Mục Lục
Các thương hiệu lớn có thể có rất nhiều bài học Marketing hữu ích cho doanh nghiệp đang phát triển của bạn.
Thành bại của mỗi doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào việc tiếp thị sản phẩm tốt như thế nào. Nói đến tiếp thị, các thương hiệu lớn có rất nhiều kinh nghiệm. Họ có hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ tìm tòi và sáng tạo. Sau rất nhiều thử thách và sai sót, họ đã nghĩ ra nhiều chiến lược tiếp thị hiệu quả để trở thành những thương hiệu giá trị nhất thế giới.
Mặc dù không có ngân sách tiếp thị khổng lồ như các “ông lớn” này, nhưng có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ các chiến dịch tiếp thị của họ giúp cho việc kinh doanh ngày càng phát đạt hơn.
4 bài học Marketing từ các thương hiệu lớn
McDonald’s: Biết điểm mạnh của bạn là gì
Một chiến lược tiếp thị tốt sẽ tận dụng những lợi thế khác biệt của công ty. Thẳng thắn mà nói thì McDonald’s nhận thức rõ rằng ẩm thực của họ không đặc biệt ngon, xứng đáng được xếp hạng 5 sao hay là lựa chọn lành mạnh nhất. Đây là lý do tại sao chiến lược tiếp thị của họ không bao giờ cạnh tranh về chất lượng thực phẩm. Thay vào đó, họ tập trung tiếp thị vào năng lực cốt lõi của mình: sự quen thuộc, tiện lợi, hợp túi tiền và thú vị.
Nếu McDonalds tập trung tiếp thị vào khía cạnh sức khỏe hoặc chất lượng thực phẩm của họ thì sao? Mặc dù họ có sẵn các món tốt cho sức khỏe trong thực đơn, nhưng họ không tiếp thị thương hiệu như vậy. Đó là một cuộc chiến tiếp thị mà họ đơn giản là sẽ không bao giờ thắng. Họ đã xác định được lợi thế của mình và tập trung nỗ lực tiếp thị vào những tài sản đó thay vì cố gắng trở thành tất cả đối với mọi người.
“Bạn không nên ngại áp dụng các bài học Marketing từ một thương hiệu lớn, nhưng hãy luôn nhớ thêm gia vị một chút và đưa ra điều gì đó độc đáo nói lên thương hiệu của bạn.”
Nike: Bán những câu chuyện cảm động thay vì những sản phẩm tuyệt vời
Nike cũng có thể dạy chúng ta rất nhiều về các bài học Marketing đắt giá.
Tiếp thị là về kể chuyện chứ không phải chỉ bán sản phẩm. Nike là một bậc thầy trong nghệ thuật này, với những nỗ lực tiếp thị bắt nguồn từ việc chia sẻ những câu chuyện về các giá trị cốt lõi của mình. Họ không chỉ nhắm đến mục đích quảng bá sản phẩm mà còn kể những câu chuyện phản ánh giá trị và mục đích của thương hiệu, khơi gợi một cảm xúc cụ thể trong quá trình này.
Quảng cáo “Failure” của Michael Jordan cho Nike là một ví dụ điển hình về tiếp thị kể chuyện sâu sắc, truyền cảm hứng cho người xem thông qua thông điệp sử dụng thất bại làm bước đệm để thành công. Quảng cáo đã nêu bật những khó khăn của Michael Jordan trong suốt sự nghiệp bóng rổ và cách ông sử dụng những thất bại đó để đi đến thành công.
Dù kinh doanh trong bất kỳ ngành nghề nào, bạn cũng luôn có cơ hội khơi dậy trí tưởng tượng của khách hàng và kết nối với họ ở mức độ tình cảm. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có một câu chuyện chạm đến cảm xúc của khách hàng. Câu chuyện về thương hiệu đó có thể bắt đầu bằng vì sao bạn bắt đầu kinh doanh hoặc mục đích nào đã thúc đẩy bạn ra mắt nó.
Ví dụ như mục đích của Nike là truyền cảm hứng và đổi mới cho mọi vận động viên trên thế giới. Sứ mệnh này là nền tảng cho mọi nỗ lực tiếp thị của họ, từ các câu chuyện trên Instagram đến các sự kiện và quảng cáo. Bằng cách kể một câu chuyện nhất quán trên tất cả các kênh, Nike đã hiện thực hóa sứ mệnh của họ và kết nối với khách hàng một cách có ý nghĩa.
Đây là một trong những chiến thuật hiệu quả nhất đã giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu một cách đáng kể và hiện đã trở thành chiến lược tiếp thị đặc trưng của hãng.
Apple – Hãy để khách hàng quảng cáo cho bạn
Bạn có bao giờ để ý thấy Apple hầu như không sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội? Trong thời đại này, khi mà một nửa dân số thế giới tích cực sử dụng mạng xã hội, có vẻ như rất lạ khi một công ty công nghệ cao tránh các phương tiện tiếp thị lợi hại như vậy phải không? Sự thật là Apple không cần nó.
Họ để khách hàng tự truyền bá tin tức. Thử nhập #apple trên Facebook ngay bây giờ, bạn sẽ thấy có hàng tấn quảng cáo Apple do người dùng tự tạo xuất hiện trên dòng thời gian của bạn.
Bài học Marketing ở đây là Apple quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng, từ đó khiến người mua hài lòng. Và khi đã hài lòng thì họ sẽ luôn nói về sản phẩm trên mạng xã hội, nên cuối cùng Apple được xuất hiện thông qua những phương tiện như vậy.
Khách hàng là nguồn chứng thực thương hiệu tốt nhất. Mọi người tin tưởng hơn vào lời chứng thực và có khả năng mua một sản phẩm theo lời giới thiệu của bạn bè. Hãy tận dụng lời chứng thực của khách hàng để nâng cao uy tín thương hiệu của bạn. Bạn có thể cung cấp một sản phẩm miễn phí hoặc tặng quà đính kèm, tăng lượng sản phẩm nhưng giá không đổi… dù chọn phương pháp nào, hãy đảm bảo rằng nó làm hài lòng người mua, đủ để họ giới thiệu sản phẩm của bạn.
Starbucks – Có ý thức xã hội và ủng hộ các hoạt động vì môi trường
Nếu là fan của thương hiệu này bạn sẽ dễ dàng nhận thấy mạng xã hội của Starbucks luôn tràn ngập nội dung đề cao giá trị đạo đức. Họ công khai các nguồn nguyên liệu của mình và chỉ mua cà phê, trà, ca cao và các hàng hóa khác từ những trang trại và nhà sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức nhất định.
Starbucks cũng gọi hành tinh này là “đối tác kinh doanh quan trọng nhất” của họ và thực hiện một hàng loạt các hoạt động để giảm tác động đến môi trường như tái chế cốc đựng, tiết kiệm nước và năng lượng đồng thời theo đuổi các chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu. Nói chung, Starbucks cố gắng thân thiện với môi trường nhất có thể trong mọi khía cạnh hoạt động của họ.
Chiến lược tiếp thị này hoạt động rất hiệu quả vì thúc đẩy một nhóm khách hàng có ý thức về môi trường đến các cửa hàng, những người sẽ không ngại giá cao nếu họ cảm thấy mình đang đóng góp cho xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy những công ty hỗ trợ các vấn đề xã hội hoặc môi trường thì 93% người tiêu dùng có hình ảnh tích cực hơn về công ty đó. Chiến lược của Starbucks và kết quả thu được là bằng chứng tích cực của nghiên cứu đó.
Đây không phải là những bài học Marketing duy nhất bạn có thể học được từ những thương hiệu đã làm nên tên tuổi, nhưng chúng là nơi khởi đầu tuyệt vời. Linh hoạt áp dụng và biết đâu, chẳng mấy chốc, bạn cũng có thể là người đưa ra lời khuyên.
Nguyễn Lý
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.09Khám phá sức mạnh của lắng nghe chủ động trong tuyển dụng
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?