Mục Lục
Với vai trò chuyển đổi thông tin từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thông dịch viên được xem là người có thể thu hẹp khoảng cách giữa con người với nhau. Thông qua sự hỗ trợ của họ, các rào cản về ngôn ngữ được xóa bỏ và việc giao tiếp giữa hai bên trở nên dễ dàng hơn.
Nhiều người cho rằng công việc của một thông dịch viên chuyên nghiệp khá đơn giản, chỉ cần học một ngôn ngữ khác và dịch. Bùm một cái, cả thế giới sẽ hiểu người mà bạn đang thông dịch muốn nói gì. Chà, mọi việc không đơn giản như vậy. Không phải ai biết song ngữ đều có thể làm thông dịch viên. Hiểu ngôn ngữ là một chuyện nhưng hiểu được ý tưởng mà người nói cố gắng truyền đạt lại là một chuyện khác. Các thông dịch viên phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu mới có được công việc, nỗ lực rất nhiều để nắm vững được thủ thuật theo kịp tốc độ, xử lý các thuật ngữ khó, nhận ra vô số giọng nước ngoài và phải tiếp tục học hỏi sau đó để theo kịp sự phát triển của ngành.
Và còn điều gì khác bạn cần biết về công việc thông dịch viên trước khi bước vào con đường này?
Có nhiều hình thức thông dịch viên khác nhau
Bạn có thể trở thành thông dịch viên cabin, thông dịch nối tiếp, thông dịch thì thầm hoặc thông dịch tiếp sức.
Trong thế giới phiên dịch, việc thông dịch đồng thời có thể được coi là yêu cầu khắt khe nhất. Bạn cần có kỹ năng ngôn ngữ xuất sắc để có thể nghe thông tin từ tai nghe trong cabin rồi dịch vào micro cho người nghe sao cho khi người nói vừa kết thúc câu nói thì phần thông dịch cũng kết thúc cùng thời điểm, hoặc chậm nhiều nhất là 30 giây.
Bao nhiêu thôi cũng đã thấy đây là một công viêc rất căng thẳng, thế nên thường sẽ có ít nhất 2 thông dịch viên cùng làm việc với nhau, mỗi người thường thông dịch trong khoảng 20 – 30 phút và nghỉ 10 phút giữa các phiên. Càng căng thẳng hơn nữa khi các loại hình thông dịch này thường diễn ra trong các phiên điều trần của Liên hiệp quốc, các cuộc đàm phán giữa các quốc gia hay các hội nghị thượng đỉnh quốc tế.
Dễ thở hơn một chút là thông dịch nối tiếp, trong đó người nói sẽ ngưng một chút sau mỗi câu để bạn có thể dịch lại những gì được nói. Mặc dù có nhiều không gian để thở hơn nhưng bạn sẽ phải vượt qua thử thách để nhớ chính xác ai làm gì với ai và khi nào, sau đó đưa ra các diễn đạt chính xác về mặt văn phong bằng ngôn ngữ đích.
Thân thiết và gần gũi hơn có lẽ là thông dịch thì thầm. Đúng như tên gọi, bạn sẽ ngồi cạnh khách hàng và thực hiện thông dịch song song với giọng nói nhỏ nhẹ nhất.
Và cuối cùng là thông dịch tiếp sức, thường được sử dụng trong các hội nghị hoặc sự kiện đa ngôn ngữ. Lúc này, bạn sẽ lắng nghe người nói và dịch thông điệp sang ngôn ngữ mà những người còn lại trong nhóm thông dịch đều biết. Sau đó, họ sẽ diễn giải thông điệp nhận được sang ngôn ngữ thứ ba cho những ai không biết ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai.
Dù chọn bất kỳ công việc nào trong số này, ngoài kỹ năng ngôn ngữ bạn còn cần đến sự tập trung, tư duy nhanh nhạy và trên hết là làm việc tốt dưới áp lực.
Nguyễn Thị Hồng Thắm – Thông dịch viên tiếng Nhật
“Một thông dịch viên chất lượng cao sẽ có nhiều công cụ và kỹ thuật mà họ có thể sử dụng để vượt qua những thách thức và khó khăn trong nghề”.
Thông dịch viên giỏi là người có nền tảng kiến thức rất rộng
Nghề của chúng tôi là một nghề đòi hỏi rất khắt khe vì nó yêu cầu chúng tôi phải thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ, biết tất cả các kỹ thuật thông dịch cần thiết để cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, bắt kịp công nghệ luôn thay đổi và có kiến thức tổng quát sâu rộng bao gồm nhiều chủ đề từ bình thường đến siêu việt, từ nghệ thuật đến khoa học, từ được chấp nhận rộng rãi đến gây tranh cãi.
Đến giờ tôi vẫn nhớ lần thông dịch cho một hội nghị về các địa điểm khảo cổ. Đây là sự kiện lớn nên tôi và đồng nghiệp đã chuẩn bị rất kỹ càng để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ từ cabin. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến phiên thông dịch của đồng nghiệp, người nói bẻ lái cực gắt sang các câu chuyện thần thoại thay vì đi đúng chủ đề là các địa điểm khảo cổ.
Khỏi phải nói, đồng nghiệp của tôi cứng đờ và không thốt ra được bất cứ từ nào. Gương mặt cô ấy hiện rõ sự tuyệt vọng và hoảng sợ vì không thể nói gì. Sau khoảnh khắc tưởng chừng như vô tận ấy, tôi đã lên tiếng phá vỡ sự im lặng và hỗ trợ cô ấy kết thúc phiên làm việc.
Sau khi sự kiện kết thúc, cô ấy nói rằng rất ấn tượng vì tôi đã cứu được tình thế, và nhận ra có lẽ cô ấy không phù hợp để làm loại công việc này vì phải biết quá nhiều thứ. Cô ấy đã đúng. Chúng tôi phải biết về mọi thứ liên quan đến công việc. Thông dịch viên chăm sóc sức khỏe phải luôn sẵn sàng giải thích các khái niệm về phẫu thuật, sinh lý học, dược lý học… Thông dịch viên tài chính phải biết về các báo cáo quản lý quỹ đầu tư, phân tích thị trường chứng khoán hoặc nghiên cứu kinh tế vĩ mô… không khác gì một kế toán hay một nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, chúng tôi còn phải có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa của cả hai bên để truyền tải chính xác thông điệp mỗi người đang nói. Những gì có thể là bình thường ở một nền văn hóa này có thể gây tranh cãi ở một quốc gia khác. Nếu cứ thế mà dịch trực tiếp thì sẽ gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Đây là lý do tại sao việc bản địa hóa trở thành yếu tố quan trọng giúp các thông dịch viên thành công. Mặc dù đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kiến thức hơn nhưng sẽ đảm bảo rằng thông điệp được truyền tải mà không gây hiểu lầm, xúc phạm hoặc bối rối cho người nhận.
Muốn có được sự hiểu biết đa dạng đó, chúng tôi luôn học hỏi và rèn giũa không ngừng, luôn cập nhật những tin tức mới nhất trên thế giới để có thể sẵn sàng sử dụng ngay lập tức. Với tôi, đây là một trong những thách thức nhưng cũng là khía cạnh hấp dẫn nhất của nghề.
Đinh Quốc – Thông dịch viên tiếng Trung
Khi thông dịch, chính giọng điệu mới là điều quan trọng!
Nói đúng hơn, giọng điệu không chỉ quan trọng mà còn tác động rất lớn đến mức độ thành công của việc thông dịch. Việc nhấn mạnh không đúng chỗ có thể làm thay đổi ý nghĩa của thông điệp và khiến cuộc giao tiếp đi chệch hướng.
Nếu bạn cho rằng việc truyền tải giọng điệu là một yếu tố tùy chọn trong giao tiếp (và có thể bạn không nghĩ vậy, nhưng bạn có thể biết ai đó làm được điều đó), hãy để tôi chia sẻ tình huống sau:
Bệnh nhân (người tôi đang thông dịch) đang cần thực hiện gấp một thủ thuật nhưng lại không hợp tác vì có trải nghiệm khủng khiếp với thủ thuật tương tự trong quá khứ. Bác sĩ ngay lập tức đáp lại bằng giọng điệu nghiêm khắc và thẳng thắn rằng cô ấy cần phải quyết định ngay. Trong đầu tôi lúc đó nghĩ rằng vị bác sĩ này thật không tử tế chút nào nhưng công việc của tôi không phải là đánh giá thông điệp của người nói mà là truyền đạt lại nguyên vẹn. Cũng hơi khó mở lời nhưng tôi đã làm như vậy với giọng điệu gắt gỏng và chuẩn bị tinh thần lắng nghe lời phàn nàn. Không ngờ bệnh nhân đã gật đầu cái rụp, thủ thuật được thực hiện nhanh chóng và thành công. Nghĩ lại, thái độ của bác sĩ có lý và là công cụ giúp đạt được kết quả thành công. Bệnh nhân đã cảm ơn bác sĩ vì đã làm rất tốt. Đáp lại, ông nói cô ấy đã có một thông dịch viên giỏi. Ồ, không đâu! Tôi chỉ làm theo sự dẫn dắt của bác sĩ mà thôi.
Thân Thúy Quỳnh – Thông dịch viên tiếng Anh chuyên ngành Y khoa
Có thể thấy, công việc thông dịch viên không đơn giản như lắng nghe ai đó và chỉ nói lại những điều nghe được bằng một ngôn ngữ khác. Nó đòi hỏi nhiều năm đào tạo và thậm chí có thể là hàng giờ nghiên cứu về các chủ đề phức tạp và sự khác biệt về văn hóa trong những ngày trước buổi làm việc chính thức. Nhưng nếu bạn đã có khả năng, kỹ năng và sự quyết tâm thì cứ việc “chiến” thôi!
Huỳnh Trâm