CV Marketing hấp dẫn nên được viết như thế nào?

CV Marketing không chỉ là lần tiếp xúc đầu của bạn với nhà tuyển dụng tiềm năng mà còn là mẫu công việc đầu tiên của bạn. Xét cho cùng, khi gửi hồ sơ xin việc về cơ bản là bạn đang tiếp thị bản thân mình.

Bạn là nhân viên Marketing đang tìm kiếm một công việc mới? Bạn đang gặp khó khăn trong việc thể hiện mình trong CV Marketing? Bạn không đơn độc, có rất nhiều nhân viên Marketing có cùng vấn đề như bạn.

Dưới đây là 6 cách sử dụng các kỹ năng Marketing của bạn để củng cố thương hiệu cá nhân và CV Marketing của bạn, hãy cùng tham khảo nhé. 

Cách viết CV Marketing thu hút nhà tuyển dụng

Hiểu về nhà tuyển dụng

Khi bạn đang tạo một chiến dịch Marketing mới, trước tiên bạn cần xác định đối tượng mục tiêu của mình và khi viết CV Marketing, bạn cũng nên như vậy. Đó là bởi vì một khi bạn biết mình đang nhắm mục tiêu đến ai, bạn sẽ biết phải nói gì.

Vì vậy, trước khi viết từ đầu tiên trong CV, bạn nên có một danh sách thông tin về nhà tuyển dụng: quy mô công ty bao nhiêu, văn hóa như thế nào, họ đang tìm kiếm kỹ năng và kinh nghiệm nào ở ứng viên… Từ những thông tin này, bạn sẽ biết nên tập trung vào thành tích nào và nên sử dụng ngôn ngữ nào để thu hút sự chú ý của họ.  

Viết phần giới thiệu ngắn gọn, có tác động và có mục tiêu

Điều quan trọng là viết một bản tóm tắt ngắn gọn về bạn và sự nghiệp của bạn trước khi đi vào lịch sử làm việc. Đây là cơ hội để bạn nói với nhà tuyển dụng chính xác cách bạn có thể giúp họ. Nhưng hãy cẩn thận, viết quá dài hoặc nói những điều sáo rỗng sẽ làm giảm giá trị CV của bạn.

Thay vào đó, hãy nghĩ đến những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Sau đó, viết một đoạn giới thiệu theo 3 tiêu chí: 

–       Ngắn gọn – không quá 5 hoặc 6 dòng

–       Có sức ảnh hưởng – chứa đầy những thông tin thực tế khiến họ quan tâm (những kỹ năng quan trọng của bạn hoặc những thành tích trước đó)

–       Có mục tiêu (tập trung vào nhu cầu của họ)

Kể một câu chuyện về kinh nghiệm làm việc

Vậy là bạn đã có phần giới thiệu súc tích và ấn tượng. Bây giờ là lúc để nói về sự nghiệp của bạn cho đến hiện tại.

Lúc này, bối cảnh là rất quan trọng. Nhà tuyển dụng cần biết tình hình khi bạn đảm nhận từng vị trí trước khi họ có thể hiểu được giá trị mà bạn đã đóng góp.

Công ty có gặp khó khăn không? Bạn có được giao cho một thương hiệu đã bị bỏ quên không? Bạn được yêu cầu thúc đẩy tăng doanh số bán hàng hay nâng cao nhận thức về thương hiệu? Có thể bạn được yêu cầu quản lý mạng xã hội bởi vì công ty không có trang web riêng?…

Dù vị trí bạn đảm nhận là gì thì luôn có một câu chuyện trong đó và đưa điều này vào CV Marketing sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu được giá trị mà bạn đã đóng góp. Bạn có thể bắt đầu bằng cách “Được tuyển dụng để xây dựng thương hiệu sản phẩm X trên mạng xã hội lại từ đầu” hoặc “Đảm trách nhiệm vụ tăng doanh số cho thương hiệu cà phê hòa tan đang gặp khó khăn…”. 

Tạo ra các gạch đầu dòng giá trị

Khi bạn đã mô tả tình huống và phác thảo ngắn gọn trách nhiệm công việc của mình, đã đến lúc bạn nên tự hào về những gì đã đạt được ở mỗi vị trí. Điều quan trọng là phải làm điều này bằng cách sử dụng các gạch đầu dòng tập trung vào hành động và kết quả.

Là một nhân viên Marketing, bạn phải chứng minh giá trị của mình. Và khi nói đến Marketing, bạn có lợi thế hơn so với nhiều nghề khác ở chỗ là có thể đo lường hầu hết mọi thứ bạn làm.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn qua những gì bạn đã làm. Do đó, hãy thể hiện sự khác biệt bạn đã tạo ra trong các công việc trước đây. Chẳng hạn “Tăng 6% doanh số bán hàng với chi phí Marketing ít hơn 30% bất chấp sự cạnh tranh ở mức rất cao”.

Bao gồm các từ khóa trong CV

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều sử dụng hệ thống lọc hồ sơ để tìm kiếm ứng viên. Các hệ thống này hoạt động bằng cách quét CV để tìm các từ khóa liên quan. Điều này có nghĩa là bạn phải đề cập đến tất cả các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức cần thiết, không cần phải trong một mục riêng mà có thể xuất hiện xuyên suốt CV Marketing. 

Nếu bạn không chắc nên đưa vào những điều gì, hãy đọc lại tin tuyển dụng và đánh dấu những kỹ năng, kinh nghiệm quan trọng được đề cập. Sau đó, kiểm tra những điều này so với CV của bạn để đảm bảo rằng bạn đã bao gồm tất cả các từ khóa quan trọng.

Nếu bạn có bất kỳ kinh nghiệm về Digital Marketing, hãy nhớ bao gồm bản tóm tắt về quá trình học tập của bạn và liệt kê tất cả các công nghệ bạn đã sử dụng, bao gồm các nền tảng phân tích, viết blog, mạng xã hội, quản lý nội dung quảng cáo và email vì chúng có thể được sử dụng làm từ khóa bởi nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên có các kỹ năng cụ thể.

Bảo vệ thương hiệu của bạn

Bạn biết rằng lỗi chính tả và sự không nhất quán có thể làm hỏng thương hiệu công ty dễ dàng như thế nào. Tương tự, thương hiệu cá nhân trên CV Marketing của bạn cũng vậy.

Không có chỗ cho các lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc định dạng. Vì vậy, hãy kiểm tra CV nhiều lần nhất có thể. Đảm bảo rằng CV Marketing của bạn không phải là một trong số hàng nghìn CV bị từ chối vì những lỗi cơ bản.

Hãy làm theo các bước đơn giản trên và CV Marketing của bạn sẽ tỏa sáng. Bạn sẽ tạo ra một tài liệu truyền đạt đầy đủ giá trị độc đáo của mình và tập trung vào các vai trò yêu thích. Chúc bạn may mắn!

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công