Nhân viên quản lý chất lượng: Người giữ hồn cho sản phẩm

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao một chiếc điện thoại lại hoạt động trơn tru, một chiếc áo không hề lỗi đường may hay một gói snack luôn giòn tan đúng chuẩn dù mua ở bất kỳ đâu? Không phải ngẫu nhiên mà mọi thứ đều “vừa vặn” như vậy. Phía sau mỗi sản phẩm hoàn hảo bạn cầm trên tay là kết quả của sự tỉ mỉ, cẩn thận và vững vàng trước áp lực từ nhân viên quản lý chất lượng.

Nếu bạn đang tò mò về công việc này, hãy cùng khám phá thử xem, nghề “gác cổng” chất lượng thực sự là như thế nào nhé.

“Là người bắt lỗi để tạo nên sự hoàn hảo, nhân viên quản lý chất lượng chính là người bảo vệ thầm lặng cho uy tín và niềm tin của thương hiệu.”

Một ngày của nhân viên quản lý chất lượng diễn ra thế nào?

Nhân viên quản lý chất lượng là người luôn đi tìm lỗi để giữ lại sự hoàn hảo, bạn đã bao giờ tò mò về công việc đầy áp lực nhưng cũng đầy tự hào này chưa?

Vừa đặt chân tới nhà máy, việc đầu tiên chị Nguyễn Thanh Hồng làm không phải là nhâm nhi ly cà phê thơm phức mà là lao vào kiểm tra hồ sơ sản xuất, xem nguyên liệu đầu vào hôm nay có đúng loại, đúng nhiệt độ bảo quản không, bao bì có bị rách, ẩm hay chữ bị mờ không. Khi nghe báo “Đường có màu khác lô trước”, chị lập tức đi xác minh từ kho, lấy mẫu so sánh với lô chuẩn và tức tốc thay đổi cho kịp thời gian sản xuất. “Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt vậy nhưng nếu sơ suất một chút thì cả ngàn sản phẩm cùng sai theo. Vậy nên, dù ngái ngủ cỡ nào mình cũng phải cố gắng tỉnh táo!”, chị Hồng chia sẻ.

Đội mũ, đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ đầy đủ, chị len lỏi qua từng khu vực sản xuất để kiểm tra độ sạch của thiết bị, quan sát thao tác của công nhân, hỏi han xem hôm nay có vấn đề gì khác thường không. Trông chị lúc này chẳng khác nào một thám tử chính hiệu. Chẳng cần kính lúp hay áo trench coat, chỉ cần đôi mắt tinh và bộ óc không ngừng đặt câu hỏi “Tại sao?”. Đôi khi chỉ là một cái máy trộn kêu hơi lạ thôi nhưng với dân chất lượng, đó là tín hiệu cần để ý ngay!

Xong công đoạn làm việc với máy móc, chị Thanh Hồng lại tất bật tham gia các cuộc họp với đủ mọi phòng ban từ sản xuất, kỹ thuật, kho đến marketing. Có lúc chỉ là vài chuyện nhỏ như thay đổi nhà cung cấp hương liệu nhưng cũng có ngày là cả lô hàng cần rà soát vì nghi ngờ lỗi bao bì. Chị Hồng so sánh vui “Mỗi cuộc họp là một lần “giải cứu thế giới” theo cách rất riêng của nghề thực phẩm”. 

Buổi chiều thường là thời gian chị dành cho các mẫu thử: kiểm tra chỉ tiêu vi sinh, độ ẩm, độ pH, độ ngọt, độ mặn… tùy vào sản phẩm. “Làm thí nghiệm vui lắm nhưng cũng phải cực kỳ chính xác vì kết quả này quyết định xem sản phẩm có được “bước chân ra thị trường” hay không”, chị Hồng tâm sự. 

Cuối ngày, khi công việc đã thư thả hơn một chút, chị mới tập trung ghi lại từng kết quả kiểm tra, những điểm chưa phù hợp và đề xuất xử lý. Với chị, đây là điều không thể qua loa vì một lỗi ghi sai cũng có thể khiến cả lô hàng bị xử lý sai hoặc chậm trễ. “Làm báo cáo không chỉ là ghi lại những gì đã xảy ra mà còn là cách mình nhìn lại cả một ngày làm việc, nỗ lực để đảm bảo chất lượng, giữ tròn niềm tin với người tiêu dùng. Và chính trong những dòng báo cáo ấy, mình thấy rõ hơn giá trị của công việc đang theo đuổi”, chị Thanh Hồng bộc bạch. 

Thách thức khi bạn là người “khó tính nhất phòng”

“Nhiều lúc thấy buồn cười mà cũng hơi chạnh lòng. Trong công ty, cứ nhắc tới mình là mấy bạn bên sản xuất hay trêu: “Ê, sếp chất lượng tới kìa, chuẩn bị tinh thần bị bắt lỗi đi!”. Mình biết là mọi người thấy mình khó chịu nhưng quản lý chất lượng mà, mình phải chi tiết, phải kỹ tính, phải “soi” từng lỗi nhỏ để đảm bảo sản phẩm không bị lỗi khi tới tay khách hàng. Ai cũng muốn mọi thứ nhanh, gọn, xong sớm còn mình lại phải là người níu lại, kiểm tra, bắt sửa. Vậy nên trong mắt người khác, mình thành ra người hay cản trở tiến độ hay “làm màu” với quy trình”, chị Thanh Hồng thổ lộ. 

Chị tiếp lời “Thật ra không phải mình thích soi mói hay cố tình làm khó. Chỉ là nếu mình không làm kỹ từ đầu, khi sản phẩm ra lỗi, hậu quả còn nặng hơn: mất uy tín, bị khiếu nại, tốn chi phí sửa chữa, đôi khi mất luôn khách hàng. Giải thích vậy mà nhiều người vẫn nghĩ mình “làm quá”. Nhưng mình vẫn chọn làm nghiêm, vì mình biết nếu dễ dãi một lần, cả dây chuyền sau có thể phải trả giá”. 

Đó là chưa kể các quy định, tiêu chuẩn chất lượng thay đổi liên tục. Vừa mới quen với bộ ISO năm trước, chưa kịp thở thì năm nay đã cập nhật phiên bản mới, rồi mỗi lần công ty tái cấu trúc hay đổi chiến lược là lại phải sửa, bổ sung, cập nhật đủ thứ. Cảm giác cứ như lúc nào cũng phải trong tình trạng “trực chiến”. “Nhưng điều khiến một nhân viên quản lý chất lượng “đuối” nhất là phải truyền đạt lại cho các phòng ban khác hiểu và thực hiện đúng. Mà nói thật, đâu phải ai cũng thích nghe chuyện quy trình, biểu mẫu hay tiêu chuẩn kỹ thuật. Có người còn bảo: “Chất lượng rắc rối quá, làm mất thời gian”. Lúc đó, mình vừa phải kiên nhẫn giải thích, vừa phải làm sao để quy trình không bị rối thêm”, chị Hồng tâm sự. 

Khi được hỏi khi đối mặt với nhiều vấn đề như vậy, có khi nào chị muốn bỏ cuộc không, chị cười vui vẻ: “Mình vẫn gắn bó với công việc trong nhiều năm qua vì tin rằng nếu chất lượng tốt thì mọi thứ khác mới bền. Và mình thích cái cảm giác được góp phần tạo nên sản phẩm mà mình có thể tự tin nói: “Cái này mình kiểm tra rồi, yên tâm đi”. 

Không thể thiếu sự bình tĩnh, bản lĩnh và biết lắng nghe

“Làm quản lý chất lượng, giỏi chuyên môn thôi chưa đủ đâu. Mình nhận ra càng làm lâu thì càng phải rèn cho mình sự bình tĩnh, bản lĩnh và đặc biệt là biết lắng nghe”, chị Thanh Hồng nhận định. 

Chị đưa ra ví dụ, trong một ngày làm việc, có thể bạn sẽ phải xử lý nhiều lỗi phát sinh, tranh luận với sản xuất, trả lời khách hàng, rồi còn giải thích cho cấp trên vì sao phải chậm tiến độ để đảm bảo chất lượng. Nếu không giữ được bình tĩnh, bạn sẽ dễ bị cuốn theo áp lực mà đưa ra quyết định vội vàng. 

Ngoài ra, bạn cũng cần bản lĩnh để đứng ra bảo vệ quan điểm chuyên môn nhưng cũng phải đủ mềm mỏng để không biến mình thành “kẻ đối đầu” của cả quy trình sản xuất. Cân bằng được điều đó, bạn mới thực sự là một người quản lý chất lượng đúng nghĩa: người đứng giữa cân bằng giữa tốc độ, chi phí và chất lượng.

Và một điều quan trọng nữa là lắng nghe để hiểu đồng nghiệp đang gặp khó khăn gì, khách hàng đang không hài lòng chỗ nào và cả việc tự điều chỉnh bản thân mình. Vì thực tế không phải lúc nào quy trình đưa ra cũng phù hợp ngay, có khi phải linh hoạt, thay đổi để tốt hơn.

“Là nhân viên quản lý chất lượng, bạn sẽ đóng vai trò là người “gác cổng” cuối cùng. Không ai nhớ tên bạn khi mọi thứ vận hành trơn tru nhưng nếu có lỗi, bạn sẽ là người đầu tiên được gọi tên. Áp lực là vậy nhưng mình chấp nhận làm việc một cách thầm lặng cùng tinh thần trách nhiệm và mình luôn tự hào vì điều đó”, chị Thanh Hồng khẳng định. 

Ngọc Quyên

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công