Window dressing là gì? Dấu hiệu nhận biết window dressing

Tìm kiếm Window dressing là gì, bạn có thể thấy ngay nghĩa của thuật ngữ này là làm đẹp báo cáo tài chính. Vậy làm đẹp báo cáo tài chính có ý nghĩa gì, mục đích là gì và cách làm đẹp báo cáo tài chính thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung sau đây nhé. 

Window dressing là gì? 

“Window dressing hay làm đẹp báo cáo tài chính là các hành động được thực hiện để làm cho các báo cáo tài chính của một doanh nghiệp trông đẹp hơn trước khi chúng được công bố rộng rãi.”

Đối với một công ty, việc làm đẹp báo cáo tài chính rất quan trọng vì mọi doanh nghiệp đều muốn thông tin tài chính của mình trông hấp dẫn nhất có thể. 

Việc làm đẹp báo cáo tài chính đặc biệt phổ biến khi một doanh nghiệp có một số lượng lớn cổ đông. Ban quản lý cần cho thấy họ đang điều hành tốt và mang lại kết quả khả quan với các cổ đông – những người sẽ không thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp.

Làm đẹp báo cáo tài chính cũng được sử dụng khi một công ty muốn tạo ấn tượng tốt với bên cho vay để cho thấy họ có đủ điều kiện vay. Báo cáo tài chính với các con số đẹp đẽ cũng là thứ thu hút các cơ hội kinh doanh mới, các nhà đầu tư và thậm chí cả người tiêu dùng.

Nếu một doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ, những người chủ sở hữu thường nhận được kết quả chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp, thế nên không có lí do gì cần phải làm đẹp báo cáo tài chính. 

Nhược điểm của làm đẹp báo cáo tài chính là nó thường đi kèm với hàm ý hơi tiêu cực. Điều này là đôi khi nó liên quan đến các hành vi gian lận hoặc thậm chí là bất hợp pháp liên quan đến các con số, biểu đồ, mốc thời gian, đơn đặt hàng… để làm cho bức tranh tài chính của một doanh nghiệp trông hấp dẫn nhất đối với người ngoài. 

Worldcom là một trong những ví dụ tai tiếng nhất của việc làm đẹp báo cáo tài chính, được thực hiện bằng cách thổi phồng doanh thu thông qua việc vốn hóa chi phí không hợp lý. Kết quả là WorldCom tuyên bố phá sản vào tháng 7 năm 2002. Giám đốc kế toán và điều hành tài chính bị buộc tội gian lận chứng khoán.

Ví dụ về làm đẹp báo cáo tài chính

Để hiểu hơn về window dressing là gì, hãy cùng xem ví dụ sau đây nhé. 

Doanh nghiệp X đang trong quá trình lập báo cáo tài chính cho cuối kỳ báo cáo. Họ đang tìm cách làm cho công ty xuất hiện càng hấp dẫn càng tốt để thu hút các cổ đông và nhà đầu tư mới. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp X đã làm đẹp báo cáo tài chính.

Bằng cách bán một số tài sản trước khi kết thúc kỳ kế toán, doanh nghiệp đã có được một lượng tiền mặt đáng kể để làm cho công ty của họ trông có tính thanh khoản cao hơn – có thể dễ dàng thanh toán các khoản vay, chia cổ tức hoặc sử dụng dòng tiền để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là cách đối phó tạm thời để cho các nhà đầu tư thấy rằng họ đang hoạt động tốt, sau đó họ sẽ mua lại ngay tài sản đã bán trong kỳ kế toán tiếp theo.

Doanh nghiệp cũng điều chỉnh doanh số bán hàng dự báo của mình cao hơn đáng kể so với thực tế. Mục tiêu cuối cùng là đẩy giá cổ phiếu của họ lên cao hơn và khiến các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm hơn.

Làm đẹp báo cáo tài chính chủ yếu được thực hiện để đẩy giá cổ phiếu và khiến các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến doanh nghiệp. Thông thường, khái niệm này được cho là phi đạo đức vì nó gây hiểu lầm, và chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn. 

Các cách thường dùng để làm đẹp báo cáo tài chính window dressing là gì?

–       Tiền mặt / Ngân hàng: Trì hoãn thanh toán cho nhà cung cấp để số dư tiền mặt / ngân hàng sẽ cao vào cuối kỳ báo cáo.

–       Bán bớt tài sản cũ để số dư tiền mặt được cải thiện và thể hiện vị thế thanh khoản tốt hơn. Đồng thời, số dư tài sản cố định sẽ không chênh lệch nhiều do đây là tài sản cũ có khấu hao lũy kế nhiều hơn.

–       Hàng tồn kho: Thay đổi cách định giá hàng tồn kho để tăng hoặc giảm lợi nhuận.

–       Doanh thu: Các công ty bán sản phẩm với giá chiết khấu hoặc đưa ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt để thúc đẩy doanh số bán hàng vào cuối năm nhằm cho thấy tình hình tài chính của công ty có vẻ tốt hơn.

–       Khấu hao: Thay đổi phương pháp khấu hao từ khấu hao nhanh sang phương pháp khấu hao đường thẳng nhằm cải thiện lợi nhuận.

–       Vay ngắn hạn: Vay ngắn hạn để duy trì vị thế thanh khoản của doanh nghiệp.

–       Bán và cho thuê lại: Bán tài sản trước khi kết thúc năm tài chính và sử dụng tiền để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh và duy trì vị thế thanh khoản;

Trên đây là một vài ý tưởng để làm đẹp báo cáo tài chính trong kế toán. Còn có nhiều cách khác để làm đẹp báo cáo tài chính theo nhu cầu của ban quản lý.

Làm thế nào để xác định một báo cáo tài chính đã được làm đẹp trong kế toán?

Làm đẹp báo cáo tài chính trong kế toán có thể được phát hiện bằng cách phân tích và so sánh các báo cáo tài chính hợp lệ. Ngoài ra, các thông số tài chính và các yếu tố khác cần được xem xét một cách thích hợp để hiểu được tình trạng của doanh nghiệp.

Để xác định có hay không việc làm đẹp báo cáo tài chính, chúng ta có thể dựa vào các yếu tố sau:

–       Báo cáo tài chính có một lượng lớn tiền mặt từ các khoản vay ngắn hạn hoặc dòng tiền từ các hoạt động phi kinh doanh. Lúc này bạn cần xem xét báo cáo lưu chuyển tiển tệ để kiểm tra hoạt động nào đã dẫn đến dòng tiền vào.

–       Báo cáo tài chính có sự tăng hoặc giảm bất thường ở bất kỳ số dư tài khoản nào.

–       Có sự thay đổi chính sách kế toán trong năm như thay đổi về định giá hàng tồn kho, phương pháp khấu hao…

–       Doanh thu được cải thiện do các chương trình chiết khấu lớn và tiền hàng phải trả từ người mua.

Để trả lời câu hỏi làm đẹp báo cáo tài chính window dressing là gì, bạn có thể trả lời ngắn gọn đây là một phương án tạm thời để làm cho tình hình tài chính trông hấp dẫn hơn so với thực tế. Window dressing được xem là hành động không thể chấp nhận vì nó liên quan đến sự lừa dối và được thực hiện chỉ vì lợi ích của ban quản lý.

Trâm Nguyễn

 

Sao chép thành công