Đầu năm, ngẫm về cách đi nhanh hơn người khác trong công việc

Bạn muốn được cất nhắc lên vị trí leader, manager chỉ sau một vài năm làm việc hay mong muốn sau 4,5 năm vẫn dậm chân tại chỗ, dù tiếp tục cống hiến cho công ty hiện tại hay rời đi tìm một vùng trời mới nhưng không thể thăng tiến lên vị trí cao hơn? Bạn có bao giờ tự hỏi, họ – những người luôn đi nhanh hơn người khác trong công việc, sở hữu những tố chất gì để có thể làm được điều đó?

Giả sử họ và bạn đều có cùng xuất phát điểm về nền tảng học vấn, thậm chí kinh nghiệm làm việc của họ còn chẳng bằng bạn. Thế nhưng, họ có thể đi nhanh hơn bạn là vì:

Đầu năm, ngẫm về cách đi nhanh hơn người khác trong công việc

Họ không chỉ va vấp nhiều hơn bạn mà còn học được nhiều bài học hơn từ những va vấp đó

Mọi người thường nói với bạn rằng, cuộc sống phải có nhiều va chạm, nhiều trải nghiệm mới có thể thành công. Tuy nhiên, những trải nghiệm đó sẽ chẳng mang lại bất cứ giá trị nào nếu bạn không có tư duy tổng hợp, phân tích và tinh lọc chúng để đúc rút những bài học kinh nghiệm cho chính mình. Sai lầm sẽ chỉ để lại nuối tiếc nếu chúng ta không học được gì từ đó.

Một dự án khép lại, có thành công, cũng sẽ có những thất bại. Điểm mấu chốt là bạn cần nhận ra mình sai ở đâu và tại sao bạn lại mắc sai lầm đó để ở những dự án tiếp theo, bạn sẽ chuẩn bị sẵn sàng phương án dự phòng và không lặp lại sai lầm đó bất cứ lần nào nữa.

Cùng là 5 năm kinh nghiệm nhưng 5 năm của người này sẽ hoàn toàn khác với 5 năm của người kia. Có thể với người này 5 năm chỉ là một câu chuyện về những vui buồn đã qua và đương nhiên, qua rồi thì cứ để nó qua đi. Nhưng với người kia, 5 năm là một loạt kinh nghiệm, kiến thức đã được hệ thống hóa, quy trình hóa và có thể áp dụng ngay lập tức một cách nhuần nhuyễn.

Bạn có nhớ câu chuyện về Thomas Edison không? Hầu hết những nỗ lực phát minh ra bóng đèn điện của ông đều thất bại. Trên thực tế, Thomas Edison đã thử hai nghìn vật liệu khác nhau để tìm kiếm dây tóc bóng đèn. Khi không có thử nghiệm nào mang đến kết quả, trợ lý của ông phàn nàn: “Tất cả công việc của chúng ta đều vô ích. Chúng ta chẳng học được gì cả”. Edison trả lời rất tự tin: “Chúng đã học được rất nhiều điều đấy chứ. Chúng ta biết rằng có hai nghìn nguyên tố mà chúng ta không thể sử dụng để tạo ra một bóng đèn tốt”. Bằng sự kiên trì, học hỏi từ những sai lầm, ông đã đi đến điểm thành công: bóng đèn bật sáng!

Vậy đó, đừng trải nghiệm một cách vô tội vạ rồi cho rằng chỉ vậy thôi là ổn. Người khác chỉ trải nghiệm trong 1 năm, 2 năm nhưng có thể bằng 5 năm trải nghiệm của bạn là vì họ không ngừng nhìn nhận lại và đánh giá được mất từ những gì bản thân đã trải qua, từ đó tích lũy từng chút, từng chút một và khiến bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Bạn không nhất thiết đi nhanh hơn người khác với tốc độ kinh hoàng, bạn chỉ cần tốt hơn ngày hôm qua 1% thì sau 1 năm, bạn sẽ tốt hơn bản thân của thời điểm hiện tại đến 365%.

Từ hôm nay hãy can đảm lên, thử điều gì đó mới mẻ và đừng sợ mắc sai lầm. Mọi người đều mắc sai lầm ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Nó không chỉ cho chúng ta bài học mà còn có thể giúp người khác tránh mắc sai lầm tương tự và họ có thể học được từ thất bại của chúng ta!

Không phải động lực, kỷ luật mới là thứ thôi thúc họ làm việc

Có một câu nói rất hay và cũng rất chính xác: “Kỷ luật sẽ đưa bạn đi xa hơn động lực”.

Chúng ta thường có xu hướng ca ngợi động lực, khích lệ việc tạo động lực và e ngại trước những môi trường làm việc cũng như những người lãnh đạo có khuynh hướng đề cao tính kỷ luật. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận một sự thật đó là động lực là nhiên liệu cho ngọn lửa và kỷ luật giúp bạn giữ cho nó luôn cháy. Động lực là nguồn cảm hứng bùng nổ ban đầu nhưng tính kỷ luật là thứ giúp bạn tiến tới mục tiêu của mình và duy trì nó trong thời gian dài, thậm chí giúp bạn chinh phục những mục tiêu cao hơn so với dự định ban đầu. Có những ngày một nhiệm vụ dường như vô nghĩa, nhàm chán hoặc phức tạp và chúng ta cần có kỷ luật để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó và vượt qua những thời điểm khó khăn.

Một người phải đợi có hứng mới đi tập gym không thể sở hữu thân hình săn chắc như một người dù mưa gió cỡ nào, dù bạn bè rủ rê tụ tập ăn nhậu ra sao cũng nhất quyết không bỏ dở buổi tập.

Một người phải đợi có hứng mới làm việc không thể đạt hiệu suất cao, cũng không thể được sếp coi trọng như một người luôn tự đặt ra những nguyên tắc bất di bất dịch cho bản thân: làm xong việc mới xem phim, làm xong việc mới cầm điện thoại, làm xong việc mới đi ngủ…

“Để đi nhanh hơn người khác trong công việc, hãy chứng tỏ giá trị của bạn, mở rộng kiến ​​thức và hoàn thiện các kỹ năng.”

Theo bản năng, con người thường chỉ làm tốt những việc bản thân yêu thích. Vậy nên, nếu bạn có thể làm tốt ngay cả những việc mình không thích thì đó chính là tấm vé vàng để chạm tay đến thành công.

Vậy đấy, bạn muốn xuất sắc hơn người khác thì bạn nhất định phải làm được và thậm chí là làm tốt những điều mà họ không làm được. Vì lẽ đó, ngay từ bây giờ, hãy tập làm những điều mà bản thân không có hứng thú. Chính điều này sẽ giúp bạn trở nên khác biệt và nổi bật giữa đám đông.

Đừng lầm tưởng rằng bản thân không phải một người tham vọng, không mong muốn thăng tiến, chỉ muốn sống một cuộc sống bình phàm thì cần gì phải học cách đi nhanh hơn người khác trong công việc. Thử hỏi, giữa thời điểm khó khăn, nếu bạn không có tố chất, cũng chẳng có năng lực gì hơn người, doanh nghiệp sẽ giữ bạn ở lại để làm một nhân vật mờ nhạt cho đến tuổi về hưu hay sao?

Trang Đoàn

Sao chép thành công