Quản lý vi mô là một phong cách quản lý, theo đó người sếp kiểm soát chặt chẽ hoặc can thiệp quá sâu vào công việc của nhân viên. Mặc dù cách quản lý này nhằm đảm bảo rằng các nhiệm vụ được thực hiện một cách chính xác nhưng đây không phải cách làm đúng hay giúp tăng năng suất.
Dưới đây là một số bất lợi đi kèm với phong cách quản lý này và tại sao bạn nên tránh nó, hãy cùng tham khảo nhé.
Mất lòng tin
Bất lợi đầu tiên của quản lý vi mô là nó phá hủy lòng tin. Nhân viên nên cảm thấy được tin tưởng và đánh giá cao bởi người quản lý, đặc biệt là khi thực hiện công việc. Khi nhà quản lý vi mô kìm hãm một nhân viên đưa ra quyết định, điều đó khiến họ nghĩ rằng cấp trên không tin tưởng vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ. Quản lý vi mô khiến nhân viên cảm thấy bất lực, không thể sử dụng kiến thức và sáng kiến của mình để tìm ra giải pháp mới. Khi niềm tin không còn, có 2 trường hợp sẽ xảy ra: Nhân viên sẽ giảm năng suất làm việc hoặc là họ sẽ rời đi.
Nhân viên trở nên phụ thuộc
Sau khi được vi mô hóa, nhân viên của bạn sẽ bắt đầu phụ thuộc vào bạn, thay vì tự tin để tự mình thực hiện các nhiệm vụ. Quản lý vi mô làm cho cấp dưới của bạn cảm thấy như họ không còn có thể xử lý công việc nếu không có sự hướng dẫn liên tục của bạn. Bạn cần nhớ rằng những nhân viên đó ban đầu được tuyển dụng vì họ có khả năng, kỹ năng và có nét độc đáo riêng. Khi nhân viên không phụ thuộc vào bạn, họ sẽ tiếp tục tự suy nghĩ và khi họ có quyền tự do suy nghĩ, những điều tuyệt vời có thể xảy ra.
Ngược lại, nếu bạn quản lý vi mô quá nhiều, những kỹ năng và hiểu biết sâu sắc đó có thể bị mài mòn, khiến bạn chỉ có một đội ngũ chỉ biết làm theo những gì được chỉ bảo.
Tinh thần đi xuống
Khi những nhà quản lý vi mô vô tình hoặc cố ý ngăn cản nhân viên đưa ra quyết định bằng cách gạt bỏ kinh nghiệm và kiểm soát công việc, nhân viên sẽ cảm thấy mất đi quyền tự chủ. Khi đó, họ sẽ không còn muốn đầu tư nhiều hơn cho công việc và tự hào về những gì họ làm. Họ sẽ giới hạn bản thân với những gì được yêu cầu từ người quản lý. Về cơ bản, các nhân viên này sẽ ngừng cố gắng và mức độ nhiệt tình cũng giảm xuống đáng kể.
Tỉ lệ nhân viên nghỉ việc tăng
Quản lý vi mô khi đã trở thành thói quen sẽ khiến nhiều người bỏ việc. Nó phá hủy mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Việc theo dõi liên tục tất cả những gì cấp dưới làm, kiểm tra từng chi tiết, thậm chí làm lại công việc của họ sẽ khiến nhân viên nản lòng và đi tìm việc ở nơi khác. Bên cạnh đó, động lực của bộ phận cũng sẽ giảm do thường xuyên có nhân viên mới và họ cần phải đào tạo liên tục. Thời gian, nỗ lực và nguồn lực cần thiết để tuyển dụng và đào tạo người thay thế cũng tác động tiêu cực đến lợi nhuận của công ty.
Sự kiệt sức của chính bạn
Quản lý vi mô không chỉ có hại cho nhân viên, mà nó có thể gây ra tổn thất khủng khiếp cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Việc kiểm tra, đánh giá tỉ mỉ công việc của nhân viên hàng ngày sẽ nhanh chóng làm bạn kiệt sức. Tất nhiên, căng thẳng là điều thường xuyên gặp phải trong công việc, nhưng quản lý vi mô khiến bạn cạn kiệt năng lượng nhanh hơn bất cứ điều gì khác. Hơn nữa, vì bận rộn theo sát nhân viên, bạn cũng sẽ không có thời gian để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác, kéo theo năng suất làm việc giảm sút. Cuối cùng, bạn sẽ sinh ra ác cảm với công việc của mình, thậm chí bạn có thể sẽ rời bỏ nó và không bao giờ muốn nhận lại vai trò quản lý một lần nữa.
Quản lý vi mô có thể hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà quản lý mới, với hy vọng rằng kiểm soát được tất cả những điều không mong muốn có thể xảy ra. Nhưng trong thực tế, phong cách quản lý này gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nhân viên và cho cả năng suất của công ty. Hãy ghi nhớ điều đó trước khi can thiệp quá sâu vào công việc của nhân viên, bạn nhé.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV
- Nghệ thuật quản lý2024.12.23Vượt qua thành kiến khi đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm