Hướng dẫn cách viết sở thích trong CV xin việc hiệu quả

Sở thích trong CV là các hoạt động hoặc trò tiêu khiển được thực hiện thường xuyên trong thời gian rảnh rỗi của bạn – thường là để giải trí, giúp đỡ cộng đồng nhưng cũng có thể là một cách tuyệt vời để bổ sung thu nhập của bạn. Sở thích có thể bao gồm mọi thứ từ thể thao, âm nhạc và khiêu vũ, đến nghệ thuật, viết blog hoặc đọc sách, làm từ thiện.

Trái với suy nghĩ “dư thừa” của nhiều người, sở thích trong CV là một trong những điểm để nhà tuyển dụng “soi” và đánh giá sơ bộ về tính cách, thái độ của ứng viên; đồng thời cũng là điểm để ứng viên, đặc biệt là người thiếu kinh nghiệm làm việc hoặc sinh viên mới ra trường, tạo hình ảnh tốt đẹp ban đầu với nhà tuyển dụng.

Lí do bạn nên thêm mục sở thích trong CV   

Nổi bật so với đám đông

Với những công ty lớn thì bộ phận tuyển dụng luôn trong tình trạng quá tải bởi “núi” CV. Do vậy giữa hàng trăm thậm chí là hàng ngàn bản CV chung chung về thông tin thì mục sở thích sẽ là “nét chấm phá” cần thiết.

Thực sự khi liên tục phải đọc hàng loạt kiểu dữ liệu sàn sàn nhau thì nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng “thân thiện” với CV có phần sở thích cá nhân thú vị. Bởi mục sở thích cho phép ứng viên có thể không ghi nội dung quá “chuẩn công sở” mà có thể tung hứng tùy ý. Nhờ vậy bản CV sẽ bớt phần rập khuôn một cách nhàm chán và trở nên sinh động cũng như cuốn hút hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Nhưng tốt nhất là bạn nên dùng từ ngữ đơn giản, lối viết gọn gàng và dễ hiểu, tránh khoe khoang quá mức.

Thể hiện tính cách cá nhân

Sở thích trong CV là niềm đam mê riêng của từng người và qua đó sẽ có thấy được thái độ sống của chính bạn. Tuy đây không phải là yếu tố chính quyết định việc “đậu” hay “rớt” nhưng sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn “lành mạnh” về bạn. Có câu “lắm tài, nhiều tật” nhưng không người lãnh đạo nào lại muốn có một thành viên dạng “bất trị” dù cho chuyên môn xuất sắc đến đâu, bởi một nhân viên có quan điểm sống tiêu cực hoặc thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất chung cũng như uy tín của tập thể.

Chứng tỏ sự phù hợp với vị trí ứng tuyển

Thực tế, sở thích sẽ ảnh hưởng phần nào đến khả năng làm việc của mỗi người. Bởi một người có sở thích đọc các tài liệu nghiên cứu khoa học sẽ khó lòng hợp với các công việc năng động như tổ chức sự kiện hay hướng dẫn viên du lịch. Do vậy, mục sở thích là “đòn tâm lý” rất hữu hiệu mà ứng viên nên sử dụng để tăng khả năng thành công.

Tuy nhiên, do hạn chế nhất định của một bản CV “chuẩn” nên bạn phải lựa ra các sở thích phù hợp nhất với công việc ứng tuyển. Ví dụ, nếu ứng tuyển vào vị trí bán hàng cho cửa hàng thiết bị thể thao, bạn có thể đưa vào CV sở thích tập gym, sở thích làm vườn có thể gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng nếu bạn ứng tuyển vào các ngành năng lượng sạch hoặc đưa ra sở thích chơi một loại nhạc cụ nào đó khi ứng tuyển cho vị trí kiến trúc sư vì điều đó cho thấy bạn có sự tập trung cao độ, tận tụy và tuân thủ kỷ luật.

Cho thấy khả năng hòa nhập với văn hóa công ty

Bên cạnh việc “bộc lộ” khả năng phù hợp với công việc thì sở thích còn cho thấy “tiềm năng” phù hợp với văn hóa công ty của bạn. Cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào ngành nghề học, kỹ năng để quyết định bạn có đủ điều kiện để làm việc không. Và một khi họ quyết định bạn đáp ứng được công việc thì câu hỏi tiếp theo của họ là bạn có thích hợp với môi trường công ty và có thể phát triển được không. Khi đó, sở thích trong CV của bạn sẽ được “soi” kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, nếu bạn có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa công ty trước đó và đưa vào những sở thích phù hợp thì cơ hội nhận được việc là rất khả quan.

Các bước viết sở thích trong CV

Đầu tiên, hãy viết ra những gì bạn làm trong thời gian rảnh

Xem xét bất cứ điều gì bạn thích làm khi bạn không làm việc, như tập thể dục, đọc, nấu ăn hoặc bất cứ điều gì khác. Hầu hết những điều bạn thích làm trong thời gian rảnh có thể được coi là sở thích.

Thứ hai, đọc kỹ mô tả công việc

Hãy đọc các thông tin tuyển dụng khác nhau cho vị trí mà bạn quan tâm để xem các trách nhiệm và kỹ năng phổ biến là gì. Hãy xem các sở thích của bạn có liên quan đến công việc hay không. Sở thích của bạn cũng có thể sử dụng một số kỹ năng cần thiết cho công việc. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí liệt kê tinh thần đội nhóm là một kỹ năng cần thiết, bạn có thể liệt kê chơi một môn thể thao cụ thể để thể hiện kỹ năng làm việc nhóm của bạn.

Tiếp theo, đọc các mẫu CV sẵn có

Xem các mẫu CV cho công việc mà bạn muốn ứng tuyển để tham khảo về các sở thích trong CV của riêng bạn. Những mẫu CV này có thể mang lại cho bạn nguồn cảm hứng về các sở thích mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đây. Đồng thời nó cũng có thể chỉ cho bạn cách tốt nhất để viết mục sở thích.

Sau đó, tạo mục “Sở thích” trên CV của bạn

Đây là phần cuối cùng trong CV của bạn vì bạn nên thể hiện tất cả kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ chuyên môn của mình ngay từ đầu. Khi viết mục sở thích torng CV, tốt nhất là chỉ nên đề cập đến 2 hoặc 3 sở thích, vì vậy hãy chọn những điều phù hợp nhất.

Cuối cùng, hãy mô tả cụ thể

Hãy chắc chắn mục sở thích của bạn thật cụ thể để nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về bạn. Ví dụ, thay vì viết “Thích nấu ăn”, hãy viết “Đam mê làm các món bánh kiểu Pháp”. Mô tả cụ thể giúp bạn dễ dàng tiếp cận nhà tuyển dụng hơn.

Bạn nên đề cập đến những sở thích nào trong CV?

Hãy bao gồm các sở thích giúp cho nhà tuyển dụng thấy tại sao bạn lại phù hợp với công việc. Ví dụ, bạn là một nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một Nhân viên phát triển website thì bạn sẽ chọn ai trong số hai ứng viên sau đây. 

Ứng viên A: Sở thích là câu cá, chơi guitar và du lịch.

Ứng viên B: Hoạt động và sở thích: Viết blog về phát triển web, tìm tòi và xử lý các vấn đề mã hóa phức tạp. Làm tình nguyện viên giúp phát triển và duy trì trang web cho một nhóm phi lợi nhuận.

Bạn có thể nhận thấy, những sở thích mà ứng B nêu ra có liên quan mật thiết đến vị trí ứng tuyển và rõ ràng họ sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Khi quyết định những sở thích trong CV của mình, hãy xem xét chúng từ góc độ của nhà tuyển dụng.

Vậy, đâu là các sở thích nên đưa vào CV? Dưới đây là danh sách các sở thích mà bạn có thể sử dụng trong CV của mình.

–       Viết blog về một chủ đề về bất kỳ ngành nghề nào, nhưng nhớ là thêm vào đường dẫn để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tham khảo.

–       Một thành viên của nhóm hoặc hiệp hội liên quan đến ngành nghề bạn đang ứng tuyển

–       Các hoạt động liên quan đến kỹ năng lãnh đạo (chẳng hạn như tổ chức các sự kiện phi lợi nhuận cho người có hoàn cảnh khó khăn).

–       Các hoạt động cộng đồng / Từ thiện

–       Bất cứ điều gì khác có thể liên quan đến vị trí ứng tuyển. Bạn có thể sử dụng cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để thể hiện cho nhà tuyển dụng bạn thấy phù hợp với công việc. Hãy suy nghĩ về các ngôn ngữ bạn biết hoặc các kỹ năng bạn có thể dạy cho người khác.

Tóm lại, khi viết sở thích trong CV, hãy chỉ viết những điều liên quan đến công việc và tránh những điều vụn vặt. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định các sở thích hoặc hoạt động, hãy làm theo lời khuyên ở trên và bạn sẽ có thể nhận thấy một vài điều. Nếu bạn vẫn không thể tìm thấy bất cứ điều gì có liên quan thì đừng lo lắng, hãy tập trung vào việc làm cho các phần khác trong CV của bạn trở nên thật ấn tượng.

Sao chép thành công