Áp lực công việc và cách để vượt qua

Hiện nay, hầu hết nhân viên đều cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng vì áp lực công việc quá lớn.  Họ cảm thấy công việc lúc nào cũng ngập đầu, không thể làm hết việc trong ngày, tất cả nhiệt huyết và năng lượng dành cho công việc dường như biến mất. Điều này là một trong những nỗi “ám ảnh” đáng sợ đối với hầu hết nhân viên, trong đó có cả bạn. Vậy làm thế nào để vượt qua áp lực công việc? Hãy cùng tham khảo những cách vượt qua áp lực công việc sau đây nhé.

Áp lực công việc là gì?

Áp lực công việc tiếng Anh là stress at work là áp lực mà bạn gặp phải trong công việc. Áp lực gây ra do bạn phải hoàn thành đúng một số lượng công việc nhất định với hiệu quả cao nhất trong thời gian cụ thể.

Cuộc sống hiện đại khiến con người phải cạnh tranh để “giành giật” cơ hội thăng tiến trong công việc. Cạnh tranh càng khốc liệt thì áp lực công việc càng lớn.

Biểu hiện khi gặp áp lực công việc

Áp lực công việc đôi khi có thể không bị phát hiện, bởi vì bạn rất bận rộn trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà không có thời gian để dừng lại và nhận thấy tác động của áp lực công việc. Ngay lúc này hãy theo dõi mức độ áp lực của bạn. Nếu bạn có nhiều dấu hiệu sau đây, hãy cân nhắc thực hiện các thay đổi để bạn có thể tránh bị kiệt sức.

Xuất hiện những cơn đau vô cớ

Làm việc trên một chiếc ghế hoặc bàn làm việc không thoải mái, không phù hợp với chiều cao có thể khiến cơ thể bạn bị đau nhức. Nhưng nếu bạn phải chịu đựng các cơn đau không liên quan đến tư thế làm việc thì có thể là bạn đang chịu nhiều áp lực công việc. Các nhà khoa học chia sẻ rằng, áp lực gây ra nhiều triệu chứng thể chất hơn chúng ta tưởng. Các cơn đau không giải thích được có thể là một tín hiệu từ cơ thể cảnh báo về thực tế bạn đang làm việc quá sức.

Thay đổi trong cách ăn uống

Nếu bạn thường bỏ bữa trưa vì bạn không cảm thấy đói, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang chịu áp lực công việc. Khi bạn phải đối phó với áp lực, việc ăn uống trở nên ít quan trọng hơn so với việc xử lý tác nhân gây ra áp lực. Trái lại, một số khác sẽ ăn nhiều hơn khi gặp áp lực. Tùy theo cơ thể từng người mà bạn có thể có cảm giác chán ăn hoặc ăn liên tục không ngừng, nhưng có sự thay đổi trong ăn uống so với thường ngày là dấu hiệu phổ biến của áp lực công việc.

Khó ngủ

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng áp lực công việc có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn và thậm chí gây ra chứng mất ngủ. Ngoài việc cố gắng đi ngủ đúng giờ, bạn nên tắt hoặc tránh sử dụng tất cả các thiết bị kỹ thuật số một giờ trước khi ngủ. Điều này sẽ giúp mức độ melatonin – một hoocmon có tính gây buồn ngủ – tăng lên.

Khó tập trung

Áp lực công việc có thể khiến khó tập trung nếu nó trở nên quá tải, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn.

Ngoài việc nghỉ ngơi thường xuyên trong ngày làm việc và cắt giảm lượng caffeine, hãy đảm bảo bạn dành thời gian để thư giãn. Thư giãn là chìa khóa để giảm áp lực, cụ thể là đọc một cuốn sách, đi dạo hoặc lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ thú vị.

Thường xuyên bị bệnh

Khi cơ thể bạn không chịu được áp lực công việc, hệ thống miễn dịch của bạn có thể bị tổn hại. Khi tất cả các nguồn lực của bạn đều dồn cho công việc thì cơ thể không còn đủ năng lượng để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật. Nếu gần đây bạn luôn bị bệnh trong khi sức khỏe bình thường luôn tốt, hãy đánh giá lại khối lượng công việc và xem xét bạn có đang làm nhiều quá hay không.

Không hoàn thành bất cứ điều gì

Cho dù bạn cố gắng thế nào, có vẻ như bạn không bao giờ có thể hoàn thành bất cứ điều gì. Danh sách việc cần làm dường như vô tận, các yêu cầu không ngừng gửi đến và các sự cố gián đoạn liên tục ngăn bạn hoàn thành những gì cần làm hàng ngày. Bạn có thể nghĩ rằng bạn đang đa nhiệm nhưng thực tế không phải vậy. Hãy thừa nhận và chú ý điều chỉnh lịch trình của bạn.

Chần chừ

Thực tế là sự trì hoãn thường là dấu hiệu của sự lo lắng hơn là sự lười biếng. Bạn chỉ đơn giản là không biết chính xác những việc cần làm tiếp theo, vì vậy, trì hoãn dường như là lựa chọn hợp lý nhất. Nếu bạn phát hiện ra rằng bạn có rất nhiều nhiệm vụ trong công việc nhưng dường như không thể bắt đầu bất kỳ nhiệm vụ nào, thì có thể bạn đang chịu nhiều áp lực công việc.

Dễ cáu kỉnh

Cơ thể của chúng ta luôn có cách để “nói” lên rằng chúng ta đang quá căng thẳng. Nếu nhận thấy bản thân thật sự cáu kỉnh, đặc biệt mệt mỏi hoặc luôn cảm thấy tệ hại, đây là điều cần chú ý.

Luôn nghĩ về công việc

Giờ làm việc của bạn chỉ từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng tâm trí bạn luôn nghĩ về công việc 24/7, trong lúc đi làm, trong khi ăn tối, khi bạn đang ngủ thiếp đi, trong giấc mơ của bạn… Công việc cũng là chủ đề duy nhất của cuộc trò chuyện khi nói chuyện với bạn bè và gia đình, và điều duy nhất bạn có thể nghĩ đến khi giả vờ lắng nghe họ.

Không ai nói rằng bạn nên giới hạn suy nghĩ về công việc vào những ngày và thời gian cụ thể. Nhưng để đầu óc bạn cứ mãi nghĩ về công việc, bạn sẽ trở nên mệt mỏi, chán nản và chắc chắn không ai muốn điều đó.

Khi bạn làm việc với tốc độ nhanh như chớp, thật khó để nhận ra những điều diễn ra xung quanh và bên trong chính bạn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây, hãy dừng lại một chút. Đánh giá lại những gì quan trọng nhất và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để thoát khỏi áp lực công việc, cụ thể là những điều sau đây.

Cách hay vượt qua áp lực công việc 

Lập kế hoạch làm việc khoa học

Các chuyên gia việc làm của CareerLink cho rằng: Để vượt qua áp lực công việc, bạn nên lập kế hoạch làm việc thật chi tiết, khoa học cho từng công việc theo thứ tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp…

Cụ thể, lên kế hoạch những việc làm theo từng ngày sẽ giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả. Đây là cách hiệu quả nhất trong việc quản lí thời gian vì nó giúp bạn biết chắc chắn điều bạn đang làm và có thể giúp bạn tập trung vào công việc. Đồng thời, bạn nên đưa ra một danh sách công việc cần phải làm cho mỗi ngày và khoảng thời gian bạn hoàn thành một công việc. Tùy theo mức độ quan trọng và gấp rút về mặt thời gian để biết công việc nào ưu tiên hàng đầu. Bạn cũng nên để ra một chút thời gian trống trong lịch trình của bạn vì có thể sẽ có những việc bất ngờ xảy ra. 

Thư giãn để lấy lại hứng thú

Tâm lý căng thẳng thường khiến con người không thể hoàn thành tốt được công việc. Vì thế, mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng trong công việc, bạn nên gạt bỏ công việc qua một bên và quan tâm tới các sở thích của mình.

Chẳng hạn như đi siêu thị, mua sắm, xem chương trình ca nhạc hay thư giãn tinh thần bằng cách tham gia vào các hoạt động tập thể, các lớp tập thể dục, luyện tập thẩm mỹ, yoga sau giờ làm; trò truyện tâm sự với bạn bè, người thân; đi du lịch… Hoặc thư giãn ngay khi làm việc như vừa nghe nhạc vừa làm việc, nói chuyện với đồng nghiệp; hoạt động thường xuyên tránh ngồi nhiều giờ liên tục. Khi cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn, có thể làm việc hiệu quả thì quay trở lại làm việc. 

Học cách từ chối thẳng thắn

Nhiều người tự tạo áp lực cho bản thân khi cùng lúc ôm đồm quá nhiều việc. Để giảm áp lực công việc, chúng ta nên học cách từ chối thẳng thắn khi sếp giao việc xuống.

Nếu bạn đang còn quá nhiều việc chưa hoàn thành, bạn nên từ chối thẳng thắn với sếp bằng cách trình bày với sếp rằng bạn không phải là người duy nhất có thể đảm nhiệm việc này. Nếu bạn không từ chối, sếp sẽ nghĩ bạn có thể làm tốt được nhiều việc cùng một lúc. Và như thế là bạn đang tự “đào hố chôn mình”. Vì thế, hãy học cách từ chối để giảm áp lực công việc cho chính mình cũng như không làm mất điểm của bạn trong lòng sếp khi nhận việc rồi gánh chịu áp lực công việc.

Chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp  

Áp lực công việc đè nặng đôi khi khiến bạn có ý nghĩ chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Lúc này, cách giảm áp lực công việc hiệu quả là hãy tựa vào đồng nghiệp, gia đình và bạn bè để đứng vững.

Đừng ngại chia sẻ những cảm xúc, khó khăn của mình trong công việc với một người bạn thân hay với người đồng nghiệp am hiểu công việc mà bạn đang làm. Bạn có thể nhờ bạn bè, đồng nghiệp tư vấn, giúp đỡ thêm. Đôi khi, chỉ một gợi ý nhỏ của đồng nghiệp lại giúp bạn giải quyết triệt để được vấn đề mà mình đang gặp phải. Đừng bao giờ xem thường tình cảm, mối quan hệ của mọi người đối với mình, bởi không ai có thể sống và làm việc một mình cả.     

         

Nâng cao kỹ năng giải quyết công việc

Có rất nhiều người gặp phải áp lực công việc vì chưa đủ kỹ năng giải quyết công việc, công việc đó khó hơn so với khả năng của họ. Vì thế họ lo lắng, suy nghĩ và loay hoay tìm cách làm thế nào để hoàn thành được nó. Khi không hoàn thành được công việc đó, họ cảm thấy bị áp lực và căng thẳng, mất tự tin khi đối diện với đồng nghiệp với sếp. Vì thế, việc nâng cao kỹ năng giải quyết công việc cũng là một cách giúp bạn vượt qua áp lực công việc và cuộc sống, mang lại tinh thần lạc quan, tự tin vào khả năng của mình.

25/4/2014 

Sao chép thành công