Tự tin vượt qua câu hỏi “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?”

Trong buổi phỏng vấn, chắc hẳn bạn sẽ phải đối diện với rất nhiều câu hỏi mà bản thân cho là nhàm chán, cũ kỹ, điển hình như “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?”. Thế nhưng, những câu hỏi này giống như một loại gia vị vậy, tuy không mới mẻ, thiếu sáng tạo nhưng nếu bỏ đi sẽ đánh mất hương vị nên có của món ăn.

“Câu hỏi trông đơn giản nhưng nó đòi hỏi bạn phải nỗ lực khá nhiều nếu muốn để lại ấn tượng tốt”, Chị Hương Nguyễn, Trưởng bộ phận tuyển dụng nhận xét và có những gợi ý trả lời hữu ích giúp bạn có chút “vốn” lận lưng trước khi chính thức “lâm trận”.

Tự tin vượt qua câu hỏi “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?”

Biết lý do đặt câu hỏi “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?” để trả lời đâu trúng đó

“Nhà tuyển dụng không đặt câu hỏi cho vui mà luôn có lí do đằng sau đó. Với câu hỏi Bạn biết gì về công ty?, chúng tôi muốn biết bạn có thực sự quan tâm đến công việc này không, hay đây chỉ là một trong số hàng trăm vị trí mà bạn đã ứng tuyển và chỉ đến phỏng vấn cho biết? Nếu bạn có những lý do cụ thể để ứng tuyển thì nhiều khả năng bạn sẽ thích công việc và vui vẻ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, chị Hương Nguyễn giải thích.

Theo chị, một lý do khác khiến câu hỏi này xuất hiện là nhằm đánh giá đạo đức làm việc của ứng viên. Nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn có thể đã ứng tuyển vào nhiều công ty, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh của họ. Nhưng bạn đã làm gì sau khi nhận được lời mời phỏng vấn? Bạn quyết định tùy cơ ứng biến, đối phó theo kiểu “binh đến tướng chặn, nước đến đất ngăn”, chuẩn bị cho có hay Google các thông tin về công ty? Không có quy tắc nào nói rằng bạn phải nghiên cứu về doanh nghiệp trước khi phỏng vấn. Tuy nhiên, chủ động tìm hiểu cho thấy rằng bạn sẵn sàng làm mọi việc mà không cần chờ đợi yêu cầu và rất có thể sẽ có thái độ tương tự trong công việc nếu được tuyển dụng.

Tìm hiểu gì về công ty trước khi phỏng vấn?

Khác với những câu hỏi tập trung vào khả năng ứng biến của ứng viên – nơi sự “ăn may” nhờ vào miệng lưỡi và tốc độ nảy số của não bộ có thể đem lại tỷ lệ thành công nhất định, “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?” là câu hỏi đòi hỏi bạn phải có sự tìm hiểu kỹ càng, nghiên cứu và chắt lọc thông tin, nếu không bạn sẽ nắm chắc thất bại.

Ngày nay, sự hội nhập cùng tốc độ phủ sóng mạnh mẽ của internet khiến mọi doanh nghiệp phải cạnh tranh từng “tấc đất” trên các nền tảng mạng xã hội, hầu như doanh nghiệp nào cũng có Website, Fanpage, thậm chí là Youtube, Instagram, Linkedin, Twitter,… Vì lẽ đó, thật khó chấp nhận nếu bạn không thể tìm hiểu những thông tin cơ bản về công ty trong khi mọi thứ đều được đặt ở chế độ công khai ngay trước mắt bạn, đúng không nào?

Vậy bạn nên tìm hiểu thông tin gì?

Trả lời thắc mắc này, chị Hương Nguyễn chia sẻ: “Rõ ràng nhất là tìm hiểu về dịch vụ hoặc sản phẩm của công ty, công ty kiếm tiền bằng cách nào, khách hàng là ai, chiến lược hoạt động ra sao… Ngoài ra, hãy nhìn vào quá khứ, hiện tại và tương lai của doanh nghiệp”.

Chị Hương giải thích, quá khứ có nghĩa là công ty hoạt động bao nhiêu lâu, ai là người đã thành lập và đưa doanh nghiệp đến vị trí ngày hôm nay. Đối với thông tin hiện tại, hãy xem xét các giá trị và mục tiêu của công ty, đối thủ cạnh tranh và cách công ty tiến vào thị trường lớn hơn. Đó có phải là một thương hiệu lớn, là doanh nghiệp mới nổi hoặc một công ty tầm trung đang cố gắng tạo tiếng vang? Cuối cùng là tìm hiểu thêm về những gì công ty dự định làm trong tương lai, họ có định thâm nhập vào thị trường mới hoặc sắp ra mắt một sản phẩm đột phá hay vị trí bạn ứng tuyển có liên quan thế nào đến các kế hoạch của công ty.

Hãy tìm hiểu những gì bạn có thể! Điều này không chỉ khiến bạn trông “rất gì và này nọ” mà bạn còn có thể xác định xem đây có phải là công việc mình muốn theo đuổi hay không.

“Nếu bạn không có câu trả lời hay cho câu hỏi “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?”, cuộc phỏng vấn sẽ kết thúc.”

Nhà tuyển dụng muốn nghe và không muốn nghe điều gì?

 “Công ty từng nhận bão đánh giá 1 sao”, “Giám đốc công ty dính vào lùm xùm tình cảm với hotgirl A”, “Công ty đã từng phải thu hồi sản phẩm”… Không phải nhà tuyển dụng nào cũng vui vẻ khi nghe bạn trích dẫn lời chỉ trích công ty từ nhân viên cũ, hay nói về các chi tiết siêu cá nhân của lãnh đạo. Đừng tốn thời gian đào bới lên những câu chuyện mà công ty cố gắng chôn vùi. Lợi đâu không thấy, chỉ thấy trước mắt bạn đã khiến nhà tuyển dụng “dị ứng”.

“Có một chiến thuật hay hơn bạn có thể sử dụng để khiến họ thực sự yêu quý bạn, đó là nhắc đến các thành tựu, khoảnh khắc đáng nhớ, các giá trị tốt đẹp mà công ty đang hướng đến. Khi bạn nói rằng “Công ty là cái tên đầu tiên mà em nghĩ đến trong lĩnh vực này,” đó là một lời khen rất lớn. Điều đó sẽ khiến họ cảm thấy tự hào khi được làm việc cho công ty và sẽ trấn an họ rằng bạn sẽ có động lực và làm việc chăm chỉ ở vị trí này”, chị Hương gợi ý.

Tuy nhiên, chị cũng nhắc nhở rằng đừng đưa ra lời khen không đúng sự thật… Nếu bạn đang ứng tuyển vào một công ty dịch vụ kế toán có ít hơn 20 nhân viên và nói họ là một trong những tên tuổi lớn nhất mà bạn biết trong lĩnh vực này, họ sẽ nghĩ bạn có vấn đề đấy.

Có rất nhiều cách để đánh giá cao công ty, vì vậy hãy chọn cách đúng. Ngoài quy mô, bạn cũng có thể khen về văn hóa doanh nghiệp như “Em có nhiều người bạn từng làm việc ở đây và ai cũng đều có ấn tượng tốt về văn hóa công ty cũng như cách công ty hỗ trợ nhân viên của mình”, hoặc nói về tốc độ phát triển nhanh chóng nếu đó là một công ty nhỏ đang trên đà phát triển. Chọn lọc đúng chi tiết cho thấy rằng bạn đã thực hiện nghiên cứu và thực sự vui mừng khi được nói chuyện với công ty. Đó là cách khiến nhà tuyển dụng hào hứng nói chuyện với bạn!

Bạn biết gì về công ty chúng tôi? – một câu hỏi tưởng vô vị sẽ trở nên giàu cảm xúc hơn rất nhiều nếu chúng ta có sự đầu tư nghiêm túc cùng một chút chân thành, một chút lém lỉnh, một chút khéo léo. Rõ ràng, không có câu hỏi nào là nhạt nhẽo, chỉ có bản thân chúng ta vô vị mà thôi. Trước mọi câu hỏi hóc búa, hãy bình tĩnh, thể hiện bản lĩnh, sự thông minh của bản thân và chinh phục trái tim của nhà tuyển dụng nhé!

Trang Đoàn

Sao chép thành công