Quy trình đào tạo nhân viên mới: cách thực hiện hiệu quả

Cuối cùng thì bạn cũng đã tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, trước khi cảm thấy hài lòng và quay lại công việc thường ngày, hãy xem liệu bạn đã có một quy trình đào tạo nhân viên mới hiệu quả hay chưa.

Tại sao quy trình đào tạo nhân viên mới lại quan trọng?

Một chương trình đào tạo nhân viên mới hấp dẫn có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả công ty và nhân viên của bạn bao gồm:

Nhân viên cảm thấy tốt hơn

Bất kỳ nhân viên viên mới nào cũng cần thời gian để thích nghi với nơi làm việc mới và hiểu về văn hóa của công ty.

Thông qua quá trình đào tạo, nhân viên mới có nhiều cơ hội để hòa nhập với mọi người, học hỏi công việc từ những người giám sát và hiểu biết về văn hóa của công ty. Họ sẽ cảm thấy được đánh giá cao và thoải mái hơn khi thấy rằng công ty đã sắp xếp đào tạo họ và đây là thông điệp chào mừng dành cho họ.

Nhân viên làm việc hiệu quả hơn

Nếu nhân viên mới được đào tạo một cách hiệu quả, năng suất của họ chắc chắn sẽ được cải thiện bởi họ hiểu rõ vai trò của mình và biết những tiêu chuẩn nào cần phải tuân theo để thực hiện nhiệm vụ. Điều này sẽ đảm bảo công việc được thực hiện trôi chảy và suôn sẻ.

Nhân viên trung thành hơn

Có một quy trình đào tạo nhân viên mới hiệu quả là điều cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ. Nếu nhân viên mới của bạn cảm thấy họ được đào tạo và hỗ trợ thích hợp, họ có khả năng muốn gắn bó lâu dài hơn với công ty. 

Tiết kiệm thời gian và nguồn lực

Một công việc cần hoàn thành trong 10 phút nhưng nhân viên mới có thể cần 30 phút nếu họ chưa được giới thiệu về quy trình và hướng dẫn cụ thể. Hơn nữa, nhiều quy trình đặc biệt trong sản xuất đòi hỏi phải hành động kịp thời nếu không sản phẩm sẽ bị lỗi. Dù nhân viên mới đảm nhận vị trí nào, họ cần nắm vững tất cả các khía cạnh của công việc. Nếu không sẽ gây lãng phí thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.

Lời khuyên để có quy trình đào tạo nhân viên mới hiệu quả

Lên kế hoạch

Hãy lập danh sách mọi thứ bạn cần đề cập trong quá trình đào tạo. Hãy đặt mình vào vị trí của nhân viên và hỏi xem thông tin nào sẽ có giá trị nhất: Nhân viên cần những kiến ​​thức hoặc kỹ năng gì để bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên? Ai là người trong nhóm của bạn sẽ là người trả lời các câu hỏi khác nhau của họ? Bạn muốn nhân viên nắm rõ điều gì sau khi được đào tạo?… Sau khi trả lời những câu hỏi đó, hãy chia sẻ sơ lược với nhân viên – không cần quá nhiều thông tin nhưng đủ để đặt ra các kỳ vọng rõ ràng.

Cá nhân hóa cách tiếp cận

Mỗi người sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể là người nhìn vào hình ảnh, sơ đồ để hiểu một khái niệm mới nhưng nhân viên mới của bạn có thể có một phong cách học hoàn toàn khác. Thế nên, trước khi bắt đầu bất kỳ quy trình đào tạo nhân viên mới nào, hãy hỏi nhân viên về cách họ tiếp thu tốt nhất để không lãng phí thời gian vào các phương pháp không hiệu quả.

Đừng vội vàng

Thay vì cố gắng nhồi nhét thông tin, hãy biến việc đào tạo thành một quá trình liên tục và dần dần. Hãy chia các chủ đề lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, dễ quản lý hơn để đào tạo nhân viên mới. Nhân viên mới của bạn đang tiếp thụ nhiều thông tin cùng một lúc nên đừng bực bội nếu họ cần được hướng dẫn nhiều lần. Trên thực tế, bạn nên tích cực khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi đào sâu để đảm bảo họ hiểu những gì bạn truyền đạt.

Nhờ sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm

Không có quy tắc nào nói rằng một người phải thực hiện toàn bộ việc đào tạo. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của các thành viên trong nhóm để tránh quá tải. Mỗi thành viên sẽ chia sẻ một kỹ năng và chuyên môn khác nhau, điều này rất hữu ích cho nhân viên mới.

Đừng quên văn hóa công ty

Trong quá trình đào tạo, hãy nghĩ về những gì bạn mong đợi từ nhân viên mới như một phần của văn hóa nhóm của bạn: Họ nên chia sẻ những giá trị cốt lõi nào? Bạn muốn họ có những hành vi và thái độ nào?…

Hãy nói rõ với nhân viên mới của bạn nếu có các chỉ tiêu nhóm cụ thể bởi họ có thể lơ là vấn đề này khi bị choáng ngợp bởi việc tìm hiểu các nhiệm vụ, đồng nghiệp và quy trình mới.

Tham gia vào một nhóm nhỏ

Thật đáng sợ khi trở thành thành viên mới nhất của một nhóm có quy mô lớn. Bạn có thể giảm bớt áp lực cho người mới bằng cách cho họ vào một nhóm nhỏ – không quá 3 đến 5 người – để giải quyết thách thức mà công ty đang phải đối mặt.

Trong một nhóm nhỏ, cho dù là người hướng nội hay hướng ngoại – họ sẽ có nhiều cơ hội để đưa ra những ý tưởng và chia sẻ về kinh nghiệm. Bầu không khí này tạo điều kiện cho tư duy phản biện, xây dựng tình bạn thân thiết và khuyến khích sự sáng tạo.

Theo dõi thường xuyên

Bất kỳ nhân viên mới nào cũng cảm thấy bối rối hoặc có một chút khó khăn khi phải đối mặt với những điều mới mẻ. Vì vậy, bạn cần thường xuyên kiểm tra và khuyến khích họ đặt câu hỏi. Bạn càng làm cho nhân viên thoải mái hơn trong môi trường mới thì họ sẽ càng nhanh chóng hòa nhập, xem mình là một bộ phận của tập thể và thực hiện công việc hiệu quả.

Nhân viên là tài sản quý giá nhất của công ty bạn. Do đó, hãy đầu tư vào quy trình đào tạo nhân viên mới và sự phát triển của họ ngay từ đầu, bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích lâu dài.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công