Business plan là gì? Các bước xây dựng business plan hoàn hảo

Business plan là gì? Business plan hay còn gọi Kế hoạch kinh doanh chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và con đường phát triển dài hạn của một doanh nghiệp. Một business plan hoàn hảo sẽ đưa doanh nghiệp của bạn ngày càng đi lên, có khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” để xây dựng một chỗ đứng vững chắc và khẳng định vị thế của mình trên thương trường trong một ngày không xa.

Ngược lại, nếu không có một Business plan tốt, doanh nghiệp của bạn sẽ ngày càng xuống dốc, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn giữa “chiến trường” khốc liệt trong khi chưa ai kịp nhớ mặt đặt tên.

Vậy, business plan là gì và làm thế nào để xây dựng một business plan hoàn hảo? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Business plan là gì?

Business plan hiểu đơn giản là bản phác thảo chi tiết về kế hoạch kinh doanh của một doanh nghiệp, vẽ ra bức tranh toàn cảnh về những cơ hội – thách thức, giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu rõ ràng và luôn đi đúng hướng. Một business plan chi tiết và được đầu tư đầy đủ chất xám sẽ giúp bạn nhận thấy những lỗ hổng trong suy nghĩ của mình về con đường phát triển của doanh nghiệp trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Nội dung của kế hoạch càng chi tiết, cụ thể thì khả năng hiện thực hóa của bản kế hoạch sẽ càng cao.

Đối với các startup, business plan chính là yếu tố quyết định trong quá trình huy động vốn, giúp bạn thu hút các nhà đầu tư rót vốn cho dự án của mình.

“Business plan là một tài liệu cần thiết bằng văn bản cung cấp mô tả và tổng quan về tương lai của công ty bạn. Tất cả các doanh nghiệp đều nên có một kế hoạch kinh doanh.”

Các bước xây dựng một business plan hoàn hảo

1. Xác định sứ mệnh, mục tiêu và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp:

Để làm được điều này, bạn cần trả lời những câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp của bạn ra đời? Tại sao doanh nghiệp của bạn nên tồn tại? Những điều bạn mong muốn đạt được là gì? Muốn hiểu được khách hàng của mình, trước tiên bạn phải hiểu rõ bản thân mình. Bạn có thể đem đến cho khách hàng điều gì và tại sao khách hàng nên chọn bạn mà không phải là một doanh nghiệp khác?

Nike chính là ví dụ điển hình cho một doanh nghiệp có tuyên bố sứ mệnh vô cùng tuyệt vời: “mang lại cảm hứng và sự đổi mới cho mọi vận động viên trên thế giới”. Nhờ kiên trì với sứ mệnh đã đặt ra, từ một kẻ vô danh, Nike đã vươn lên thành một trong những thương hiệu thời trang thể thao nổi tiếng bậc nhất thế giới.

Làm rõ giá trị của bản thân là điều vô cùng quan trọng vì đó là bước đặt nền móng, là những viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp của bạn, giúp bạn không lạc lối và không bao giờ đánh mất phương hướng.

2. Tìm hiểu đối thủ và xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp:

Trên thương trường, bạn chắc hẳn không phải duy nhất. Dù bạn từng là duy nhất thì sau này cũng không còn là như vậy. Điểm mấu chốt ở đây là dù cùng một mô hình, cùng một ngành hàng, cùng một sản phẩm kinh doanh nhưng bạn làm thế nào để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình?

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Trước khi tính toán đến chiến lược bán hàng và marketing, bạn cần bắt tay vào việc xác định đối thủ của mình là ai và họ đang làm những gì. Hãy tìm hiểu thật tường tận về đối thủ của bạn như cách bạn tìm hiểu về đối tượng kết hôn của bản thân. Mục đích của việc làm này là giúp bạn xác định được bạn có những lợi thế gì, có những mặt yếu kém nào, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Để thành công, hãy cố gắng tìm ra ít nhất một yếu tố khiến bạn trở nên khác biệt với những đối thủ đó.

3. Hoạch định chiến lược bán hàng và marketing:

Sau khi đã xác định được mình bán cái gì, bán cho ai, việc tiếp theo bạn cần làm là trả lời câu hỏi “Bán như thế nào?”. Để làm được điều đó, hãy xác định các kênh bán hàng và các phương tiện truyền thông, quảng bá mà bạn sẽ sử dụng (online hay offline, facebook, youtube, website hay các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hay báo chí, truyền hình) để sản phẩm của mình có thể tiếp cận được tất cả khách hàng tiềm năng nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm tối đa chi phí.

Ở bước này, bạn cần chia ra từng giai đoạn cụ thể và đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đó: khiến khách hàng nhận biết được sự tồn tại của bạn  khiến họ quan tâm đến bạn, tìm hiểu thêm về bạn  khiến họ sẵn sàng mua hàng để thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ của bạn  khiến họ chấp nhận bạn, thích bạn và trở thành khách hàng trung thành của bạn.

4. Chuẩn bị chu toàn về mặt nhân sự:

Một doanh nghiệp hình thành và phát triển không chỉ từ niềm tin của nhà lãnh đạo mà bắt buộc phải có sự chung sức, chung lòng của một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ. Nhân sự của bạn có thể không đông nhưng nhất định phải làm được nhiều việc, phải đủ “máu chiến” để đồng hành dài lâu và đưa doanh nghiệp ngày càng tiến lên thay vì đi thụt lùi.

5. Thành thật về những rủi ro có thể xảy đến:

Như đã nói ở phần Business plan là gì, một business plan không chỉ nói về những mặt thuận lợi hay phác thảo những sứ mệnh cao cả của doanh nghiệp mà còn phải tiên liệu trước những rủi ro có thể xảy ra, đồng thời chuẩn bị sẵn những giải để pháp khắc phục và hạn chế thiệt hại đến mức tối đa.

6. Xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể:

Ý tưởng kinh doanh dù tốt tới đâu thì tính khả thi của nó vẫn được quyết định dựa trên khả năng tài chính của doanh nghiệp. Do đó, hãy để kế hoạch tài chính “chốt sổ” business plan của bạn. Để có một kế hoạch tài chính trọn vẹn, bạn cần ba loại báo cáo sau:

·      Báo cáo kinh doanh: phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm nguồn doanh thu và chi phí đã bỏ ra.

·      Báo cáo cân đối kế toán: báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh toàn bộ giá trị tài sản hiện có và những khoản nợ của doanh nghiệp ở một thời điểm nhất định.

·      Báo cáo lưu chuyển tiền mặt: tổng hợp tình hình thu chi tiền tệ của doanh nghiệp, qua đó cho thấy mối quan hệ giữa lợi nhuận và dòng tiền thuần.

Như Benjamin Franklin (một chính trị gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao hàng đầu và là một thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ) đã nói: “Nếu bạn không lên kế hoạch, thì bạn đang có kế hoạch thất bại”. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu thêm về tính trọng yếu của một business plan là gì và biết cách làm thế nào để xây dựng business plan hoàn hảo cho doanh nghiệp của mình.

Trang Đoàn

 

 

Sao chép thành công