Chuyện công sở: 3 sẵn sàng – 4 tránh xa để luôn được chào đón

Chốn văn phòng theo một ý nghĩa nào đó chính là một trường đời thu nhỏ với đủ thể loại câu chuyện công sở rắc rối. Ở nơi đây, chúng ta phải học ăn, học nói, học ứng xử, học tiến lùi đúng lúc. Để luôn được chào đón ở mọi công ty đặt chân đến, mình luôn tuân thủ nguyên tắc 3 sẵn sàng – 4 tránh xa. Với nguyên tắc này, cuộc sống công sở của mình phần nào dễ dàng hơn và nếu muốn bạn cũng có thể áp dụng.

3 sẵn sàng trong câu chuyện công sở là gì?

Đầu tiên là sẵn sàng học hỏi.

Kiến thức là vô tận, những kỹ năng cần thiết trong nghề nghiệp liên tục đổi mới theo sự phát triển của công nghệ nói riêng và sự hiện đại hóa của xã hội nói chung. Những điều chúng ta biết chỉ là một hạt cát trong sa mạc, một ngọn cỏ trong rừng cây, một con sóng giữa đại dương, không bao giờ là đủ. Những kỹ năng chúng ta giỏi rồi một ngày nào đó cũng trở nên lỗi thời. Bởi vậy, đừng bao giờ từ chối tiếp nhận những điều hay ho mới mẻ, làm mới bản thân để mình của ngày sau là một con người hoàn hảo hơn mình của những ngày trước.

Không ai yêu quý một đồng nghiệp lười biếng, cũng không ai trân trọng một nhân viên không có chí tiến thủ. Hài lòng với những gì mình có có thể cho chúng ta sự bình yên trong cuộc sống hằng ngày nhưng lại là dấu chấm hết cho sự nghiệp của mỗi người. 

Thứ hai là sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, bạn có thường làm điều này không?

Công sở không phải là nhà của chúng ta, sếp cũng không phải ba mẹ của chúng ta, đồng nghiệp càng không phải anh em ruột thịt của chúng ta. Chúng ta có thể không sợ mếch lòng người thân vì dù chúng ta có ích kỷ thì họ vẫn ở đấy, vẫn là gia đình của chúng ta. Nhưng sếp và đồng nghiệp thì hoàn toàn khác.

Ở nhà nhờ cậy người thân, đến công ty cậy nhờ đồng nghiệp. Dù cho chúng ta tài giỏi đến đâu, độc lập đến đâu thì cũng không thể sống, làm việc mà không bao giờ cần đến sự hỗ trợ, giúp sức của đồng nghiệp. Luôn giúp đỡ đồng nghiệp trong khả năng của mình sẽ giúp chúng ta có những mối quan hệ tốt đẹp và môi trường làm việc lành mạnh hơn.

“Hãy sẵn sàng cho đi sự giúp đỡ để luôn nhận lại sự hỗ trợ và chúng ta có được những câu chuyện công sở đẹp đẽ thay vì sự tiêu cực và độc hại.”

Cuối cùng là sẵn sàng làm thêm nếu công ty thực sự cần.

Mình không khuyến khích bạn tất bật tăng ca khi không được trả lương ngoài giờ nhưng trong rất nhiều hoàn cảnh, đừng quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Khi công ty thật sự cần đến thời gian của chúng ta, khi thời gian mà chúng ta cho đi có thể đem lại cho công ty những giá trị thiết thực thì đừng ngần ngại chia sẻ quỹ thời gian của mình. Dù bằng cách này hay cách khác, sự cho đi sẽ đem đến cho chúng ta sự công nhận. Đừng chi li tính phút tính giờ để yêu cầu tiền tăng ca, hãy cứ cống hiến hết mình nếu có thể.

Còn 4 không nên thì thế nào?

Một biểu hiện thường thấy đó là tụ tập nói xấu sếp cùng đồng nghiệp.

Dẫu biết rằng bất cứ lãnh đạo nào cũng không thể khiến toàn bộ nhân viên hài lòng và việc bị nhân viên nói xấu sau lưng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nên nhớ, sếp không cần phải làm vừa lòng chúng ta và việc tụ tập nói xấu sếp cùng những đồng nghiệp lắm lời dù có vẻ vô hại nhưng lại là một hành vi vô cùng méo mó.

Dù bạn không góp lời vào những buổi tám chuyện công sở, nói xấu sếp nhưng chỉ cần chúng ta có mặt ở đó, lắng nghe và gật gù thì ngày mai, ngày kia có thể chúng ta sẽ trở thành kẻ “chủ trì” những buổi nói xấu sếp trong lời kể của những đồng nghiệp có mâu thuẫn với chúng ta. Thử nghĩ xem, nếu điều đó thực sự xảy ra, chúng ta sẽ phải đón nhận những hệ quả gì?

Hoặc cùng nhau cô lập, nói xấu đồng nghiệp…

Nói xấu người khác không bao giờ giúp chúng ta trở nên đẳng cấp hơn và cô lập người khác sẽ khiến chúng ta trở nên hèn mọn. Nếu không thể hoặc không muốn lên tiếng bảo vệ ai đó trong công sở thì ít nhất hãy duy trì thái độ trung lập và cố gắng giữ sự tử tế dù cho đồng nghiệp đó xứng đáng bị cả công ty quay lưng.

Thay vì dành thời gian để sân si hay quan tâm đến thị phi xung quanh, hãy chỉ tập trung, nỗ lực hết sức để hoàn thành những công việc được giao phó. Nói xấu, cô lập đồng nghiệp không khiến chúng ta thăng tiến nhanh hơn hoặc một bước lên tới trời, chỉ có hiệu quả đạt được trong công việc mới có thể chứng minh năng lực của chúng ta.

Hay có cái tôi cá nhân quá cao

Để duy trì mối quan hệ hòa thuận nơi công sở và giúp quá trình triển khai công việc được suôn sẻ, chúng ta nên biết tiến lùi đúng lúc. Ai cũng có cái tôi riêng nhưng làm thế nào để dung hòa cái tôi của rất nhiều cá thể riêng biệt mới là điều cần lưu tâm. 

Không phải lúc nào chúng ta cũng đúng và trong rất nhiều trường hợp, sự cố chấp sẽ không đem lại hiệu quả tốt mà ngược lại, nó sẽ đưa mọi vấn đề lâm vào ngõ cụt. Hãy biết nương nhau, lắng nghe nhau, phân tích đúng sai, thiệt hơn trước khi khiến mọi chuyện trở nên phức tạp và không có lối thoát.

Và cãi tay đôi với bất cứ ai bất đồng quan điểm

Công ty là nơi làm việc, không phải nơi để tranh cãi hay phân bua hơn thua, được mất. Sự nóng nảy, mất kiểm soát trong lời nói và hành vi không làm chúng ta trở nên vĩ đại mà chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà thôi. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không chính là bí quyết để không bao giờ sinh chuyện thị phi và luôn duy trì sự hòa hợp với đồng nghiệp.

Ngoài 3 sẵn sàng – 4 tránh xa như mình chia sẻ trên đây, bạn còn có những tuyệt chiêu nào khác để luôn được sống, làm việc trong tình yêu thương của sếp và đồng nghiệp cũng như có được những câu chuyện công sở thú vị, hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận nhé.

Trang Đoàn

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công