Mục Lục
Thư xin việc giống như chiếc áo bạn chọn để diện trong buổi hẹn đầu tiên. Nếu vừa vặn, chỉn chu và nổi bật, nó sẽ giúp bạn ghi điểm với người đối diện ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nếu quá lòe loẹt hoặc chẳng có điểm nhấn gì, đối phương chắc chắn sẽ lãng quên bạn. Vậy, đâu là cách viết thư xin việc để không chỉ “chạm tới” mà còn “đánh trúng” tâm lý của nhà tuyển dụng?
Gợi ý cách viết thư xin việc giúp bạn “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng
“Biết cách viết lá thư xin việc hay, bạn sẽ cho thấy cách các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn phù hợp với công việc cụ và gợi ý với nhà tuyển dụng rằng bạn dễ mến, độc đáo và là một sự bổ sung tuyệt vời cho nhóm.”
Bắt đầu bằng việc cá nhân hóa
Nhà tuyển dụng thường “dị ứng” với những bức thư xin việc na ná nhau, kiểu như một cái khuôn đúc ra trăm lá thư giống nhau về nội dung lẫn hình thức. Vậy nên, nếu bạn nghiêm túc muốn có công việc này, hãy nỗ lực tìm hiểu tên của nhà tuyển dụng để tạo một lá thư xin việc dễ gần. Thay vì viết chung chung “Kính gửi phòng nhân sự”, hãy viết “Kính gửi chị A – Trưởng phòng Nhân sự” hay “Kính gửi anh B – HR công ty C”. Hành động này tuy nhỏ nhưng cho thấy bạn thực sự đã nghiên cứu và rất quan tâm đến cơ hội mình đang có.
Hoặc bạn có thể mở đầu thư một cách thú vị. Đừng chỉ viết “Em được biết công ty đang tuyển dụng vị trí A” như một cái máy được lập trình sẵn. Hãy thử mở đầu bằng một chút cảm xúc, một chút dí dỏm hoặc một câu chuyện mang tính cá nhân kiểu như “Khi đọc mô tả công việc của vị trí A, em cảm giác như nhìn thấy chính mình trong đó. Điều đó thôi thúc em viết lá thư này ngay lập tức để chia sẻ lý do vì sao em là người phù hợp”.
Thể hiện sự hiểu biết về công ty và vị trí ứng tuyển
Một cách viết thư xin việc “đốn tim” nhà tuyển dụng là cho họ thấy bạn thực sự thấu hiểu, đồng cảm, thậm chí chung chí hướng với những gì họ đang làm. Điều này bắt đầu bằng việc tìm hiểu giá trị của công ty. Thay vì viết “Công ty của anh, chị là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực B”, bạn có thể nói “Sứ mệnh của công ty trong việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường thực sự truyền cảm hứng cho em. Em rất muốn trở thành một phần của hành trình này”.
Để tạo ấn tượng tốt hơn, bạn cũng có thể liên hệ yêu cầu của công ty với giá trị của cá nhân. Chẳng hạn, nếu công ty đang tìm kiếm một ứng viên có khả năng sáng tạo, bạn cần nhấn mạnh: “Với kinh nghiệm xây dựng các chiến dịch Marketing mang tính đột phá, em tin rằng bản thân có thể mang lại những ý tưởng mới mẻ để góp phần mở rộng và phát triển thương hiệu của công ty”.
Làm nổi bật giá trị cá nhân
Thư xin việc không phải nơi sao y CV mà là không gian để bạn kể một câu chuyện độc đáo, chứng minh rằng bạn không chỉ phù hợp mà còn là người mà công ty đang tìm kiếm. Vì lẽ đó, để tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng thông qua câu chữ, bạn có thể kể một câu chuyện ngắn, trong đó nêu bật thành tích cụ thể, liên quan trực tiếp đến yêu cầu của vai trò ứng tuyển và giải thích vì sao nó khiến bạn khác biệt. Ví dụ như “Trong thời gian làm việc tại công ty X, em đã triển khai chiến dịch quảng cáo trực tuyến cho dịp lễ hội mua sắm cuối năm, thu hút hơn 50.000 lượt truy cập và tăng doanh số bán hàng lên 25% chỉ trong một tháng. Kinh nghiệm này không chỉ giúp em hiểu sâu sắc về hành vi người tiêu dùng trực tuyến mà còn rèn luyện khả năng quản lý ngân sách và tối ưu hiệu quả quảng cáo – những kỹ năng em tin rằng sẽ giúp ích rất nhiều cho các chiến dịch marekting của công ty trong thời gian tới”.
Sử dụng ngôn ngữ chân thành, chuyên nghiệp nhưng không quá đà
Ngôn ngữ trong thư xin việc cần tự nhiên, lịch sự và lạc quan tạo nên một cuộc trò chuyện chân tình với nhà tuyển dụng. Đừng cố gắng sử dụng những từ ngữ quá cầu kỳ, quá phô trương hay sáo rỗng. Thay vào đó, hãy giữ giọng điệu chân thật xuyên suốt thư xin việc của bạn. Thay vì viết “Em hoàn toàn tự tin rằng mình sẽ mang lại giá trị to lớn cho công ty”, bạn có thể chia sẻ với thái độ khiêm nhường “Em tin rằng với kỹ năng và kinh nghiệm của mình, em có thể mang lại những đóng góp tích cực cho công ty nếu được tuyển dụng”.
Quan trọng hơn là giọng điệu và ngữ điểu trong thư xin việc của bạn phải phù hợp với công ty hoặc ngành nghề mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ, giọng điệu khi ứng tuyển vào ngân hàng hay công ty luật sẽ cần truyền thống hơn so với giọng điệu mà bạn viết cho một công ty khởi nghiệp công nghệ thời thượng.
Kết thúc mạnh mẽ và có sự gợi mở
Cuối cùng, mục tiêu của phần kết thư xin việc của bạn là thúc đẩy người đọc hành động, có thể là nhanh chóng lên lịch phỏng vấn với bạn. Làm thế nào để bạn đạt được điều này chỉ với một đoạn văn? Câu trả lời là bằng cách táo bạo, nhiệt tình và rõ ràng khi khẳng định những gì bạn có thể làm cho công ty nếu được tuyển. Chẳng hạn như “Em rất muốn mang chuyên môn của mình trong việc soạn thảo các bài thuyết trình bán hàng và mong muốn bảo vệ môi trường đến với công ty của anh/chị. Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian cân nhắc em cho vai trò này và em hy vọng sớm được trao đổi với anh/chị về cách em có thể giúp công ty bán sản phẩm của mình cho các khách hàng đang cần nhất”.
Một lá thư xin việc tuyệt vời sẽ không giúp bạn có được công việc nếu bạn không đủ tiêu chuẩn, nhưng nó có thể khiến nhà tuyển dụng chú ý đến bạn trong một biển ứng viên và khuyến khích họ phỏng vấn bạn. Với một vài mẹo được chia sẻ về cách viết thư xin việc, mong rằng bạn sẽ tự tin biến một lá thư xin việc chuẩn thành công cụ mạnh mẽ thể hiện điểm mạnh của bản thân và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
Trang Đoàn
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Trực giác là gì? Làm thế nào để trực giác nhạy cảm hơn?
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15MNC là gì? Lợi ích khi làm việc tại các MNC
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Chief of Staff là gì? Trách nhiệm cụ thể của Chief of Staff
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Mentee là gì? Lợi ích khi là một mentee