Tại một số thời điểm trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể hỏi về lí do vì sao bạn thích làm việc cho họ. Câu hỏi này có thể được diễn giải theo một số cách như Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi? Tại sao bạn muốn làm việc ở đây? Hoặc Điều gì khiến bạn muốn tìm việc ở công ty này?
Bất kể câu hỏi này được diễn đạt như thế nào, nó cũng không nên được trả lời một cách tự phát. Thay vào đó, bạn nên chuẩn bị cho một câu trả lời chu đáo, ngắn gọn và phù hợp về lí do tại sao công ty và vai trò khiến bạn quan tâm và phấn khích.
Câu hỏi này khám phá động cơ làm việc của bạn, liệu bạn có phù hợp với văn hóa công ty và làm việc chăm chỉ trong tương lai hay không.
Tập trung vào một khía cạnh của công ty mà bạn ngưỡng mộ và giải thích điều đó có ảnh hưởng như thế nào với bạn
Bạn có thể bị thôi thúc để trả lời câu hỏi này một cách thẳng thắn, nhưng nói rằng bạn “đang cần việc” hoặc “thấy rằng công ty đang tuyển dụng” sẽ không cung cấp cho nhà tuyển dụng bất kỳ cái nhìn sâu sắc nào về con người bạn.
Bất cứ ai tham dự vào cuộc phỏng vấn đều có nhu cầu việc làm. Thế nên, hãy tập trung vào lí do bạn ứng tuyển vào công ty cụ thể này, chẳng hạn như đề cập đến sản phẩm chính hoặc một trong những giá trị cốt lõi của họ.
Nếu là sinh viên mới ra trường, bạn có thể trả lời như sau: “Khi nghĩ đến công việc toàn thời gian đầu tiên của mình, tôi mong muốn làm việc cho một công ty sản xuất ra sản phẩm mà tôi thực sự tin tưởng. Khách hàng của công ty là những người ở độ tuổi từ 18 đến 25 và là người trong độ tuổi đó cũng là người dùng yêu thích sản phẩm của công ty, tôi nghĩ rằng mình có thể đại diện cho thương hiệu với tư cách là một nhân viên Marketing”.
Làm nổi bật các kỹ năng của bạn và giải thích vì sao chúng cần thiết cho công việc
Tiếp theo, hãy khiến bản thân trở nên khác biệt bằng cách làm nổi bật các kỹ năng, điểm mạnh và kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn đã từng làm việc với đối tượng khách hàng chính của công ty hoặc nắm vững các kỹ năng cần thiết cho vai trò này, hãy nhớ đề cập đến điều đó. Chẳng hạn, “Tôi có hai năm làm việc bán thời gian với các đại sứ thương hiệu, vì vậy tôi biết những cách tốt nhất để định vị và tăng nhận thức về thương hiệu cũng như doanh số bán hàng”.
Kết nối mục tiêu nghề nghiệp của bạn với thương hiệu
Khi bạn đã thể hiện niềm đam mê của mình đối với thương hiệu và cho thấy kinh nghiệm của bạn liên quan đến vai trò như thế nào, hãy nhớ đề cập đến sự phù hợp giữa các mục tiêu nghề nghiệp của bạn với mục tiêu của công ty.
Điều quan trọng là thể hiện rằng bạn hào hứng làm việc cho công ty cụ thể này chứ không phải đối thủ cạnh tranh hay bất kỳ công ty nào khác trong cùng lĩnh vực khi trả lời câu hỏi “Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?”
Ví dụ, “Cách công ty tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên trẻ có thể chủ động đưa ra quyết định trong công việc khiến tôi đặc biệt chú ý. Và văn hóa này rất phù hợp với tôi vì tôi luôn muốn đóng góp cho một thương hiệu tin tưởng vào những gì tôi có thể mang lại”.
Bằng cách thể hiện rằng bạn hiểu biết về công ty và các giá trị của bạn phù hợp với giá trị của họ, bạn sẽ chứng minh rằng bạn phù hợp với vai trò và tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Điều cần tránh khi trả lời câu hỏi “Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?”
Cứng nhắc, khuôn mẫu
Mặc dù chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn là tốt nhưng cần đảm bảo rằng bạn không tạo cảm giác như đang trả bài. Hãy xem đây là một cuộc trò chuyện và cố gắng để bản thân thư giãn.
Thiếu nhiệt tình
Có thể bạn không có lý do đặc biệt nào để muốn làm việc tại một công ty cụ thể, nhưng bạn không nên thể hiện rõ điều đó. Một trong những điều gây khó chịu nhất cho nhà tuyển dụng là ứng viên thiếu nhiệt tình. Cho dù bạn có kinh nghiệm hoặc trình độ như thế nào đi nữa, nếu không thể hiện sự thích thú đối với vai trò thì bạn không thể tiến xa hơn trong quá trình phỏng vấn.
Nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí cao hơn hoặc chuyển sang một ngành nghề khác, điều quan trọng là phải thể hiện niềm đam mê với lĩnh vực mới này. Về cơ bản, nếu bạn không thể hào hứng khi làm việc tại công ty, thì tại sao công ty phải hào hứng với việc tuyển dụng bạn?
Đề cập đến lương
Mức lương cao hơn có thể là yếu tố quan trọng khiến bạn muốn làm việc cho công ty, nhưng nó không phải là trọng tâm chính bạn nên đề cập khi trả lời câu hỏi này. Các câu trả lời liên quan đến thù lao và lợi ích cho thấy rằng bạn chủ yếu được thúc đẩy bởi vấn đề tài chính. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về sự quan tâm của bạn đối với vai trò và chỉ ra rằng bạn có thể không ở lại nếu được trả một mức lương cao hơn ở nơi khác.
Thông tin cá nhân
Có lẽ bạn rất hào hứng khi làm việc ở công ty vì sự linh hoạt trong lịch trình sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chăm sóc gia đình hoặc văn phòng gần nhà giúp bạn tiết kiệm thời gian đi lại. Nhưng nhà tuyển dụng không quan tâm đến bất kỳ điều gì trong số đó. Họ muốn nghe về sự yêu thích của bạn khi làm việc cho công ty, vì vậy hãy loại bỏ các thông tin không liên quan trực tiếp đến vấn đề này.
Có thể nhận bất kỳ việc gì
Mặc dù tìm việc là quá trình khó khăn nhưng bạn không nên chia sẻ nỗi khổ tâm này với nhà tuyển dụng. Câu trả lời “Tôi thực sự cần việc và tôi sẽ làm bất cứ việc gì” sẽ khiến họ nghi ngờ khả năng của bạn và có thể loại bạn khỏi danh sách ứng viên. Do đó, khi được hỏi “Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?”, hãy làm cho nhà tuyển dụng tin rằng bạn sinh ra để làm công việc này và vị trí này là dành cho bạn.
Pha Lê