Thiếu kỹ năng lắng nghe: 9 dấu hiệu bạn cần biết

Lắng nghe hiệu quả là một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng cần phát triển bởi nó có sức mạnh cải thiện bất kỳ mối quan hệ nào. Trong công việc, lắng nghe là điều cốt lõi của sự lãnh đạo hiệu quả và trong cuộc sống cá nhân, lắng nghe là hành động thể hiện sự yêu thương, quan tâm.

Bạn có thể nghĩ rằng nếu bạn gật đầu và giao tiếp bằng mắt với ai đó là bạn đang lắng nghe những gì họ nói. Tuy nhiên, điều này chưa chính xác. Trở thành một người lắng nghe tốt không phải chỉ nhìn chằm chằm vào người khác trong khi họ đang nói. Trên thực tế, có rất nhiều điều để trở thành một người lắng nghe tốt mà bạn có thể không nghĩ tới.

Dưới đây là một vài dấu hiệu nhận biết rằng bạn không giỏi lắng nghe như bạn nghĩ.

Bạn không đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi có lẽ là cách quan trọng nhất để cho người khác thấy chúng ta vừa lắng nghe vừa quan tâm đến họ. Trong đó các câu hỏi khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Chẳng hạn, các câu hỏi bắt đầu với “Làm sao?, Như thế nào?” sẽ gợi ra một câu chuyện dài hơn giúp bạn hiểu rõ hơn về một quá trình. Mặt khác, các câu hỏi yêu cầu trả lời “Có” hoặc “Không” thường được dùng với mục đích làm rõ hơn là xây dựng cuộc trò chuyện. Câu hỏi bắt đầu bằng “Chuyện gì, điều gì đã xảy ra?” hoặc “Tại sao?” có xu hướng khuyến khích người nói mở rộng cuộc hội thoại.

Bạn chiếm lĩnh cuộc trò chuyện

Nếu bạn nhận thấy rằng bạn đang nói nhiều hơn trong các cuộc trò chuyện, thì bạn đang ngăn cản người khác thể hiện ý kiến của họ. Những người thiếu kỹ năng lắng nghe có xu hướng tập trung vào bản thân họ, chứ không phải là người nói.

Bạn không diễn giải để thể hiện sự hiểu biết của bạn

Một cách tuyệt vời để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe là tóm tắt các ý chính với người nói để xác nhận rằng bạn hiểu những gì họ chia sẻ. Tuy nhiên, người thiếu kỹ năng lắng nghe sẽ không diễn giải lại được những gì đã nghe theo ngôn ngữ của riêng họ, họ chỉ ra vẻ rằng mình đã hiểu.

Bạn đa nhiệm khi đang trò chuyện

Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, hầu hết mọi người tin rằng họ có thể đa nhiệm. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng của các nhiệm vụ được thực hiện khi bạn đa nhiệm bị giảm đáng kể. Nếu bạn đang đọc báo, lướt mạng xã hội trong khi lắng nghe, bạn chỉ nắm bắt được một vài chi tiết của cuộc trò chuyện và bỏ lỡ những sắc thái hoặc cảm xúc giúp bạn đưa ra phản hồi hoặc hỗ trợ có giá trị.

Bạn không khuyến khích người nói

Mọi người có xu hướng đánh giá cao một số lời khuyến khích khi họ đang nói, như “Tiếp tục đi!” hoặc “Nói cho tôi nghe kỹ hơn về điều đó đi!” bởi điều đó giúp họ cảm thấy hào hứng và có cảm giác được lắng nghe. Nếu bạn không làm điều này, người nói có thể nghĩ rằng bạn không có sự quan tâm phù hợp.

Bạn thường xuyên ngắt lời

Khi mọi người đang nói chuyện và bạn rất phấn khích đến nỗi chen ngang để đưa ra ý kiến của mình thì điều đó hiếm khi dẫn đến một kết quả tốt đẹp. Bởi, họ muốn hoàn thành những gì đang nói nên ý kiến của bạn có thể không được quan tâm. Thay vào đó, họ sẽ nghĩ bạn thật thô lỗ và ngay cả khi họ cho phép bạn xen vào, họ cũng sẽ không lắng nghe vì họ đang thất vọng về bạn.

Giao tiếp bằng mắt không phù hợp

Bất cứ khi nào bạn dành thời gian để nhìn khắp gian phòng trong khi người khác đang nói chuyện thì điều đó cho thấy bạn không lắng nghe họ. Ngược lại, việc giao tiếp bằng mắt quá nhiều cũng là một dấu hiệu của người nghe kém. Để trở nên tinh tế hơn, thỉnh thoảng bạn có thể nhìn qua vai của người nói và sau đó dời ánh nhìn về trung tâm của cuộc trò chuyện.

Bạn thường xuyên hít thở sâu hoặc thở dài

Nếu bạn nhận thấy bản thân hít thở sâu hoặc thở dài thường xuyên khi người khác đang nói, đó là lúc bạn đang mất tập trung vào họ. Một người thực sự có kỹ năng lắng nghe có xu hướng duy trì nhịp thở đều hơn.

Đưa ra lời khuyên quá sớm

Khi lắng nghe ai đó phàn nàn, bạn có xu hướng đưa ra ngay giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thực sự muốn lời khuyên, đặc biệt là khi họ đang “sống” trong cảm xúc của mình. Do đó, điều đầu tiên cần làm là làm dịu năng lượng cảm xúc để có thể tìm ra giải pháp hiệu quả.

 

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công