Mục Lục
Khi nhắc đến bệnh viện, phần lớn mọi người sẽ nghĩ ngay đến bác sĩ – người trực tiếp chẩn đoán và điều trị bệnh. Tuy nhiên, có một lực lượng không thể thiếu luôn âm thầm làm việc bên cạnh bác sĩ và bệnh nhân, đó chính là những người làm công việc điều dưỡng.

Điều dưỡng viên là ai? Công việc điều dưỡng làm gì?
“Công việc điều dưỡng chỉ dành cho những ai muốn vừa giúp đỡ người khác vừa khám phá sức mạnh thật sự của lòng nhân ái.”
Điều dưỡng viên là người chăm sóc bệnh nhân hàng ngày từ những việc cơ bản như đo huyết áp, tiêm thuốc, thay băng cho đến hỗ trợ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân và quan trọng hơn hết là theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu bác sĩ là người ra “chiến lược” thì điều dưỡng viên là người “thực thi” và “giữ lửa” trong quá trình điều trị.
Ngoài những việc mang tính chuyên môn, điều dưỡng viên còn đóng vai trò như một người đồng hành tinh thần. Có những lúc bệnh nhân mệt mỏi, lo lắng hay khó chịu vì bệnh tật, điều dưỡng là người đầu tiên lắng nghe và chia sẻ. Những câu chuyện nhỏ, những lời động viên nhẹ nhàng đôi khi giúp bệnh nhân cảm thấy được quan tâm và có thêm động lực để hồi phục. Vì thế, công việc điều dưỡng không chỉ cần kiến thức y khoa mà còn cần sự kiên nhẫn, tinh tế và một tấm lòng yêu thương con người thật sự.
Nghề nhiều áp lực nhưng cũng đầy yêu thương
Nói sơ qua thì có vẻ công việc của điều dưỡng trông đơn giản và nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó là vô vàn giây phút “cân não” khi họ phải đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác và quyết định ấy có thể ảnh hưởng đến tính mạng của một con người.
Chị Ngô Mỹ Hạnh, điều dưỡng viên có hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ kể về một ca trực đêm ở khoa hồi sức: Khi chị đang kiểm tra hồ sơ bệnh nhân thì chuông báo động vang lên từ phòng bệnh bên cạnh. Bệnh nhân đang truyền dịch bỗng dưng co giật và tím tái. Trong khoảnh khắc chưa đến một phút, chị phải ngưng truyền, hỗ trợ hô hấp, vừa gọi bác sĩ vừa chuẩn bị dụng cụ cấp cứu. Không hề có thời gian để do dự hay bối rối, mọi thao tác đều phải được thực hiện như một phản xạ đã được “lập trình” từ trước. May mắn, bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời. Những nhịp tim loạn lên lúc ấy, chỉ người trong nghề mới hiểu được.
Bên cạnh áp lực đến từ cấp cứu, có những ngày điều dưỡng phải đối mặt với những lời trách móc của người nhà bệnh nhân khi có sự cố xảy ra, dù không phải lỗi của ai. “Lần nọ, một bệnh nhân lớn tuổi ngã trong nhà vệ sinh do tự ý đi lại, người nhà liền quay sang đổ lỗi cho mình. Lúc ấy mình phải vừa giữ bình tĩnh, giải thích nhẹ nhàng, vừa chăm sóc vết thương cho bệnh nhân và làm báo cáo sự việc. Sau ca trực hôm đó, mình khóc một mình vì tủi thân nhưng hôm sau vẫn quay lại làm việc như thường. Bởi hơn ai hết, mình biết rằng mình không chỉ làm nghề mà đang làm “nghĩa” – “nghĩa” với nghề, nghĩa với người bệnh và với chính lương tâm của mình”, chị Đinh Ngọc Ánh, điều dưỡng viên chia sẻ.
Vậy đó, công việc điều dưỡng rất vất vả: làm việc theo ca, ít có ngày nghỉ cố định, luôn đối mặt với áp lực và đôi khi là sự cáu gắt từ người nhà bệnh nhân nhưng từ những điều đó, họ đã học được cách kiên cường, điềm tĩnh và bao dung.
Nhiều người từng hỏi: “Làm điều dưỡng có gì vui?” Câu trả lời đơn giản lắm. “Đó là khi một bệnh nhân từ không đi được đến ngày có thể tự đứng dậy, là khi nghe một lời cảm ơn chân thành, hay đơn giản là nụ cười nhẹ nhõm của người bệnh sau một đêm sốt cao”, chị Ngọc Ánh tâm sự.
Kỹ năng cần thiết đối với điều dưỡng viên
Làm điều dưỡng không chỉ là biết tiêm đúng, đo chính xác hay ghi bệnh án chuẩn. Đó còn là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm khác mà đôi khi sách vở không dạy nhưng thực tế bắt buộc phải có.
Giao tiếp tốt
Giao tiếp tốt sẽ giúp điều dưỡng viên phối hợp hiệu quả với bác sĩ và đồng nghiệp, tránh nhầm lẫn khi chuyển giao công việc. Quan trọng hơn, khi điều dưỡng biết cách trò chuyện rõ ràng, nhẹ nhàng với bệnh nhân và người nhà, họ sẽ hiểu và hợp tác tốt hơn. Một câu nói dịu dàng như “Cô yên tâm, tụi con ở đây theo dõi sát cho cô mà” cùng thái độ thân thiện có thể giúp bệnh nhân cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu giao tiếp không khéo, dễ gây hiểu lầm dễ khiến bệnh nhân hiểu sai, dẫn đến căng thẳng, làm mất lòng và thậm chí xung đột với người nhà bệnh nhân.
Quản lý thời gian hiệu quả
Quản lý thời gian tốt là “chìa khóa” để điều dưỡng viên không bị cuốn vào guồng quay công việc dày đặc mỗi ngày. Trong một ca trực, điều dưỡng phải chăm sóc nhiều bệnh nhân cùng lúc. Mỗi người một giờ uống thuốc khác nhau, người thì cần thay băng, người thì vừa được bác sĩ ra y lệnh mới. Nếu không biết sắp xếp thời gian hợp lý sẽ dễ rơi vào tình trạng quên trước quên sau, gây sai sót, thậm chí trễ một phút cũng có thể dẫn đến hệ lụy không ngờ.
Đó là lý do chị Mỹ Hạnh luôn mang theo một cuốn sổ tay nhỏ, ghi lại lịch phát thuốc, giờ kiểm tra sinh hiệu, các việc cần làm theo giờ. Khi quản lý thời gian hiệu quả, chị sẽ luôn chủ động, làm việc đúng giờ, ít căng thẳng hơn và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Kỹ năng xử lý tình huống
Trong công việc điều dưỡng, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Có bệnh nhân đang truyền dịch thì đột nhiên ngất xỉu. Có người nhà lên tiếng la lối vì không hiểu phác đồ điều trị. Có khi máy đo huyết áp hỏng đúng lúc cần gấp… Tất cả những tình huống ấy đòi hỏi điều dưỡng phải phải phản ứng ngay: đánh giá tình trạng, sơ cứu ban đầu và báo bác sĩ kịp thời. Nếu chậm trễ hay lúng túng, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Vậy mới nói, xử lý tình huống không chỉ là kỹ năng mềm mà là yếu tố sống còn trong công việc của điều dưỡng.
Kỹ năng làm việc nhóm
Chăm sóc bệnh nhân không phải là công việc của riêng cá nhân nào. Điều dưỡng viên phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, kỹ thuật viên và cả những đồng nghiệp khác để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra suôn sẻ và an toàn. Chẳng hạn, trong một ca cấp cứu, điều dưỡng cần phối hợp nhanh chóng: người lo đặt đường truyền, người chuẩn bị thuốc, người theo dõi dấu hiệu sinh tồn – chỉ cần một mắt xích trễ nhịp là có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Vì thế, kỹ năng này rất cần được vun đắp mỗi ngày, không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng thái độ lắng nghe, tôn trọng và sẵn sàng hỗ trợ.
Dù vất vả và nhiều áp lực nhưng với những ai thực sự yêu nghề, công việc điều dưỡng là một lựa chọn đầy ý nghĩa và đáng tự hào. Nếu bạn đang cân nhắc theo đuổi con đường này, hãy chuẩn bị cho mình không chỉ kỹ năng mà cả một tinh thần sẵn sàng cống hiến nhé.
Trang Trần
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Làm cách nào để tăng lương khi làm việc ở Nhật
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Nên học N2 hay học nghề để đi Nhật nếu muốn định cư lâu dài?
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học N3 có thể đi Nhật làm được không? Top ngành nghề phù hợp nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học gì để tăng cơ hội từ kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật