Phán xét là gì? Làm gì để ngừng phán xét người khác?

Trong những cuộc trò chuyện hay những tình huống quan trọng, không tránh khỏi được việc bạn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và ý kiến của mình, hay nói cách khác là phán xét về mọi thứ xung quanh. Hành động này dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước nên cần được hạn chế tối đa. Vậy cách để ngừng phán xét là gì? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé.

Phán xét là gì?

“Phán xét là hành động bày tỏ ý kiến hoặc suy nghĩ, đánh giá về một người, sự vật, tình huống hoặc một vấn đề cụ thể dựa trên quan sát, trải nghiệm hoặc những suy luận mang tính cá nhân”.

Quá trình phán xét có thể thông qua lời nói, viết lách hoặc cử chỉ không lời. 

Lấy ví dụ sau để hiểu rõ hơn về phán xét: Khi hấy một cô gái trẻ tuổi đeo một chiếc túi xách sang chảnh và mặc những món đồ đắt tiền, bạn bắt đầu suy nghĩ: “Cô ấy chắc chắn là người giàu có, sinh ra đã “ngậm thìa vàng””.

Lúc này, bạn đưa ra nhận định về cô gái chỉ dựa trên những quan sát bên ngoài như quần áo, túi xách và những món đồ đắt tiền cô ấy đang sử dụng. Phán xét của bạn cho rằng cô ấy sinh ra đã là người giàu có. Tuy nhiên, những phán xét này chỉ dựa trên những thông tin hạn chế. Bạn hoàn toàn không biết về sự nỗ lực lao động, giá trị cá nhân của cô gái đó. Do đó, phán xét có thể không chính xác hoặc không công bằng. 

Tại sao chúng ta luôn phán xét người khác?

Về bản chất, phán xét là một phía cạnh tự nhiên của tư duy nhưng đằng sau đó lại ẩn chứa một loạt yếu tố tâm lý, xã hội, văn hoá khiến người ta dễ dàng rơi vào việc đánh giá người khác. 

Xuất phát từ thói quen lười suy nghĩ

Thông tin hiện nay ngày càng bão hòa khiến việc suy nghĩ sâu sắc và phân tích trở nên mất nhiều năng lượng. Lúc này, phán xét trở thành một lối thoát dễ dàng. Đây là cách rút ngắn cách giải quyết vấn đề hoặc đối mặt với thông tin phức tạp mà chúng ta không muốn dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ kỹ. 

Ảnh hưởng từ xã hội và văn hóa

Môi trường xã hội và văn hoá có vai trò quan trọng trong cách chúng ta nhận thức và đánh giá người khác. Qua việc tiếp xúc với các tiêu chuẩn, giá trị và mẫu mực xã hội, chúng ta hình thành nên các tiêu chuẩn để đánh giá và so sánh mọi người. 

Sự thiếu hụt thông tin

Khi không có đủ thông tin hoặc kiến thức về một người hoặc một sự vật, hiện tượng, chúng ta thường bị lạc hướng và dựa vào những thông tin ít ỏi để đưa ra phán đoán. Sự kỳ vọng và đánh giá trên việc thiếu thông tin có thể khiến bạn đánh giá sai về một người. 

Giới hạn về định kiến và niềm tin

Định kiến và niềm tin cá nhân sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận người khác. Khi hình thành quan điểm và đưa ra đánh giá, chúng ta thường áp đặt góc nhìn cá nhân của mình cho mọi tình huống và mọi người xung quanh.

Không dám vượt qua vùng an toàn

Phán xét người khác cũng có thể bắt nguồn từ việc bạn thấy thoải mái trong vùng an toàn của tâm lý. Bạn không muốn suy nghĩ khác với những gì đã hình thành trong đầu hoặc thế giới quan của mình. Xu hướng nhìn nhận này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thói quen phán xét. 

Bản năng quan sát và so sánh

Con người chúng ta có bản năng hay so sánh bản thân mình với người khác về mọi mặt. Khi đánh giá người khác, đơn giản là chúng ta đang so sánh giữa mình và họ. Chúng ta sẽ cân đo đong đếm và xác định vị trí của mình và bắt đầu phán xét người khác. 

Hậu quả của việc trở thành người luôn phán xét 

Việc trở thành một người phán xét có thể mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả cuộc sống cá nhân đến các mối quan hệ xã hội. Hãy cùng tìm hiểu xem ảnh hưởng tiêu cực của phán xét là gì.

Tư duy ngày càng tiêu cực, tâm lý căng thẳng

Khi bạn tự đặt mình vào vị thế đi phán xét và tập trung và những điều tiêu cực, bạn có thể dễ dàng bỏ qua những khía cạnh tích cực. Việc tập trung vào phán xét cũng tạo ra sự căng thẳng về mặt tinh thần khiến cho tâm trạng trở nên mệt mỏi và nặng nề. 

Hạn chế sự phát triển cá nhân

Nếu bạn tập trung vào việc phán xét, suy nghĩ của bạn có thể sẽ bị “đóng khung”, bỏ lỡ nhiều cơ hội để học hỏi, phát triển và khám phá thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, tư duy phán xét còn khiến bạn đánh mất nhiều trải nghiệm quý báu, thiếu góc nhìn đa diện. 

Mất niềm tin và quan hệ xã hội kém

Những người có tư duy phán xét thường tự tạo ra một hàng rào bảo vệ bản thân, khiến mọi mối quan hệ với người khác đều trở nên khó khăn hơn. Việc luôn tỏ ra khó chịu hoặc chán nản cũng làm cho người khác khó tiếp cận và gây mất niềm tin trong mối quan hệ. 

Thiếu khả năng đồng cảm

Người hay phán xét rất hiếm khi đặt mình vào vị trí của người khác và thiếu sự đồng cảm. Điều này sẽ khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng, thậm chí gãy gánh giữa đường.

Làm thế nào để ngưng phán xét người khác?

Hiểu được hậu quả của việc vội vàng phán xét là gì, có thể bạn đang tìm cách dừng ngay hành động này. Tuy nhiên, ngưng phán xét người khác là một quá trình dài hơi. Để bỏ được thói quen này, bạn cần:

Nhận thức những gì mình đang phán xét

Bạn cần nhận thức rõ được các suy nghĩ và phán đoán mà bạn thường bộc lộ. Trong quá trình giao tiếp, bạn có thể thỉnh thoảng dừng lại và đặt ra những câu hỏi như “Tôi đang nghĩ gì về người này?” hoặc “Tôi có đang phán xét họ một cách vội vàng không?”. 

Đặt mình vào vị trí người khác

Thêm một cách hiệu quả nữa để ngừng phán xét đó là cố gắng thấu hiểu góc nhìn và cảm xúc của đối phương. Bạn nên đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, trạng thái tinh thần cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt. 

Tôn trọng sự khác biệt

Mỗi một người đều có lối sống giản dị, quan điểm riêng. Vì thế, bạn cần tôn trọng sự khác biệt của mọi người bởi đây là cách giúp bạn có thể loại bỏ tư duy phán xét người khác. 

Lắng nghe và thấu hiểu

Khi có người chia sẻ ý kiến hoặc bày tỏ cảm xúc, bạn hãy dành thời gian và lắng nghe họ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cố gắng hiểu rõ hơn về những góc nhìn của mọi người xung quanh và điều gì thúc đẩy họ hành động như vậy. 

Tìm hiểu và mở rộng kiến thức

Thay vì phán xét, bạn dành thời gian, nỗ lực tìm hiểu con người, văn hóa, giá trị và quan điểm khác nhau. Ham học hỏi, tăng cường kiến thức về mọi khía cạnh trong cuộc sống giúp bạn nâng tầm hiểu biết và không đánh giá dựa trên những thông tin một chiều. 

Thực hành sự kiên nhẫn và tự nhìn nhận

Không có sự thay đổi nào có thể nhanh chóng thành công. Vì vậy, bạn hãy luôn kiên nhẫn với chính mình và nhìn nhận mọi sai lầm giống như cơ hội học hỏi và phát triển. 

Mong rằng với thông tin xoay quanh thắc mắc phán xét là gì và cách để ngừng phán xét người khác, hy vọng bạn có thể cải thiện được những phẩm chất tiêu cực để ngày càng hoàn thiện bản thân mình. 

Hồng An

Sao chép thành công