nổi bật của mình.
Ngoài ra, bạn cũng cần chứng minh cách bạn cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành cũng như sự thay đổi về các quy định mới liên quan đến vai trò. Tất cả những điều này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy khả năng thích ứng và sự quan tâm của bạn đối với việc học hỏi liên tục, đây là đặc điểm quan trọng đối với bất kỳ ứng viên nào, bất kể kinh nghiệm và trình độ ra sao.
Trong thế giới “săn” việc làm, đôi khi chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy nghĩ rằng bản thân cần phải đáp ứng mọi tiêu chí của tin tuyển dụng thì mới sáng cửa bước tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi thoạt nhìn bạn không đáp ứng 100% các yêu cầu, bạn vẫn nên nộp hồ sơ xin việc bởi vẫn có nhiều cơ hội nếu chứng minh được khả năng và tiềm năng của mình. Cùng với sự nhiệt tình, sẵn sàng học hỏi, công việc mơ ước có thể đến gần hơn bạn nghĩ.
Trang Đoàn