Mục Lục
Đã qua rồi cái thời có bằng Đại học là có cả thế giới. Những công việc ngày xưa chỉ cần bằng Đại học là đủ thì ngày nay phải có chứng chỉ này, kỹ năng nọ, cộng thêm vài năm kinh nghiệm mới tính là đủ điều kiện. Dù bằng cử nhân hay bằng thạc sỹ, đó chỉ là một tấm vé thông hành để bạn bắt đầu hành trình tìm việc, tuyệt không có quyền năng đặc biệt giúp bạn chinh phục những đỉnh cao, giúp bạn thành công trong sự nghiệp.
Tại sao bằng cấp chưa đủ để giúp bạn thành công trong sự nghiệp?
Bằng đại học không đảm bảo bạn sẽ có việc làm sau khi ra trường
Từ rất lâu trước đây, việc sở hữu một tấm bằng Đại học sẽ mở ra cho bạn khá nhiều cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở thời nay chân lý đó đã không còn đúng nữa. Bằng Đại học không thể đảm bảo bạn sẽ tìm được một công việc sau khi ra trường, đặc biệt là một công việc đúng chuyên ngành mà bạn theo học. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân chính.
Đầu tiên, phần lớn các chương trình đại học đều tập trung vào lý thuyết nhiều hơn thực hành. Bạn có thể tích lũy nhiều kiến thức liên quan đến chuyên ngành của mình nhưng khi đặt vào môi trường làm việc thực tế, bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi cố gắng áp dụng những gì đã được học trên giảng đường. Sốc, ngỡ ngàng, ngạc nhiên hay “xịt keo cứng ngắc” là cảm giác bạn sẽ được nếm trải.
Hơn nữa, trong quy trình tuyển dụng hiện nay, các công ty thường đánh giá ứng viên dựa trên rất nhiều phương diện khác nhau. Khi lướt qua một bản CV tiêu chuẩn bạn sẽ thấy 4 năm mài mòn ghế nhà trường chỉ được gói gọn trong một vài dòng, bao gồm tên trường, ngành học và điểm tốt nghiệp (nếu có). Trong khi đó, yếu tố chiếm diện tích lớn nhất trên CV chính là kinh nghiệm, thành tích và kỹ năng. Lúc này, bằng Đại học chỉ có vai trò như một tấm vé thông hành, là thứ để nhà tuyển dụng quyết định đọc tiếp hay bỏ qua CV của bạn (với những công ty không yêu cầu bằng cấp, nó thậm chí còn không thể hiện được vai trò này). Tấm bằng có thể đưa bạn vượt qua vòng đầu tuyển dụng nhưng không thể đảm bảo bạn sẽ đạt được một công việc hay xa hơn là giữ được công việc mà mình đang có.
Thử nghĩ mà xem, nếu chỉ cần tấm bằng là đủ, tại sao nhà tuyển dụng còn phải tổ chức phỏng vấn để làm gì?
Chung quy lại, bằng cấp chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh sự nghiệp của bạn mà thôi. Điều quan trọng hơn cả là bạn phải thể hiện được kinh nghiệm, thành tích và những kỹ năng khiến bạn trở nên đặc biệt giữa một “rừng” ứng viên xung quanh.
“Bằng cấp có ích và giúp đẩy nhanh thành công của bạn, nhưng bạn cần khiến thành công trong sự nghiệp xảy ra bằng tính cách, sự chủ động và sự quyết tâm của mình.”
Có bằng cấp nhưng thiếu định hướng rõ ràng cho tương lai
Việc lựa chọn ngành học thường đòi hỏi sự định hướng rõ ràng về tương lai của bản thân. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ngày nay đang đối mặt với thực trạng mập mờ, mông lung từ bước chọn trường, chọn ngành. Không biết bản thân cần gì, muốn làm công việc gì hay muốn trở thành một người như thế nào thì học cho xong để “có tấm bằng với người ta” trở thành mục tiêu duy nhất của bạn và hoàn toàn ngó lơ cơ hội rèn luyện, phát triển những kỹ năng quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp tương lai.
Như đã chia sẻ, bằng cấp chỉ là một tấm vé thông hành, mở cánh cửa đầu tiên trên con đường sự nghiệp của bạn. Nó chứng minh bạn đã hoàn thành chương trình đào tạo, mang lại cho bạn uy tín và sự công nhận, giúp bạn tiếp cận được nhiều người có tầm ảnh hưởng hơn. Nhưng nó không nói lên rằng bạn đã sẵn sàng làm việc, cũng không đánh giá được năng lực cũng như khả năng thích ứng với công việc của bạn. Dù bạn có kiến thức nhưng nếu không có kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và khả năng ứng dụng chúng, quá trình hoàn thành công việc của bạn sẽ vô cùng gian nan, chứ đừng nói gì đến việc thành công trong sự nghiệp.
Trong khi đó, kinh nghiệm thực tế giúp bạn xây dựng nền tảng chuyên môn vững chắc và phần nào minh chứng cho thực lực của bạn.
Kỹ năng quản lý thời gian giúp bạn luôn hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn.
Khả năng giao tiếp tốt thể hiện sự tự tin, khả năng làm việc nhóm và kết nối với các đối tác…
Có thể bạn đã thấy những người có vô số bằng cấp và chứng chỉ sống một cuộc sống vô cùng bình thường, và cũng đã thấy nhiều người có trình độ học vấn thấp giữ những chức vụ và nhận được mức lương mà những sinh viên tốt nghiệp đại học mơ ước. Không phải nhiều đâu mà rất nhiều là đằng khác. Điều này không đồng nghĩa với việc bằng cấp là không cần thiết mà ngược lại bằng cấp có ích và chúng có thể đẩy nhanh thành công của bạn. Nhưng cái chính là bạn cần khiến thành công xảy ra. Bằng cách nào?
Đừng chỉ xem việc học là một nhiệm vụ mà hãy xem đó là cơ hội để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp trong tương lai. Hãy tự đặt ra câu hỏi: “Mình muốn trở thành người như thế nào sau khi tốt nghiệp?” sau đó tập trung phát triển các kỹ năng cần thiết thông qua quá trình thực tập, vừa học vừa làm và tranh thủ học thêm các chứng chỉ liên quan để tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm sống.
Mình xin kết bài viết bằng câu chuyện về cơ trưởng Sully. Ông đã đối mặt với tình huống chưa từng có ngay sau khi cất cánh: máy bay động cơ bị hỏng do va chạm với đàn chim khi bay ở tầm thấp và không đủ lực đẩy để quay trở lại sân bay. Ông bình tĩnh nghĩ đủ mọi cách để bảo vệ các hành khách đang bị hoảng loạn. Sau khi nhận ra rằng không còn lựa chọn nào khác, ông đã hạ cánh máy bay xuống một con sông gần đó và cứu sống tất cả 155 người trên máy bay.
Chưa có phi công nào từng được huấn luyện cho tình huống có thể phải hạ cánh xuống sông như vậy. Không có chứng nhận nào có thể dạy các kiến thức để phản ứng với tình huống bất ngờ với một cái đầu lạnh mà chỉ có được thông qua sự linh hoạt áp dụng những gì đã học từ lý thuyết, kinh nghiệm và bản lĩnh.
Thế đấy, bằng cấp chứng tỏ một người đã học được kỹ năng nào đó, còn kinh nghiệm cho thấy họ đã học được cách áp dụng kỹ năng đó vào những tình huống chưa từng có. Bằng cấp có thể là tấm vé thông hành nhưng kỹ năng và khả năng của bản thân là yếu tố quyết định hành trình của bạn sẽ đi đến đâu và rực rỡ như thế nào, thành công trong sự nghiệp ra sao.
Trang Đoàn