Mục Lục
Mọi tổ chức thành công đều cần có đối tác kinh doanh nhân sự HRBP. Nếu bạn là một tổ chức quan tâm đến việc khai thác tiềm năng sản xuất của mình thì việc đầu tư vào HRBP sẽ là bước đi lớn tiếp theo của bạn. Vậy HRBP là gì? Cần những gì để trở thành một HRBP? Có hình mẫu nào để thành công không? Họ cần những kỹ năng gì để thành công? Bài viết này sẽ trả lời tất cả những điều này và hơn thế nữa.
HRBP là gì?
“Đối tác kinh doanh nhân sự (HRBP) là một chuyên gia nhân sự cấp cao giúp điều chỉnh chiến lược nhân sự phù hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.”
Đối tác kinh doanh nhân sự đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa lực lượng lao động của tổ chức và mô hình kinh doanh của họ.
Nhiệm vụ chung của HRBP bao gồm xây dựng chính sách chiến lược, đào tạo lãnh đạo và quản lý trực tiếp cũng như các nhiệm vụ khác đòi hỏi kiến thức chuyên môn.
Tầm quan trọng của HRBP đối với doanh nghiệp
Thay vì làm các nhiệm vụ hành chính thông thường như một chuyên viên HR, HRBP thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược đối với công ty.
Chẳng hạn, trong đại dịch Covid 19, quy trình tuyển dụng gặp khó khăn, hiệu quả giao tiếp của các bên suy giảm. Lúc này, một chuyên viên HR vẫn phải duy trì các nhiệm vụ hành chính để đảm bảo các hoạt động kinh doanh được trơn tru. Nhưng một HRBP sẽ cần phát triển các chiến lược giúp doanh nghiệp thích nghi với các thay đổi, chẳng hạn như: xây dựng quy trình tuyển dụng từ xa, quản lý nhân viên làm việc từ xa, thực hiện các hoạt động giới thiệu nhân viên từ xa…
Với các nhiệm vụ như vậy, HRBP cần là người có kỹ năng tư duy chiến lược và xử lý khoảng hoảng. Dù trong bối cảnh có khó khăn hay không thì họ vẫn cần có khả năng và nguồn lực để chủ động ứng phó và đưa ra các chiến lược hiệu quả.
Điểm khác biệt giữa HR và HRBP
Để hiểu rõ hơn về HRBP, hãy cùng tìm hiểu điểm khác biệt giữa HR và HRBP là gì nhé.
Nhiệm vụ chính của HR là thực hiện các nhiệm vụ hành chính liên quan đến nhân sự, trong khi HRBP xây dựng và phát triển chiến lược nhân sự.
Công việc cụ thể của HR là thực hiện các vấn đề liên quan đến lương thưởng, phúc lợi, xây dựng chính sách, đào tạo theo quy chế của công ty. Công việc cụ thể của HRBP là thực hiện chiến lược nhân lực phù hợp với chiến lược kinh doanh, tổ chức xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự nòng cốt và kế thừa, định hướng và sắp xếp nhân sự phù hợp với chi phí.
Nhiệm vụ chính của một HRBP
Một đối tác kinh doanh nhân sự chủ yếu hoàn thành bốn vai trò cơ bản:
- Đo lường và giám sát các chính sách và thủ tục nhân sự hiện có;
- Cung cấp giải pháp cho các trường hợp khẩn cấp của tổ chức;
- Thiết kế và thực hiện các chiến lược toàn doanh nghiệp để giải quyết các thách thức của tổ chức;
- Tạo ra các giải pháp bền vững cho những thách thức của từng nhân viên
Tuy nhiên, về cơ bản, vai trò của HRBP là đảm bảo rằng các chính sách và quy trình nhân sự giúp công ty đạt được các mục tiêu chiến lược và mục tiêu dài hạn. So với nhiệm vụ của người quản lý nhân sự tập trung hơn vào quản lý, tuân thủ và quản lý hàng ngày, trách nhiệm của đối tác kinh doanh nhân sự quan tâm nhiều đến bức tranh toàn cảnh hơn, đảm bảo chiến lược nhân sự phù hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể của tổ chức.
Trách nhiệm công việc của HRBP thường bao gồm hướng dẫn các giám đốc điều hành cấp cao về các vấn đề nhân sự như lập kế hoạch chiến lược, phát triển các chiến lược tổ chức và nhân sự hỗ trợ, cũng như phân tích các yêu cầu để thu hút, tuyển dụng và giới thiệu nhân tài. Họ là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong tổ chức và đóng vai trò tích cực trong việc định hình tương lai của doanh nghiệp ở mọi cấp độ.
Kỹ năng cần thiết để trở thành HRBP?
Kiến thức dữ liệu
HRBP phải có kỹ năng thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu. Đã qua rồi cái thời HR có thể phản ứng dựa trên trực giác. Ngày nay, HRBP cần có khả năng đọc bảng điều khiển và báo cáo với dữ liệu phức tạp và hành động dựa trên dữ liệu đó.
Ví dụ: HRBP cần thu thập và giải thích dữ liệu có thể sử dụng được khi tạo các hướng dẫn hiệu quả để đánh giá hiệu suất.
Các số liệu nhân sự mà mọi HRBP phải biết như tỉ lệ nhân viên vắng mặt, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc, hiệu quả đào tạo, ROI của các chương trình đào tạo, chất lượng tuyển dụng, tỉ lệ nhân viên được thăng chức…
Sự nhạy bén trong kinh doanh
Sự nhạy bén trong kinh doanh không chỉ là hiểu biết về các nguyên tắc tài chính mà còn là rủi ro và kết quả kinh doanh. Nếu làm việc ở một nhà máy sản xuất trà mà HRBP không hiểu rõ về hoạt động kinh doanh trà thì họ sẽ không thể thành công trong vai trò này. Nói cách khác, họ cần phải có hiểu biết về kinh doanh.
Mặc dù hầu hết các kỹ năng nhân sự đều có thể chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác nhưng HRBP cần có sự hiểu biết cụ thể về ngành công ty hoạt động để đạt được hiệu quả công việc.
Hiểu biết về công nghệ
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các chuyên gia nhân sự cần phải thành thạo các công cụ và nền tảng kỹ thuật số khác nhau để hợp lý hóa các quy trình, nâng cao trải nghiệm của nhân viên và tận dụng những hiểu biết sâu sắc dựa trên dữ liệu. Hãy làm quen với các hệ thống quản lý nhân sự (HRMS), hệ thống theo dõi ứng viên (ATS), phần mềm quản lý hiệu suất, nền tảng gắn kết nhân viên… đồng thời luôn cập nhật các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc học máy đang thay đổi hoạt động nhân sự trên toàn cầu; phát triển kỹ năng phân tích dữ liệu của bạn bằng cách học cách thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu nhằm mục đích đưa ra quyết định sáng suốt.
Kỹ năng quản lý dự án và con người
Đây là điều không thể thiếu khi nói đến kỹ năng của HRBP là gì. HRBP phải thực hiện các nhiệm vụ như quản lý nguồn lực và các bên liên quan cũng như giao tiếp trong các nhóm lớn và nhỏ. Thế nên, kinh nghiệm lãnh đạo nhóm với những người đóng góp từ xa và/hoặc quốc tế là một lợi thế.
Giải quyết sự thay đổi và chuyển đổi
Là HRBP, bạn phải linh hoạt và có khả năng thích ứng để điều hướng bối cảnh kinh doanh luôn thay đổi. Hãy cởi mở với những ý tưởng, công nghệ và cách làm việc mới; thích ứng nhanh chóng với những ưu tiên thay đổi hoặc những thách thức bất ngờ bằng cách luôn linh hoạt và tháo vát; áp dụng cách tiếp cận chủ động để giải quyết vấn đề và sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bạn khi gặp phải những tình huống lạ.
Kiến thức về Luật Lao động
Việc có nền tảng vững chắc về luật lao động là rất quan trọng đối với các HRBP vì họ chịu trách nhiệm đảm bảo sự tuân thủ trong tổ chức. Họ luôn cập nhật các luật lao động có liên quan; hiểu các quyền và trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động; Tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp thông qua các khóa học chuyên ngành hoặc chứng chỉ về luật lao động để đào sâu kiến thức của bạn trong lĩnh vực này. Bằng cách hiểu rõ về luật lao động, bạn có thể đảm bảo tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro cho tổ chức và bảo vệ quyền và lợi ích của nhân viên.
Khả năng xác định và phát triển các nhà lãnh đạo
Ngoài việc trở thành nhà lãnh đạo, các HRBP còn phải tìm kiếm và phát triển các nhà lãnh đạo kế thừa trong tổ chức và khi cần thiết, xác định các ứng viên bên ngoài cho vai trò lãnh đạo. Tất cả các nhà lãnh đạo nên được đánh giá dựa trên chuyên môn và hiệu suất của họ phù hợp với mục tiêu kinh doanh tổng thể.
Mức lương của vị trí HRBP
Do yêu cầu khá cao đòi hỏi cả về kiến thức, kỹ năng và năng lực nên mức lương cho vị trí HRBP khá cao, dao động từ 16 triệu đến 23 triệu đồng/tháng cho vị trí chuyên viên, 34 đến 46 triệu đồng/tháng cho vị trí giám sát và từ 46 đến 80 triệu đồng/tháng cho vị trí Manager.
Tìm việc HRBP ở đâu?
Nếu có định hướng theo lĩnh vực HRBP, bạn cần xác định năng lực bản thân và kỹ năng có được xem mình có thể đáp ứng các yêu cầu hay không. Sau đó, hãy truy cập vào các trang web tuyển dụng như CareerLink.vn để tìm kiếm các vị trí phù hợp.
Với những chia sẻ về HRBP là gì trên đây, hi vọng bằng bạn đã hiểu hơn về công việc này và có thêm lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.
Vân Phạm