Mục Lục
Bạn đã hao tâm tổn trí để tạo sức hút cho CV và thư ứng tuyển của mình, đánh tiếng cho người quen biết rằng bạn đang tìm việc mới, nghiên cứu tìm hiểu và nộp hồ sơ mỗi ngày với hi vọng có được một công việc tuyệt vời. Sau bao ngày chờ đợi thì cơ hội cũng đã đến: bạn nhận được lời mời phỏng vấn. Nhưng giờ đây bạn cảm thấy không còn hào hứng nữa. Đó có thể là một công việc khá ổn nhưng không phải là điều bạn mong muốn.
Tâm trí bạn rối bời với thắc mắc: “Có nên đi phỏng vấn công việc mình không thích?”.
“Giống như nhiều vấn đề khác, có những ưu và nhược điểm cần cân nhắc khi tham gia các cuộc phỏng vấn công việc mà bạn không muốn”.
Lí do bạn không nên đi phỏng vấn công việc mình không muốn
“Phỏng vấn công việc mà bạn không muốn là lãng phí thời gian quý báu của bạn và của nhà tuyển dụng. Bạn có thể dùng thời gian đó để làm nhiều việc khác như liên hệ với những người có thể giúp bạn có được công việc mới hoặc ứng tuyển vào các vị trí bạn muốn. Nếu bạn đang có việc làm toàn thời gian và phải xin nghỉ để phỏng vấn thì càng không nên. Ngoài ra, nếu đến phỏng vấn cho công việc không mấy hứng thú đồng nghĩa với việc bạn vô tình cản trở nhà tuyển dụng nói chuyện với các ứng viên thực sự quan tâm đến vị trí đó. Nếu bạn đã tìm hiểu kỹ về công việc, dạo khắp các trang đánh giá, mạng xã hội liên quan đến công ty và biết chắc chắn rằng mình không phù hợp thì đừng lãng phí thời gian vô ích” – Nguyễn Chí Hiếu, Nhân viên Sales.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn Lý Ngọc Quyên, Nhân viên Digital Marketing bổ sung: “Nếu bạn đến phỏng vấn cho công việc mà bạn không muốn, bạn sẽ không màng đến kết quả. Thái độ của bạn sẽ hờ hững, bất cần và ngôn ngữ cơ thể của bạn là bằng chứng “thép” tố cáo điều đó. Mắt bạn đảo như lạc rang, không chú ý lắng nghe, hạn chế giao tiếp bằng mắt, trả lời câu hỏi một cách qua loa… Điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và độ tin cậy của bạn, khiến bạn gặp khó khăn khi phỏng vấn cho một vị trí khác phù hợp hơn ở công ty này”.
Ngọc Quyên cũng lưu ý rằng, trong một số ngành hoặc công việc đặc thù, tin truyền miệng lan nhanh hơn lửa gặp gió. Một lần bạn bị gắn mác có thái độ chưa chuyên nghiệp thì còn ai dám giới thiệu công việc cho bạn. Vì “cái vết đen” đó nhà tuyển dụng cũng sẽ ngại gọi bạn đến phỏng vấn hơn và bạn sẽ khó có được vị trí mà bạn thực sự mong muốn.
Lí do bạn nên đi phỏng vấn công việc mình không thích
Trái ngược với ý kiến cho rằng cách sử dụng thời gian tốt nhất là từ chối lịch sự và chờ đợi điều gì đó tốt hơn, bạn Phạm Quang Tuấn, Content Creator đưa ra lý do nên đi phỏng vấn dù đó là công việc bạn không thực sự yêu thích. Anh chia sẻ: “Nếu bạn là sinh viên mới ra trường hoặc đã vài năm không đi làm thì mỗi cuộc phỏng vấn công việc là cơ hội để bạn luyện tập cho các buổi gặp gỡ tiếp theo”.
Theo Quang Tuấn thì phỏng vấn cũng giống như bất kỳ nghệ thuật nào. Càng làm nhiều lần, bạn càng có nhiều kinh nghiệm. Khi bạn đã quen với việc mặc những bộ quần áo công sở, đi đến các không gian mới mẻ, ngồi trước mặt những người xa lạ khi họ hỏi về chuyên môn, trải nghiệm của bạn thì bạn đã học được cách thư giãn, sẵn sàng trả lời các câu hỏi với sự tự tin cao hơn. Bạn sẽ bắt đầu hiểu được những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra trong lĩnh vực của bạn và có thể áp dụng những gì đã học được vào các cuộc phỏng vấn mà bạn thực sự mong muốn.
Cùng quan điểm với Quang Tuấn, Thái Minh Ngọc, Kế toán viên tâm sự: “Bạn biết đấy, đừng đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó và điều tương tự cũng xảy ra trong một cuộc phỏng vấn. Nếu sẵn sàng dành thời gian tham dự, bạn có thể thấy rằng công việc đang được đề cập hấp dẫn hơn những gì bạn thấy trên tin tuyển dụng. Không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền tải hết tất tần tật mọi thứ về vai trò trong mô tả công việc nên chỉ khi trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng bạn mới hiểu tường tận và sâu hơn. Ví dụ, bạn có thể nghĩ công việc phân tích dữ liệu khá nhàm chán, chỉ quay đi quẩn lại với các con số khô khan, nhưng khi phỏng vấn mới thấy hóa ra vị trí này lại khá sáng tạo, khiến nó trở thành vị trí mà bạn có thể cân nhắc chấp nhận”.
Tiếp lời Minh Ngọc, Đinh Thị Tuyết Hương nói: “Bạn không bao giờ biết khi nào mình có thể tìm thấy một viên ngọc ẩn giấu trong đống đổ nát. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng công việc đó không thú vị, hãy cho mình cơ hội đi phỏng vấn. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng văn hóa công ty hoặc bản thân công việc hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cá nhân của bạn. Nếu bỏ qua nó, bạn có thể bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời. Hãy đến gặp gỡ trực tiếp, tìm hiểu về văn hóa công ty và gặp gỡ những người mà bạn sẽ làm việc cùng. Trên giấy tờ, thật khó để biết được công việc hàng ngày sẽ như thế nào đâu”.
Giữ vững tinh thần lạc quan, Kiều Nhã Hân bộc bạch: “Mình nghĩ đi phỏng vấn thì không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang. Biết đâu nhà tuyển dụng có một vị trí khác mà họ cho rằng bạn là người phù hợp nhất và cần người ngay lập tức. Làm sao bạn biết đến cơ hội này nếu không đến phỏng vấn cho công việc ban đầu?”.
Ngoài ra, cô còn cho biết, đi phỏng vấn còn là cơ hội để gặp gỡ những người mới như nhà tuyển dụng hoặc các chuyên gia trong ngành. Nếu bạn để lại cho họ ấn tượng tốt đẹp và giữ liên lạc với họ thì rất có thể họ là “quý nhân phù trợ” cho bạn trong quá trình tìm việc hoặc phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Bạn sẽ đi hay không đi phỏng vấn công việc mà bạn không thích? Hãy chia sẻ ý kiến cùng CareerLink nhé.
Vân Phạm