Những điều nên tránh khi sa thải nhân viên

Cho nhân viên thôi việc là một trong những việc khó khăn nhất đối với cấp quản lý. Việc đó không chỉ là một cú sốc đối với nhân viên bị sa thải, nó còn khiến hầu hết các nhà quản lý phải bối rối trong một thời gian dài khi đối mặt với một quyết định khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của một người khác. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì nhà quản lý cũng phải đối mặt với thực tế và tìm cách bảo vệ công ty mình trước những rắc rối khôn lường. Trong bài viết hôm nay, Careerlink.vn sẽ chia sẻ cùng các bạn những điều nên tránh khi tiến hành sa thải nhân viên.

Quyết định một cách đột ngột

Sa thải luôn luôn là bước cuối cùng trong một quá trình xem xét. Trước đó, bạn nên có một quá trình đánh giá, xem xét khả năng của nhân viên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra cũng đừng quên cảnh báo nhân viên để họ cố gắng và nỗ lực hơn. Việc thông báo sa thải cho nhân viên một cách đột ngột là điều trái quy định và có thể đem đến những rắc rối không thể lường trước.

Quyết định dựa trên cảm tính

Mọi quyết định sa thải đều dựa trên một quy trình cụ thể với các bước như nhận định dựa trên quan sát, đánh giá với các tiêu chí cụ thể, thông báo, ra quyết định. Việc để những ân oán, cảm xúc cá nhân xen vào việc này là lí do có thể khiến bạn đối mặt với các vấn đề pháp lý bảo vệ các nhân viên khỏi bị sa thải bởi những lý do vô lí, trái quy định của công ty hay pháp luật.

Thông báo qua email

Sa thải là một quyết định quan trọng, đòi hỏi phải có sự có mặt của các bên liên quan, đặc biệt là người vừa bị cho thôi việc. Việc thông báo qua email cá nhân hay gián tiếp qua người khác sẽ chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng và thiếu chuyên nghiệp trong cách làm việc của bạn mà thôi.

Tiến hành một cách cá nhân

Khi sa thải nhân viên, đừng nên tiến hành thông báo khi bạn chỉ có một mình. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn có người bên cạnh để cùng làm chứng và ngăn ngừa những tình huống khôn lường xảy ra. Bạn không thể nào biết một người sẽ phản ứng khi bị sa thải. Vì vậy, hãy tự bảo vệ bản thân mình hỏi rắc rối.

Không thanh toán các khoản lương, phí còn tồn đọng

Hầu hết các vụ kiện, tố cáo sau khi bị sa thải đều liên quan đến vấn đề tài chính. Nhiều nhân viên sau khi bị sa thải không nhận được tháng lương cuối cùng hay các khoản bảo hiểm, trợ cấp và các khoản dang dở. Đừng vì một số tiền nhỏ mà gây tổn thất một con số lớn cho những vụ kiện tụng và tranh chấp không đâu.

Nói vòng vo, tránh né

Có rất nhiều trường hợp nhân viên sử dụng những điều lãnh đạo nói nhằm kiện tụng, gây ra tình thế bất lợi cho công ty. Ông cha ta đã có câu “Nói dài, nói dai, nói dại”. Bạn nên đi thẳng vào vấn đề, nêu lí do nhân viên bị sa thải và các công việc tồn đọng sau đó. Chỉ cần bạn lắng nghe và tôn trọng, sau đó hướng nhân viên trở lại thực tế. Đừng để bản thân rơi vào tình trạng nguy hiểm vì những lời nói lúc vô ý.

Đe dọa nhân viên

Quyết định sa thải khi đưa ra sẽ không tránh khỏi sự phản đối từ phía nhân viên. Là người lãnh đạo, bạn không nên đe dọa nhân viên bằng cách giữ lại tháng lương cuối cùng, không trả sổ bảo hiểm y tế hay đe dọa sự an toàn của người đó. Điều này được xem là trái quy định của pháp luật và có thể dẫn bạn đến tòa án.

Thảo luận về tính công bằng trong quyết định sa thải

Bất cứ lúc nào bạn muốn sa thải nhân viên, trước tiên bạn cần bảo vệ công ty mình trên phương diện luật pháp. Vì vậy, việc thảo luận với nhân viên về quyết định sa thải là điều không cần thiết, lại vừa có thể nảy sinh những lời nói thiếu suy nghĩ khiến bạn hối hận. Hãy chỉ tập trung vào lý do của bạn, càng rõ ràng và chính xác càng tốt. Đồng thời thông báo các công việc, thủ tục trước khi nhân viên nghỉ việc.

Hứa hẹn khi bạn không thể

Tốt nhất bạn không nên hứa hẹn với nhân viên những gì bạn không thể làm được như thay đổi quyết định sa thải hoặc giới thiệu cho họ công việc mới. Bạn có thể thấy nhẹ nhõm hơn khi nói ra những điều này, nhưng người bị sa thải không nghĩ vậy. Việc hứa suông sẽ chỉ càng đẩy nhân viên đó vào trạng thái tuyệt vọng và mất niềm tin.

Phát ngôn tiêu cực

Sau khi sa thải nhân viên, bạn nên chú ý không nên có những phát ngôn tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín hay khả năng tìm việc khác của nhân viên cũ. Một lời nói lúc vô ý có thể khiến bạn gặp rắc rối vì tội nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác đấy

Ngôn ngữ, thái độ, cách bạn sử dụng khi sa thải một nhân viên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nhân viên đó quyết định có khởi kiện, tố cáo hay không. Hãy chú ý những điều trên để bảo vệ bản thân và công ty khỏi những rắc rối đến từ nhân viên cũ của mình.

Phương Thảo

Sao chép thành công