Có rất nhiều lý do cho sự thay đổi nghề nghiệp như hiện thực hóa một niềm đam mê mới, tăng thu nhập hoặc thoát khỏi công việc không mang lại sự thỏa mãn. Dù lý do là gì đi nữa, bạn cũng cần “tân trang” lại CV của mình nếu muốn nhận được nhiều cuộc gọi phỏng vấn. Vậy đâu là những yếu tố cần thiết trong CV để bạn “nộp đâu trúng đó” khi xin việc trái ngành? Hãy cùng tham khảo một số gợi ý sau nhé!
Mục tiêu rõ ràng
Việc viết mục tiêu cụ thể trong CV ứng tuyển trái ngành không hề đơn giản. Tuy nhiên, bạn cần đưa mục này vào để nhà tuyển dụng có thể hiểu hơn định hướng của bạn trong nghề. Khi viết mục tiêu trong CV, hãy tập trung vào các kỹ năng mà bạn đã tích lũy được trong suốt sự nghiệp hiện tại và giải thích cách bạn dự định sử dụng chúng trong ngành nghề mới. Chẳng hạn, với kỹ năng quản lý tiền và khả năng tính toán có được trong hơn 10 năm ở vị trí Chuyên viên kế toán, tôi mong muốn trở thành một Trợ lý Tài chính đắc lực.
Các thành tựu có thể được cân đo đong đếm
Những con số giúp “vẽ” nên một bức tranh tốt hơn cho các nhà tuyển dụng tiềm năng. Các từ ngữ mơ hồ như “quản lý ngân sách” hay “cắt giảm chi phí” gần như không tạo được ấn tượng bằng việc “quản lý 2 tỷ đồng ngân sách marketing” hoặc “cắt giảm 20% chi phí”. Những con số trực tiếp nêu bật những đóng góp và thành tích của bạn sẽ giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá hơn.
Giả sử là bạn đã đáp ứng mong đợi vai trò công việc, nhưng bạn đã làm gì ngoài mô tả công việc cơ bản? Nhà tuyển dụng tiềm năng muốn thấy một ứng viên nổi bật, không phải là người chỉ làm công việc tối thiểu. Các con số là một cách định lượng để thể hiện sự xuất sắc trong vai trò trước đây của bạn.
Các trải nghiệm liên quan
Nếu thay đổi nghề nghiệp, bạn có thể có ít kinh nghiệm liên quan đến ngành nghề mới hoặc vị trí mà bạn đang tìm kiếm. Trong trường hợp này, hãy làm nổi bật những điều tích cực khác để thay thế, như cập nhật các kỹ năng mới hoặc học các chương trình nâng cao, các hoạt động tình nguyện hoặc lãnh đạo các nhóm khác nhau… Điều quan trọng là cần thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng vào những gì giúp bạn nổi bật như một ứng viên đầy tiềm năng, chứ không phải là những gì khiến bạn trở nên yếu thế hơn.
Các từ khóa quan trọng và từ ngữ chuyên ngành
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều sử dụng hệ thống tìm kiếm trên các trang web việc làm để sàng lọc CV. Chỉ những ứng viên đủ điều kiện nhất sau đó mới được chuyển đến phòng nhân sự để xem xét. Do đó, hãy đảm bảo CV của bạn có đầy đủ các từ khóa như bản mô tả công việc đã đăng. Các từ khóa đó có thể là những từ ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực ứng tuyển. Điều này không chỉ giúp CV của bạn không bị bỏ qua mà còn cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có sự nghiên cứu, tìm hiểu và đam mê về ngành nghề mới.
Người tham khảo
Đính kèm người tham khảo vào CV cho thấy rằng bạn có những người liên hệ chuyên nghiệp có thể chứng minh năng lực của bạn. Do vậy, hồ sơ của bạn cũng sẽ đáng tin cậy hơn. Có thể không cần phải nói nhưng cần chắc chắn rằng người tham khảo đều là đồng nghiệp cũ hoặc người quản lý của bạn. Mặc dù người thân có thể nói những điều tốt đẹp về bạn nhưng họ không phải là nguồn tham khảo đáng tin cậy nhất. Nếu bạn còn đang trong quá trình làm việc và chọn người tham khảo là đồng nghiệp ở cùng công ty, hãy đảm bảo rằng họ biết kế hoạch của bạn và họ sẽ thận trọng, kín đáo khi cần.
Định dạng một cách khôn ngoan
Nhiều người tìm việc sử dụng định dạng CV theo thứ tự thời gian, liệt kê toàn bộ lịch sử công việc bắt đầu với thời điểm gần đây nhất. Tuy nhiên, nếu kinh nghiệm chuyên môn của bạn không liên quan đến lĩnh vực bạn đang cố gắng ứng tuyển, một CV theo thứ tự thời gian sẽ cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của bạn. Trái lại, một CV theo định dạng chức năng sẽ tập trung hơn vào các kỹ năng của bạn. Với định dạng này, bạn nên mở đầu bằng cách tóm tắt các kỹ năng, trong đó nêu bật 3 hoặc 4 kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển và đưa ra dẫn chứng về cách bạn đã sử dụng chúng hiệu quả trong các công việc trước đây.
Tóm lại, là một người muốn thay đổi nghề nghiệp thì chìa khóa để tạo ra một bản CV giúp bạn trở thành ứng viên tốt nhất là làm nổi bật các kỹ năng phù hợp. Nếu nhà tuyển dụng có thể thấy rõ rằng bạn có những kỹ năng mà họ đang tìm kiếm thì việc bạn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể đó có thể ít quan trọng hơn. Thông thường, những kỹ năng mềm có thể áp dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau sẽ thu hút hơn các kỹ năng kỹ thuật bởi các kỹ năng kỹ thuật có thể dễ dàng đào tạo. Do đó, hãy chứng minh bạn có thành tích trong các vị trí đã nắm giữ và thể hiện biệt tài một cách khéo léo, điều này sẽ giúp bạn có được sự chú ý của các nhà tuyển dụng tiềm năng.
Huyền Nguyễn