Marketing bền vững là gì? Ưu, nhược điểm và cách áp dụng

Marketing bền vững đang là một xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị tích cực cho thương hiệu và cho cả cộng đồng khi thể hiện được sự quan tâm và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Để hiểu Marketing bền vững là gì và những giá trị mà chiến lược này mang lại, hãy cùng CareerLink theo dõi bài viết sau đây nhé.

Marketing bền vững là gì? Ưu, nhược điểm và cách áp dụng

Marketing bền vững là gì?

“Marketing bền vững hay Sustainable Marketing là khái niệm dùng để chỉ những chiến lược Marketing hướng đến việc phát triển bền vững để tạo ra giá trị lâu dài cho người tiêu dùng và xã hội.”

Các chiến lược Marketing bền vững giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm/dịch vụ vừa thể hiện được giá trị thương hiệu (sự quan tâm đến các thế hệ tương lai và chất lượng cuộc sống sau này), vừa gắn liền với trách nhiệm xã hội và đặc biệt là trách nhiệm với môi trường.

Marketing bền vững thường hướng đến những nội dung sau:

  • Giáo dục về bảo vệ môi trường;
  • Tiêu dùng có trách nhiệm;
  • Khả năng tái chế;
  • Giảm thiểu chất thải;
  • Các hoạt động xã hội;
  • Trách nhiệm xã hội;
  • Ủy quyền cộng đồng;
  • Sự bình đẳng…

Trong thực tế, marketing bền vững thường thể hiện ở các chiến dịch tuyên truyền với thông điệp liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên hay tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ có giá trị bền vững đối với cộng đồng.

Trong quá khứ, Marketing bền vững được coi là tốn kém với ít tiềm năng thị trường. Tuy nhiên, giờ đây, tính bền vững được coi là động lực kinh doanh lớn và là mệnh lệnh chiến lược.

Với các vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng mà chúng ta đang phải đối mặt và nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng, việc áp dụng marketing bền vững không chỉ đơn giản là một giá trị gia tăng mà còn là một yêu cầu để cạnh tranh trên thị trường.

Ví dụ về marketing bền vững

Để hiểu hơn về Marketing bền vững là gì, hãy cùng tham khảo một số ví dụ sau đây:

Sử dụng những sản phẩm có chất liệu tự nhiên và dễ phân hủy

Các siêu thị dùng túi vi sinh phân hủy để khách hàng đựng hàng hóa; hệ thống Tokyo Life nói không với túi nilon; nhiều cửa hàng sử dụng các loại lá tự nhiên như lá chuối, lá sen để gói, bọc thực phẩm.

Chính sách đổi trả

Apple với chiến dịch Reverse Logistics – thu mua lại các sản phẩm, linh kiện cũ để tái chế và tái sử dụng, giảm thiểu tối đa lượng rác thải điện tử khó phân hủy ra môi trường.

Sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng điện hoặc năng lượng mặt trời

Ở Việt Nam có Vinfast – thương hiệu xe hơi đã chính thức “khai tử” dòng xe xăng để tập trung phát triển dòng xe điện.

Sản phẩm/dịch vụ góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng

Tide với chiến dịch ra mắt bột giặt Coldwater Clean kết hợp hướng dẫn người tiêu dùng cách tiết kiệm đến 50% hóa đơn điện nước nhờ việc không giặt quần áo bằng nước ấm.

Tầm quan trọng của Marketing bền vững

Chiến lược Marketing bền vững có tầm quan trọng rất lớn đối với các doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi rõ rệt

Một nghiên cứu cho thấy cứ 10 người tiêu dùng thì có 8 người quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi phương thức marketing để bắt kịp xu hướng của khách hàng.

Giúp cải thiện độ nhận diện thương hiệu

Nếu đã hiểu marketing bền vững là gì hẳn bạn cũng biết một thương hiệu luôn hướng đến marketing bền vững chắc chắn sẽ nhận được thiện cảm từ người tiêu dùng và được họ đón nhận hơn. Điều này góp phần tích cực trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu của mình.

Tạo cho cộng đồng những giá trị tích cực

Marketing bền vững tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển ngày càng vững mạnh trên thị trường.

Giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài và duy trì danh tiếng bền vững

Các chiến lược marketing bền vững dài hạn đem đến các sản phẩm có ý nghĩa và giá trị cho cộng đồng sẽ giúp gia tăng lượng khách hàng trung thành cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh số bán hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh trước đối thủ.

Nguyên tắc xây dựng chiến lược Marketing bền vững là gì?

Hiểu được sự quan tâm, mong muốn của khách hàng

Bao giờ cũng vậy, muốn có một chiến dịch marketing thành công, doanh nghiệp luôn phải xác định được chân dung của đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó tiến hành các cuộc khảo sát, phân tích để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của họ. Điều đó sẽ giúp bạn xây dựng nên các thông tin, thông điệp tiếp thị phù hợp để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Định giá sản phẩm hợp lý

Hầu hết các sản phẩm marketing bền vững đều liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe con người và mức giá của chúng không hề rẻ, thậm chí có một khoảng chênh lệch lớn với các sản phẩm truyền thống. Điều này cũng là một trong những hạn chế lớn khiến khách hàng không muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm của bạn. Vì lẽ đó, bạn cần có một chiến lược định giá hợp lý cho sản phẩm của mình để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa có thể thu hút khách hàng.

Đặt khách hàng làm trọng tâm phát triển

Đối với marketing bền vững, việc tạo ra thật nhiều giá trị cho cộng đồng mới là điều cần được chú trọng. Do đó, bạn luôn phải đặt khách hàng làm trọng tâm phát triển, sản xuất ra những sản phẩm/dịch vụ vì lợi ích của cộng đồng. Khi khách hàng nhận thấy điều đó, họ đương nhiên sẽ ủng hộ bạn.

Hiểu rõ sứ mệnh của marketing bền vững

Nên nhớ, sứ mệnh của marketing bền vững không phải là lợi ích kinh doanh hay lợi nhuận đơn thuần mà là tạo dựng những giá trị phát triển bền vững, vì lợi ích của cộng đồng. Hãy luôn hiểu rõ và ghi nhớ sứ mệnh của marketing bền vững xuyên suốt quá trình triển khai các chiến dịch truyền thông để không đi lầm đường lạc lối, chệch khỏi lý tưởng ban đầu.

Hướng đến sự phát triển bền vững trên mọi khía cạnh

Nếu cộng đồng không nhìn thấy những hành động cụ thể của doanh nghiệp trên mọi phương diện mà chỉ nghe thấy những tuyên bố, những thông điệp sáo rỗng thì chắc chắn họ không đặt sự lòng tin vào sản phẩm, dịch vụ của bạn. Khi đó, việc thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của bạn là điều gần như không thể.

Có thể thấy, chiến lược marketing bền vững rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp để có thể đáp ứng được những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Trong tương lai, marketing bền vững chắc chắn sẽ dần thay thế cho các loại hình tiếp thị truyền thống.

Khó khăn khi áp dụng marketing bền vững

Chi phí cao

Một số sáng kiến ​​xanh yêu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến do đó phải đầu tư rất lớn vào nghiên cứu và phát triển. Chắc chắn, các công ty nhỏ và hạn chế về tài chính có thể gặp khó khăn trong việc theo đuổi. Hơn nữa, nhiều khách hàng không nhận thức được marketing bền vững và có thể không trả giá cao cho các sản phẩm và dịch vụ xanh.

Người tiêu dùng hoài nghi

Nhiều công ty tuyên bố đang giảm tác động của mình đối với môi trường nhưng sau đó lại chỉ làm ở mức tối thiểu để xoa dịu. Những người tiêu dùng có ý thức về môi trường sẽ xa lánh, cảnh giác với những kiểu hứa hẹn sáo rỗng này.

Những hậu quả không lường trước được

Một số xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường có thể bắt đầu với mục đích cao cả, nhưng cung và cầu mới có thể khiến các công ty trở nên thiển cận. Ví dụ, một sáng kiến Marketing bền vững có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ sữa bò truyền thống sang sữa hạnh nhân để giảm đáng kể nhu cầu về các sản phẩm sữa và lượng khí thải CO2. Nhưng nhu cầu về hạnh nhân tăng lên sẽ buộc nông dân trồng hạnh nhân phải tăng sản lượng, một quy trình đòi hỏi nhiều nước hơn đáng kể so với quy trình nuôi bò sữa. Lúc này sự thay đổi của người tiêu dùng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước ở những vùng trồng hạnh nhân.

Thông qua những thông tin vừa được cung cấp trong bài viết, mong rằng bạn đọc đã hiểu rõ Marketing bền vững là gì và tầm quan trọng của nó trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Trang Đoàn

Sao chép thành công