Cảm giác căng thẳng, lo sợ tại nơi làm việc là điều khá phổ biến. Những nỗi sợ này không chỉ cản trở sự phát triển của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự đổi mới và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Đã đến lúc bạn phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, bắt đầu với 5 tình huống thường gặp mà bạn không nên sợ khi làm việc sau đây.
Chủ động trao đổi với cấp trên
Nhiều nhân viên cho rằng sếp mới là người chịu trách nhiệm lên lịch tất cả các cuộc họp, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ riêng với nhân viên; rằng sếp rất bận rộn và họ không muốn mạo hiểm cản trở thời gian của cấp trên và không chắc rằng sếp có coi cuộc gặp gỡ với họ là điều quan trọng hay không.
Tuy nhiên, nếu sếp không tự giác sắp xếp một cuộc họp định kỳ với bạn, hãy chủ động yêu cầu. Các cuộc gặp mặt này có thể cực kỳ hữu ích cho sự thăng tiến nghề nghiệp của bạn, bởi ở đó bạn sẽ nhận được lời khuyên của cấp trên về các tình huống khó khăn, các nhiệm vụ phức tạp hay nhận được các phản hồi về hiệu suất làm việc và còn nhiều hơn thế nữa.
Gửi email thay vì dùng điện thoại
Những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp đều được mọi người trao đổi qua email với lí do là cách giao tiếp này giúp người nhận có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về câu trả lời. Và họ không muốn phá vỡ khuôn mẫu giao tiếp đó. Thế nhưng, không phải tình huống nào sử dụng email cũng mang đến hiệu quả cao.
Khi thực hiện một cuộc gọi, bạn sẽ nhận được câu trả lời nhanh hơn hay hiểu rõ hơn về vấn đề phức tạp bởi không phải ai cũng có thể giải thích rõ ràng qua email. Có thể gọi điện không phải là thói quen giao tiếp của bạn nhưng đừng ngần ngại sử dụng để mang lại hiệu quả cao hơn nhé.
Giao nộp các sản phẩm mà bạn không chắc 100%
Có rất nhiều nhân viên thường hay lo sợ khi chuyển bất cứ điều gì sang cho sếp phê duyệt (như một bài viết, sản phẩm thiết kế…) bởi họ nghĩ rằng nếu chúng không hoàn hảo thì điều đó cho thấy họ không xứng đáng với vai trò đảm nhận. Họ dành nhiều thời gian chỉnh đi chỉnh lại nhưng cuối cùng vẫn không tự tin về sản phẩm cuối cùng.
Việc nộp các sản phẩm chờ xét duyệt cùng với một ghi chú: “Tôi không chắc điều này có nên hay không” sẽ không giúp được bất kỳ ai. Điều tốt nhất nên làm khi bạn cảm thấy bế tắc với một nhiệm vụ nào đó, hãy chia sẻ với sếp. Họ sẽ vui vẻ chỉ ra hướng đi đúng cho bạn. Hành động này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và điều quan trọng là sản phẩm cuối cùng sẽ thỏa mãn yêu cầu đề ra, bên cạnh đó mối quan hệ giữa bạn và cấp trên sẽ phần nào trở nên khăng khít hơn.
Yêu cầu phản hồi
Việc nhận phản hồi từ người khác sẽ khiến bất cứ ai cũng đều lo lắng. Bạn không biết liệu rằng đồng nghiệp có đánh giá cao bài thuyết trình của bạn không. Liệu rằng cấp trên sẽ ủng hộ hay lắc đầu không tán thành ý kiến của bạn. Bạn có thể nhận được lời khen nhưng cũng có nhiều khả năng nhận về những lời phê bình thẳng thừng.
Nhận các phản hồi tiêu cực có thể không thoải mái nhưng nó không phải là điều khiến bạn phải lo lắng không yên. Nếu không có phản hồi, bạn sẽ không bao giờ trở nên tốt hơn bởi bạn sẽ không biết điểm nào cần cải thiện. Bạn sẽ tiếp tục làm mọi thứ theo cách hiện tại và mãi không thể tiến lên trong sự nghiệp của mình.
Bất đồng ý kiến với người khác
Các mối quan hệ bạn có nơi công sở, cho dù là với đồng nghiệp hay nhà quản lý hoặc khách hàng của bạn, cũng đều ảnh hưởng rất lớn đến bầu không khí chung. Khi các mối quan hệ này trơn tru, công việc của bạn sẽ trở nên thuận lợi hơn. Nếu đã trải qua xung đột trong quá khứ, bạn có thể muốn tránh nó bằng mọi giá nơi công sở. Tuy nhiên, đôi khi đây có thể là một chiến lược không lành mạnh vì nó không giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi.
Bước đầu tiên để vượt qua nỗi sợ thể hiện sự bất đồng ý kiến của bạn là nhận ra đó là điều bình thường và đôi khi cần thiết. Bạn không thể luôn luôn đồng ý với mọi người về tất cả mọi thứ. Điều này đặc biệt đúng trong công việc vì mọi người đều có ý kiến khác nhau về cách thực hiện. Khi bạn nhận ra rằng bất đồng là điều đương nhiên, bạn sẽ từng bước vượt qua nỗi sợ của chính mình và có thể xử lý tốt hơn khi có bất đồng xảy ra.
Huỳnh Trâm