Mục Lục
- Bệnh nghề nghiệp là gì?
- Bệnh nghề nghiệp tiếng Anh là gì?
- 5 nhóm bệnh nghề nghiệp thường gặp
- Biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
- Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp có được hưởng bảo hiểm xã hội không?
- Hồ sơ khi khám bệnh nghề nghiệp
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc khám và chữa bệnh nghề nghiệp là gì?
Bệnh nghề nghiệp phát sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm hiệu suất công việc của người lao động. Vậy bệnh nghề nghiệp là gì? Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp BHXH thế nào? Tất cả những thắc mắc sẽ được giải đáp trong nội dung bài viết dưới đây!
Bệnh nghề nghiệp là gì?
“Bệnh nghề nghiệp là bệnh hoặc rối loạn sức khỏe gây ra bởi công việc hoặc điều kiện làm việc”.
Mặc dù bệnh nghề nghiệp là bệnh liên quan đến công việc nhưng không phải tất cả các bệnh đó đều được phân loại là bệnh nghề nghiệp được bồi thường. Bệnh nghề nghiệp là bệnh do điều kiện làm việc gây ra. Bệnh nghề nghiệp là bệnh có nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố vật lý, hóa học hoặc sinh học ảnh hưởng đến công việc. Bệnh do yếu tố tâm lý không được coi là bệnh nghề nghiệp.
Người sử dụng lao động luôn có trách nhiệm phòng ngừa bệnh nghề nghiệp; chi trả chi phí sơ cứu, chữa bệnh cũng như tiền lương cho thời gian điều trị; bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp.
Bệnh nghề nghiệp tiếng Anh là gì?
Bệnh nghề nghiệp tiếng Anh là Occupational Disease.
5 nhóm bệnh nghề nghiệp thường gặp
Hãy cùng tham khảo 5 nhóm bệnh nghề nghiệp và cũng là các bệnh nghề nghiệp thường gặp đồng thời đi sâu tìm hiểu khám bệnh nghề nghiệp gồm những gì nhé.
Nhóm 1: Các bệnh bụi phổi, phế quản như:
- Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp (Nội dung khám: tuần hoàn, hô hấp – Chụp X-quang phổi; đo chức năng hô hấp – Chụp cắt lớp, tìm AFB trong đờm).
- Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp (Nội dung khám: tuần hoàn, hô hấp – Chụp X-quang phổi; đo chức năng hô hấp – Chụp cắt lớp, tìm AFB trong đờm).
- Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ hô hấp, tuần hoàn, Tai – Mũi – Họng. Đo chức năng hô hấp, Thử nghiệm lấy da, Công thức máu, Chụp X-quang phổi, nghiệm pháp dược động học, IgE, IgG máu (nếu cần), Test phục hồi phế quản (nếu cần).
- Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ hô hấp, tuần hoàn. Chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp – Chụp cắt lớp, tìm AFB trong đờm (nếu cần).
- Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ hô hấp, tuần hoàn. Chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp – Chụp cắt lớp, tìm AFB trong đờm (nếu cần).
- Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp (Nội dung khám: Đo chức năng hô hấp – Chụp X-quang phổi (nếu cần)
- Bệnh hen nghề nghiệp (Nội dung khám: Đo chức năng hô hấp trước và sau ca làm việc Thử nghiệm lấy da (nếu cần)).
Nhóm 2: Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp
- Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, tâm thần, tuần hoàn, hô hấp. Công thức máu. Nước tiểu: Định lượng cotinin hoặc nicôtin niệu.
- Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh cơ, hệ tuần hoàn, tim mạch. Định lượng HbCO. Đo điện tim. Siêu âm tim, mạch (nếu cần).
- Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, xương khớp. Nước tiểu: Cadimi niệu, albumin, beta2-micro-globulin niệu, hồng cầu niệu, trụ niệu, canxi niệu. Đo độ loãng xương, chụp X-quang xương. Chức năng gan, thận, X-quang tim phổi (nếu cần)
- Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, tâm thần, Tai – Mũi – Họng, mắt, xương khớp, da, niêm mạc và hệ tạo máu. Máu: định lượng chì máu (trong trường hợp tiếp xúc chì vô cơ), công thức máu, hồng cầu hạt kiềm, huyết sắc tố,… Nước tiểu: định lượng chì niệu (trong trường hợp tiếp xúc chì hữu cơ), ∆ ALA niệu (trong trường hợp tiếp xúc chì vô cơ), trụ niệu, hồng cầu.
- Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng (Nội dung khám: Hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu, da, niêm mạc và hệ tạo máu. Máu: Công thức máu, huyết sắc tố, tiểu cầu, thời gian máu đông, máu chảy. Nước tiểu: Albumin, trụ niệu, hồng cầu niệu, axit t,t-muconic niệu hoặc phenol niệu (tiếp xúc benzen), O-crezon niệu hoặc axit hyppuric niệu (tiếp xúc toluen), axit metyl hyppuric niệu (tiếp xúc xylen).
- Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ hô hấp, thần kinh, vận động, tiêu hóa. Công thức máu. Nước tiểu: mangan niệu, albumin, trụ niệu, hồng cầu niệu. Tủy đồ (nếu cần).
- Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, da và niêm mạc, hệ tiêu hóa, tiết niệu, mắt… Máu: Methemoglobin, công thức máu, huyết sắc tố, men gan. Nước tiểu: Định tính TNT niệu, albumin, hồng cầu niệu, trụ niệu. Tủy đồ (nếu cần)
- Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, da. Công thức máu. Nước tiểu: Asen niệu, albumin, hồng cầu niệu, trụ niệu. Định lượng asen tóc
- Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, tâm thần, tiêu hóa, tiết niệu, mắt, da, niêm mạc và răng. Máu: Công thức máu, thủy ngân máu (trường hợp nghi nhiễm độc cấp tính). Nước tiểu: thủy ngân niệu, albumin, trụ niệu, hồng cầu niệu. Tủy đồ (nếu cần)
- Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn, da. Máu: Công thức máu, định lượng men cholinesteraza hồng cầu hoặc huyết tương. Nước tiểu: albumin, hồng cầu niệu, trụ niệu. Định lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong máu hoặc chất chuyển hóa trong nước tiểu (nếu cần).
Nhóm 3: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố cơ thể như:
- Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (Nội dung khám: Chuyên khoa Tai mũi họng. Đo thính lực đơn âm. Chụp X-quang xương chũm, đo nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, ghi đáp ứng thính giác thân não (nếu cần).
- Bệnh giảm áp nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ thần kinh, xương khớp, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, tai mũi họng. Chụp X-quang xương, khớp. Đo thính lực đơn âm. Đo điện tim. Nước tiểu: Tìm albumin trụ niệu, hồng cầu. Máu: Công thức máu, định lượng canxi (nếu cần).
- Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ (Nội dung khám: Hệ xương khớp, thần kinh và mao mạch ngoại vi. Chụp X-quang khớp cổ tay, khuỷu tay, khớp vai. Nghiệm pháp lạnh. Soi mao mạch, đo ngưỡng cảm nhận rung, cảm nhận đau (nếu cần)
- Bệnh phóng xạ nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, hệ thống hạch bạch huyết. Máu: Huyết đồ. Tủy đồ và/hoặc xét nghiệm nhiễm sắc thể (nếu cần)
- Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp (Nội dung khám: Mắt, thần kinh. Siêu âm mắt, đo nhãn áp).
Nhóm 4: Các bệnh về da nghề nghiệp như:
- Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài (Nội dung khám: Da, niêm mạc, móng. Đo pH da. Xét nghiệm nấm da, móng, vi khuẩn vùng da tổn thương (nếu cần). Thử nghiệm trung hòa kiềm theo phương pháp Burchardt (nếu cần)
- Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su (Nội dung khám: Da, hô hấp. Thử nghiệm lấy da. Thử nghiệp áp da. Định lượng nồng độ IgE, IgG máu (nếu cần)
- Bệnh nốt dầu nghề nghiệp (Nội dung khám: Da, niêm mạc. Thử nghiệm lấy da (prick test). Kỹ thuật xác định hạt dầu, hạt sừng. Đo pH da. Thử nghiệm trung hòa kiềm theo phương pháp Burchardt (nếu cần)
- Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm (Nội dung khám: Da, tai mũi họng. Thử nghiệm áp bì (patch test)
Nhóm 5: Các bệnh truyền nhiễm nghề nghiệp:
- Bệnh Leptospira nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, da. Phản ứng ngưng kết tan Martin –Pettit. Tìm xoắn khuẩn trong máu (nếu cần)
- Bệnh viêm gan B nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, da niêm mạc. Máu: HBsAg, AST, ALT, công thức máu. Nước tiểu: Albumin, sắc tố mật, muối mật… Siêu âm gan, mật)
- Bệnh lao nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, da, tiết niệu, xương khớp… Chụp X-quang phổi. Tìm AFB trong đờm, trong dịch sinh học, phản ứng Mantoux, tốc độ máu lắng. Chọc hạch, sinh thiết hạch, làm PCR (nếu cần).
- Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (Nội dung khám: Da, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu. Máu: Công thức máu, xét nghiệm HIV).
- Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, da niêm mạc. Máu: Anti HCV, AST, ALT, công thức máu. Nước tiểu: Albumin, sắc tố mật, muối mật… Siêu âm gan, mật. HCV-RNA (nếu cần)
- Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp (Nội dung khám: Hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa. Chụp X-quang phổi, CT scaner, đo chức năng hô hấp. Mô bệnh học, hóa mô miễn dịch. Siêu âm tim, ổ bụng (nếu cần)
Bệnh nghề nghiệp có thể được phòng ngừa thông qua việc phát hiện sớm và tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
Cùng tìm hiểu các cách giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp là gì để thực hiện ngay hôm nay nhé.
- Tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của công ty, doanh nghiệp;
- Sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân như mũ bảo hiểm, tấm che mặt, găng tay và giày bảo hộ;
- Dọn dẹp, tắm rửa và thay quần áo thường xuyên sau khi tan sở;
- Tập thể dục và ăn uống cân bằng dinh dưỡng;
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nghề nghiệp;
- Tư vấn sức khỏe và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu bệnh nghề nghiệp.
Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp có được hưởng bảo hiểm xã hội không?
Người lao động bị bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:
- Mắc bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường, nghề có yếu tố độc hại;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do ốm đau;
- Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Quyền lợi bảo hiểm xã hội bệnh nghề nghiệp bao gồm:
- Chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giám định suy giảm khả năng lao động
- Trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động
- Trợ cấp phục hồi sức lao động
- Trợ cấp tử tuất bệnh nghề nghiệp
Để được hưởng chế độ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bệnh nghề nghiệp, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin hưởng bảo hiểm xã hội do người lao động hoặc người thừa kế viết;
- Bằng chứng về việc người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại;
- Bằng chứng suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp;
- Sổ bảo hiểm xã hội hoặc thẻ bảo hiểm y tế (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền thừa kế (nếu có).
Người lao động chuẩn bị hồ sơ để hưởng chế độ theo quy định của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc người sử dụng lao động.
Hồ sơ khi khám bệnh nghề nghiệp
Người lao động được khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế có đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Người lao động cần mang theo hồ sơ để xin khám bệnh nghề nghiệp, bao gồm:
- Thư giới thiệu của công ty;
- Phiếu đăng ký khám bệnh nghề nghiệp;
- Sổ khám sức khoẻ phát hiện bệnh nghề nghiệp;
- Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh (nếu có);
- Bằng chứng về việc người lao động tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, nếu có.
Hiện nay, người lao động nên khám bệnh nghề nghiệp lần đầu khi làm công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và tái khám 6 hoặc 12 tháng một lần tùy theo mức độ rủi ro của công việc.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc khám và chữa bệnh nghề nghiệp là gì?
- Người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ít nhất mỗi năm một lần; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, lao động chưa đủ tuổi và người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.
- Lao động nữ phải được khám chuyển khoa sản phụ và những người làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp kịp thời.
- Người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật và được điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế quy định.
- Chi phí khám sức khỏe định kỳ cho người lao động khám bệnh nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp sẽ do người sử dụng lao động chi trả theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 21 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Đến đây chắc hẳn bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh nghề nghiệp là gì và những thắc mắc thường gặp. Hãy truy cập CareerLink.vn để tìm hiểu thêm nhiều thuật ngữ thú vị khác nhé.
Đoàn Loan