Làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ: đâu là chân lý?

Bạn đang làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ? Đâu là lựa chọn tốt nhất? Hãy lắng nghe câu chuyện sau để rút kinh nghiệm cho chính mình nhé.

“Em có năng lực nhưng đừng chỉ làm việc như một chú ong thợ chăm chỉ. Một chút sáng tạo sẽ giúp em đi xa hơn đấy” – lời nhắc nhở của người sếp đầu tiên ngày Hoàng Nam mới chập chững đi làm, cho đến nay anh vẫn luôn tâm đắc. Đó là phương châm làm việc mà anh áp dụng suốt 15 năm qua, giúp anh bứt phá để trở thành một CEO trẻ tuổi thành công trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị điện tử.

Chăm chỉ điên cuồng đồng nghĩa với thành công?

Ngày đó anh là một nhân viên trẻ non nớt mới vào nghề, nhiệt tình và chăm chỉ, thường đi sớm về muộn nhất công ty. Với suy nghĩ rằng chăm chỉ là “mẹ của may mắn”, anh không ngần ngại ăn ngủ cùng công việc. “Dường như thời gian đó đầu óc mình chỉ có công việc. Đem việc về nhà, làm việc kể cả cuối tuần, thậm chí nằm mơ cũng còn thấy làm việc. Thời gian đầu mọi việc khá trôi chảy, nhưng càng về sau mình càng thấy căng thẳng hơn. Nếu như trước đây mình có thể nghĩ ra các ý tưởng hay ho, thì giờ đây đầu óc cứ “đơ đơ” không nghĩ việc gì cho ra hồn”, anh Nam nhớ lại.

Thế nên, dù làm việc cật lực 10 tiếng, thậm chí 12 tiếng hàng ngày, anh vẫn chưa được đánh giá cao so với các nhân viên khác trong nhóm, chưa kể còn bị thêm chứng đau bao tử hành hạ.

“Cũng may cho mình là gặp được người sếp quá tốt. Chính anh đã chỉ cho mình điều quan trọng mà mình đang thiếu, đó là kỹ năng làm việc thông minh. Mình vẫn nhớ mãi lời anh nói: Một ngày em cũng có 24 tiếng như người ta, nếu không sử dụng hiệu quả thời gian đó, thì em thua họ rồi. Muốn trở thành người giỏi nhất thì chăm chỉ không là chưa đủ, mà còn phải biết làm việc thông minh nữa em à”. Những lời này đã khiến anh tỉnh ngộ.

Làm việc thông minh không dành cho người lười biếng

“Nhiều người cho rằng làm việc thông minh là cách làm của những kẻ lười biếng nhưng mình không nghĩ vậy.  

Làm việc thông minh có nghĩa là biết những gì cần hoàn thành, tính toán các bước thực hiện, sử dụng thời gian tốt hơn cũng như biết dùng các công cụ hỗ trợ để đạt hiệu quả tốt trong thời gian ngắn nhất với ít nỗ lực nhất, chứ không phải làm cho nhanh bất chấp kết quả ra sao.

Hãy lấy câu chuyện này để dễ hiểu nhé. Hai người tiều phu A và B cùng thi xem ai sẽ đốn được nhiều gỗ hơn trong ngày. Ban đầu họ làm việc cùng tốc độ. Nhưng một giờ sau, B nghe nói rằng A đã ngừng đốn cây. Nhận thấy đây là cơ hội của mình, tiều phu B bắt đầu đốn cây với nỗ lực gấp đôi. Mười phút trôi qua, anh ta nghe nói rằng tiều phu A bắt đầu làm việc trở lại. Họ làm việc gần như cùng tốc độ cho đến khi tiều phu A dừng lại một lần nữa. Người tiều phu B tiếp tục làm việc và cảm nhận được mùi chiến thắng.

Điều này kéo dài suốt cả ngày. Cứ sau mỗi giờ thì A dừng lại trong 10 phút và B vẫn tiếp tục. Khi thời gian kết thúc, tiều phu B – người làm việc không ngừng nghỉ – tin chắc rằng mình đã giành được chiến thắng, nhưng đó chỉ là sự nhầm lẫn.

– Chuyện gì xảy ra vậy? – Anh ta hỏi tiều phu A – Mỗi giờ tôi nghe nói rằng anh đã dừng công việc trong 10 phút. Làm sao anh có thể chặt nhiều cây hơn tôi? Điều đó là không thể!

– Chuyện rất đơn giản – Người tiều phu A đáp. Mỗi giờ tôi dừng lại 10 phút. Và khi anh đang chặt cây thì tôi mài rìu.

Rõ ràng, tiều phu A hoàn toàn không phải là người lười biếng, ngồi chờ phép màu xảy ra. Anh ta vẫn làm việc và không chỉ làm bằng sức lực mà còn bằng cả trí tuệ nữa. Đó là cách làm việc thông minh mà chúng ta đang nói đến”, anh Nam giải thích.

“Bạn đang làm việc thông minh hay chăm chỉ? Bạn là người tiều phu A hay tiều phu B trong câu chuyện trên?”

Hãy làm việc thông minh, nhưng đừng quên chăm chỉ

“Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đánh giá thấp sự chăm chỉ như điều mà mọi người thường hay nói: Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh”, anh Nam chia sẻ “Mình nghĩ điều này đúng nhưng chưa đủ. Với những gì đã trải qua, mình tin rằng làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ đều cần thiết để mang lại hiệu quả tích cực.

Trong khi làm việc chăm chỉ có nghĩa làm nhiều việc, là kiên trì, không ngại khó khăn, luôn gắng sức vươn lên, không than khó kể khổ thì làm việc thông minh tập trung vào các yếu tố chi tiết hơn như vạch ra các việc cần làm, việc nào cần làm trước, việc nào nên làm sau cũng như những trở ngại có thể gặp phải.

Làm việc thông minh là quan trọng nhưng chăm chỉ cũng có cái giá của nó. Làm việc thông minh sẽ giúp sự chăm chỉ được đền đáp xứng đáng, trái lại phải làm việc chăm chỉ mới có thể khám phá ra điều điều mới để làm việc thông minh hơn.

Nếu bạn đang thắc mắc: Nên làm việc thông minh hay làm việc chăm chỉ? thì câu trả lời sẽ là:

Đây là hai mặt của vấn đề, không thể tách rời mà chỉ nên kết hợp nếu muốn hoàn thành công việc với chất lượng tối ưu. Vì vậy, cân bằng giữa 2 yếu tố là điều vô cùng cần thiết”, anh Nam kết luận.

Kiều Giang

Sao chép thành công