Mục Lục
Bạn đã vượt qua vòng sàng lọc sơ bộ và được mời đến phỏng vấn. Bạn đã trả lời tất cả các câu về chuyên môn, truyền đạt các kỹ năng của mình và cách chúng giúp bạn đạt được thành tích đáng nể trong vai trò trước đây. Cuối cùng, nhà tuyển dụng muốn biết lí do tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ. Bạn đã nói gì? Bạn có nên nói với họ về trải nghiệm tiêu cực của mình hay nói xấu công ty cũ?
Câu trả lời là “Không”. Hầu hết mọi người có xu hướng trút giận về trải nghiệm khó chịu khi phỏng vấn xin việc vì họ muốn biện minh cho quyết định rời đi của mình, hi vọng sẽ nhận được sự đồng cảm hay thể hiện sự coi trọng môi trường tốt hơn. Dù thế nào đi nữa, bạn không bao giờ nên nói xấu công ty hay sếp cũ và đây là lý do tại sao.
4 lí do không nên nói xấu công ty cũ trong buổi phỏng vấn
“Một trong những hậu quả lớn nhất của việc nói xấu công ty cũ là hành vi này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của bạn”
Nói về trải nghiệm tiêu cực cho thấy bạn không có khả năng giải quyết xung đột và tình huống khó khăn
Khi đổ lỗi cho công ty cũ, bạn đang cho thấy mình không có khả năng giải quyết vấn đề với quản lý thông qua đàm phán và ngoại giao cơ bản, do đó bạn có thể bị coi là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu không đáng có và lãng phí thời gian vào việc hòa giải giữa bạn và đồng nghiệp hoặc người quản lý. Ngay cả khi nhà tuyển dụng chấp nhận rằng những lời phàn nàn của bạn là có cơ sở, họ vẫn muốn có một người trong nhóm có thể giải quyết vấn đề, hoặc ít nhất là đối phó với chúng, thay vì chỉ phàn nàn hoặc nhanh chóng bỏ cuộc.
Nếu có điều gì thực sự làm bạn khó chịu, có lẽ bạn nên sắp xếp một cuộc gặp gỡ với sếp cũ của mình để bày tỏ. Việc bực bội hay than vãn với người khác không giải quyết được gì. Ngược lại, bất cứ điều gì bạn nói chống lại công ty cũ, nhà tuyển dụng sẽ coi đó là chuyện cá nhân. Họ có thể cảm thấy thương hại bạn nhưng sẽ không tuyển dụng bạn.
Thiếu chuyên nghiệp và chưa trưởng thành về mặt cảm xúc
Giữ trong lòng cảm xúc hằn học và hay phàn nàn là hành động thiếu chín chắn và có vẻ ít lý trí. Nếu bạn đang tham dự một cuộc phỏng vấn xin việc nhưng lại bận tâm với những suy nghĩ chỉ trích về công việc trước đây thì bạn đang tạo ra một rung cảm tiêu cực trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn sẽ không nói xấu khách hàng, vậy tại sao bạn lại làm như vậy với sếp cũ? Điều đó khiến bạn trông nhỏ nhen và không đáng tin cậy.
Khi bạn đang phàn nàn về sếp cũ của mình, người phỏng vấn bạn cũng có thể là quản lý của bạn sau này, sẽ nhìn nhận mọi việc theo quan điểm của cấp trên. Họ có thể nghĩ, liệu sếp cũ của bạn có thực sự “xấu” như bạn nghĩ hay bạn luôn khăng khăng muốn đạt được mục đích của mình và không nghe theo chỉ đạo hoặc trở thành một phần của nhóm. Điều này cũng gieo rắc sự nghi ngờ trong tâm trí của họ rằng bạn có thể nói xấu công ty theo cách tương tự sau này nếu được tuyển dụng.
Bất kể vấn đề gì bạn gặp phải với công ty cũ, tất cả đều là chuyện quá khứ. Hãy để quá khứ ngủ yên. Bạn đang “săn” một công việc mới tốt hơn, thế nên hãy tập trung vào đó và những điều thú vị mà tương lai sẽ mang lại.
Không ai thích người hay phàn nàn
Người hay phàn nàn là “vi rút” kéo tụt hiệu suất và tinh thần của công ty. Họ cố gắng hạ thấp người khác vì họ nhận ra rằng họ không thể tự mình tiến lên. Nếu bạn nói xấu công ty hoặc sếp cũ và bị gắn mác là người hay phàn nàn, sẽ không ai muốn làm việc với bạn.
Ngoài ra, người hay phàn nàn có xu hướng nghỉ việc cao hơn. Họ cũng luôn thích lang thang ở nơi “đồng cỏ xanh hơn”. Thử hỏi, người quản lý nào mà không cảm thấy bực bội khi dành thời gian đào tạo nhân viên để rồi họ lao vào vòng tay của đối thủ cạnh tranh?
Thế giới này rất nhỏ bé
Trước khi bạn đi nói xấu công ty cũ của mình, hãy suy nghĩ thật kỹ. Thế giới này nhỏ hơn bạn tưởng. Bạn không bao giờ biết mình sẽ đi về đâu. Có thể một ngày nào đó bạn phải quay lại làm việc cho công ty cũ hay nhờ sếp cũ làm người tham khảo. Phổ biến hơn, họ có thể trở thành khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của bạn… Sẽ rất khó khăn cho bạn nếu đối mặt với quản lý cũ của mình và họ biết rằng bạn đã nói xấu họ. Internet đã khiến thế giới trở nên vô cùng nhỏ bé, thế nên hãy cẩn thận với lời nói của bạn.
Nên nói gì thay thế?
Trên hết, nhà tuyển dụng muốn nghe những gì bạn sẽ mang lại cho họ. Họ muốn có sự tin tưởng rằng bạn là người phù hợp cho công việc. Thế nên, bạn sẽ tạo được hình ảnh tốt hơn nhiều khi giải thích mức độ phấn khích của mình về công việc và cho thấy kinh nghiệm làm việc của bạn khiến bạn đủ điều kiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ thay vì đắm chìm trong quá khứ. Trong một số trường hợp bất khả kháng phải nhắc đến các tình huống tiêu cực trong lịch sử làm việc, hãy cố gắng trung lập nhất có thể trong phản hồi của bạn, đưa ra một góc nhìn tích cực và trả lời những câu hỏi đó một cách ngắn gọn.
Mục đích của cuộc phỏng vấn xin việc không phải là để chứng minh rằng bạn đúng trong các tranh chấp với sếp hay đồng nghiệp cũ. Nếu muốn giải tỏa sự bực bội, hãy trút bầu tâm sự với những người khác, chứ không phải nhà tuyển dụng. Khi phỏng vấn, bạn cần thuyết phục họ rằng bạn là ứng viên tốt nhất cho công việc thay vì nói xấu công ty cũ. Thế nên, hãy tập sử dụng những từ ngữ cung cấp cho nhà tuyển dụng thông tin họ cần mà không vô tình nói ra điều gì đó khiến bạn trở nên tệ hại.
Ngọc Quyên
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
- Góc kỹ năng2025.01.20Ghi điểm với câu hỏi “Hãy kể về lần bạn làm tốt hơn mong đợi”
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Trực giác là gì? Làm thế nào để trực giác nhạy cảm hơn?
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15MNC là gì? Lợi ích khi làm việc tại các MNC
- Tư vấn nghề nghiệp2025.01.15Chief of Staff là gì? Trách nhiệm cụ thể của Chief of Staff