Mục Lục
Dự thính không phải nỗi niềm của riêng ai, đặc biệt là với cộng đồng sinh viên. Hai chữ “dự thính” nghe có vẻ thanh tao cao quý đấy nhưng sự thật có phải như vậy không? Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu dự thính là gì, khi nào thì phải dự thính và dự thính có những ưu – nhược điểm như thế nào nhé!
Dự thính là gì?
“Dự thính là tham dự vào để nghe chứ không phải là thành viên chính thức. Thuật ngữ này được sử dụng rất rộng rãi trong ngành giáo dục với khái niệm học dự thính”
Các trường hợp có thể đăng ký học dự thính bao gồm:
– Sinh viên phải học các môn học của học kỳ này tại một lớp khác vì không đăng ký được môn học hoặc hết lớp.
– Học cải thiện những môn có điểm thi quá thấp để nâng điểm trung bình tích lũy trong học kỳ, tránh ảnh hưởng đến kết quả xếp loại tốt nghiệp về sau.
– Sinh viên phải học lại một hoặc một vài môn học nào đó vì đã rớt môn trong những học kỳ trước (còn được gọi là trả nợ môn – một khái niệm rất phổ biến trong cộng đồng sinh viên bởi vì mấy ai tốt nghiệp đại học mà không trải nghiệm đôi lần rớt môn?!).
– Các cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước được đăng ký học dự thính tại các trường Đại học nhằm mục đích bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn cho đơn vị công tác.
Ưu và nhược điểm của việc học dự thính là gì?
Ưu điểm
- Học dự thính sẽ thoải mái hơn nhiều so với việc học chính quy vì thường gặp giảng viên tâm lý và dễ tính, nhờ vậy mà việc học dự thính cũng không có quá nhiều áp lực như học kỳ chính.
- Có cơ hội giao lưu và thiết lập mạng lưới bạn bè rộng khắp với các khoa khác và các anh chị khóa trên. Không chỉ mở rộng mối quan hệ mà còn có thể học hỏi những điều mới mẻ.
Nhược điểm
- Tốn kém tiền của mỗi lần phải học lại, học cải thiện. Số lượng môn học càng nhiều thì ví tiền của bố mẹ bạn càng “đau”, chi tiêu của bạn cũng nhờ đó mà buộc phải thắt chặt.
- Đối diện với nguy cơ học cải thiện nhưng điểm số không những không được cải thiện mà còn thấp và thảm hại hơn xưa. Thật là một vòng lẩn quẩn không lối thoát đúng không nào?
- Tốn rất nhiều thời gian cho việc học lại, học cải thiện hoặc phải đợi đến những học kỳ sau mới đăng ký được lớp. Như vậy thì nguy cơ ra trường muộn so với dự định cũng cao lắm đó nha.
Làm thế nào để không phải dự thính?
Nếu đọc đến đây bạn đã hiểu được dự thính là gì thì hẳn bạn sẽ không bao giờ muốn bản thân phải dự thính đúng không nào? Chung quy lại, học dự thính không phải điều đáng tự hào và cũng chẳng phải việc mà bất cứ ai mong muốn bởi vì cái được không bù được cái mất. Do đó, để không phải trở thành những sinh viên dự thính bất đắc dĩ, bạn cần nghiêm túc thực hiện các lưu ý sau:
- Đăng ký môn học đúng thời gian quy định của nhà trường: vì thời gian là vàng là bạc và cơ hội không bao giờ thuộc về những kẻ đến sau, hãy chuẩn bị sẵn sàng máy tính, kết nối mạng mạnh mẽ, đăng nhập vào tài khoản sinh viên và canh thời gian để đăng ký môn học bởi vì việc đăng ký môn chính là một quá trình giành giật cơ hội giữa những người nhanh tay.
- Học hành chăm chỉ, nghiêm túc: học đại học đúng là thoải mái hơn so với học cấp 3 rất nhiều nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không cần học cũng sẽ qua môn. Nếu chểnh mảng chuyện học hành, ham chơi lười học, chắc chắn bạn sẽ phải nếm quả đắng vì rớt môn quá nhiều, học lại liên miên, đến cơ hội học cải thiện cũng không có bởi vì bạn đã qua môn đâu mà đòi cải thiện?
Điều kiện để được dự thính của các cán bộ cơ quan nhà nước
- Phải xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công tác, được Bộ sở quan và đơn vị công tác cho phép dùng giờ gian làm việc của Nhà nước để học tập nghiệp vụ, kỹ thuật theo quy định của Hội đồng Chính phủ.
- Nếu là cán bộ giảng dạy tại các trường Đại học và trung cấp chuyên nghiệp thì việc dự thính phải xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của chế độ bồi dưỡng hiện hành và kế hoạch bồi dưỡng của nhà trường đã được Bộ sở quan thông qua.
- Được Thủ trưởng cơ quan cử đi dự thính trao đổi trước và giới thiệu với ban Giám hiệu nhà trường.
- Có trình độ văn hóa tương đương lớp 10 trung học phổ thông và có đủ khả năng để tiếp thu các bài giảng ở nhà trường.
Nguyên tắc thu nhận cán bộ dự thính là gì?
- Số lượng cán bộ được nhận đến dự thính sẽ do ban Giám hiệu nhà trường toàn quyền quyết định tùy theo điều kiện và khả năng hiện có của nhà trường. Sự xuất hiện của các cán bộ dự thính không khiến nhà trường phải xin cấp thêm kinh phí hoặc cán bộ giảng dạy.
- Cơ quan muốn cử cán bộ đến dự thính phải trao đổi, thương lượng với nhà trường trước ngày khai giảng hoặc tốt hơn cả là trước học kỳ 2 của năm học.
- Căn cứ vào khả năng tổ chức của nhà trường và nhu cầu đào tạo của cơ quan công tác, mỗi cán bộ đến dự thính chỉ được theo học một số môn nhất định có liên quan đến nghiệp vụ của mình theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan có cán bộ đến dự thính và quyết định cua ban Giám hiệu nhà trường.
- Trường hợp một cơ quan cho cán bộ tạm thời thoát ly công tác một thời gian để theo học ở một trường Đại học thì không áp dụng chế độ dự thính như quy định trên đây mà sẽ áp dụng chế độ biệt phái.
Bài viết hôm nay đã tổng hợp tất tần tật thông tin về dự thính, từ dự thính là gì cho đến bản chất của dự thính đối với 2 đối tượng hoàn toàn khác nhau là sinh viên và cán bộ nhà nước. Nếu bạn cảm thấy bài viết này bổ ích thì đừng ngần ngại để lại comment bên dưới để CareerLink tiếp tục quay trở lại với những thông tin giá trị khác nhé!
Trang Đoàn