Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2024

Bước vào thị trường lao động, không nhiều thì ít bạn đã từng nghe đến thu nhập cá nhân. Vậy bạn có thắc mắc thu nhập cá nhân là gì, cách tính thuế thu nhập cá nhân thế nào? Nếu đây là điều bạn đang tìm hiểu thì bài viết sau đây là dành cho bạn.

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh vào tiền lương, tiền công và các loại thu nhập khác của một cá nhân.

Nói cách khác, đây là khoản tiền cá nhân trích từ một phần tiền lương, tiền công và các thu nhập khác và đóng cho cơ quan thuế sau khi đã trừ các khoản giảm trừ.

Thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng cho người có mức thu nhập phải đóng thuế. Người có thu nhập càng cao thì mức nộp thuế thu nhập cá nhân càng lớn.

Đối tượng áp dụng tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương và tiền công

  • Cá nhân cư trú: có nơi ở/ nhà thuê thường xuyên tại Việt Nam, có thời gian thuê nhà từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế hoặc 1 năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. 2 trường hợp áp dụng tính thuế TNCN của cá nhân cư trú gồm: cá nhân kí hợp đồng từ 03 tháng trở lên và cá nhân ký hợp đồng dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.
  • Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú, thường là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Xem thêm: Việc Làm Kế Toán tại Careerlink.vn

Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2024

“Biết cách tính thuế thu nhập cá nhân bao gồm việc biết bạn thuộc đối tượng chịu thuế nào, thu nhập nào chịu thuế và thu nhập nào không”

Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất (%)

Trong đó:

Thu nhập tính thuế TNCN = Tổng thu nhập – (Các khoản bảo hiểm + Các khoản giảm trừ + Các khoản được miễn thuế)

1. Tổng thu nhập là các khoản được chi trả bao gồm: tiền lương, tiền công, thù lao, phụ cấp, trợ cấp…

2. Các khoản bảo hiểm bắt buộc theo tỷ lệ: BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%).

3. Các khoản giảm trừ:

– Giảm trừ gia cảnh:

+ Đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng.

+ Đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. (Phải đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh).

– Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

 4. Các khoản được miễn thuế bao gồm:

– Tiền ăn giữa ca không vượt quá 730.000 đ/tháng.

 Ví dụ: Nếu bạn được phụ cấp tiền ăn là 750.000 đ/tháng thì được miễn 730.000đ, còn 750.000 – 730.000 = 20.000 sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN

 – Chi phí phụ cấp trang phục không hơn 5.000.000 đ/năm (Miễn toàn bộ nếu chi bằng hiện vật)

Ví dụ: Nếu bạn nhận tiền phụ cấp trang phục là 4.900.000đ/năm/người thì sẽ được miễn toàn bộ

           Nếu bạn nhận được 5.200.000đ/năm/người thì được miễn 5.000.000, còn 200.000đ sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

– Phụ cấp điện thoại, tiền xăng, tiền công tác phí (theo Quy chế tài chính/Quy chế nội bộ của Công ty).

– Thu nhập làm thêm vào ngày nghỉ, lễ, ban đêm được trả cao hơn tiền công so với ngày thường

 Ví dụ: Bạn ngày làm được 50.000đ/giờ nhưng làm thêm ban đêm được 70.000đ/giờ thì 70.000 – 50.000 = 20.000đ sẽ được miễn thuế

 – Phụ cấp thuê nhà không quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà)…

 B.  Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Bậc thuế (1)Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) (2)Thuế suất (%) (3)Công thức tính số thuế phải nộp (4)
1Đến 55Thu nhập tính thuế (TNTT) x 5%
2Trên 5 đến 1010TNTT x 10% – 250.000 đ
3Trên 10 đến 1815TNTT x 15% – 750.000 đ
4Trên 18 đến 3220TNTT x 20% – 1.650.000 đ
5Trên 32 đến 5225TNTT x 25% – 3.250.000 đ
6Trên 52 đến 8030TNTT x 30% – 5.850.000 đ
7Trên 8035TNTT x 35% – 9.850.000 đ

Cùng xem các ví dụ sau để hình dung rõ hơn về cách tính thuế TNCN:

Ví dụ 1: Tháng 7/2024 Ông A nhận được các khoản thu nhập sau:

  • Tiền lương theo ngày công làm việc: 20.000.000 đ
  • Phụ cấp tiền ăn giữa ca: 500.000 đ
  • Phụ cấp điện thoại: 200.000 đ

  Trong tháng này, ông A không đóng góp bất cứ khoản nào liên quan đến từ thiện, nhân đạo…

  Ngoài ra, ông A nuôi 1 con dưới 18 tuổi, đã đăng ký người phụ thuộc tại công ty.

   Cách tính thuế thu nhập cá nhân của ông A trong tháng 7/2024 như sau:

1.     Tổng thu nhập = 20.000.000 đ + 500.000 đ + 200.000 đ = 20.700.000 đ

2.     Các khoản bảo hiểm

              BHXH (8%)    = 20.700.000 đ x 8%     =   1.6560.000 đ

              BHYT (1,5%)  = 20.700.000   x 1,5%   =    310.500 đ

              BHTN (1%)     = 20.700.000   x 1%      =     207.000 đ

_______________________________________________________

                                                       Tổng =   2.173.500 đ

3. Các khoản giảm trừ:

–  Bản thân: 11.000.000 đ

–  1 người phụ thuộc = 4.400.000 đ

Tổng giảm trừ: 15.400.000 đ

4. Các khoản được miễn = 500.000 (phụ cấp tiền ăn giữa ca)

Vậy, thu nhập tính thuế (TNTT) = Tổng thu nhập – (Các khoản bảo hiểm + Giảm trừ + Các khoản được miễn thuế)

   = 20.700.000 đ – (2.173.500 đ + 15.400.000 đ + 500.000 đ) = 2.626.500 đ

            Suy ra, thu nhập tính thuế của ông A thuộc bậc 1 (Đến 5 triệu đồng)

Dựa vào công thức cột thứ (4) cho bậc 1 trong bảng Biểu thuế lũy tiến từng phần thì: 

Số thuế TNCN phải nộp = TNTT x 5% = 2.626.500 đ x 5% = 131.325 đ

Từ đây, cũng có thể suy ra mức lương thực nhận hàng tháng của ông A là:

Số lương thực nhận = Tổng thu nhập – (Các khoản bảo hiểm + Thuế TNCN)

       = 20.700.000 đ – (2.173.500đ + 131.325 đ) = 18.395.175 đ

Ví dụ 2: Tháng 8/2024, Ông M nhận được các khoản thu nhập như sau:

o   Lương theo ngày công làm việc: 50.000.000 đ

o   Phụ cấp tiền ăn giữa ca: 500.000 đ

o   Phụ cấp điện thoại: 200.000 đ

      Trong tháng này, ông M không đóng góp bất cứ khoản nào liên quan đến từ thiện, nhân đạo…

             Ngoài ra, ông M nuôi 2 con dưới 18 tuổi, đã đăng ký người phụ thuộc tại công ty.

             Cách tính thuế thu nhập cá nhân của ông M trong tháng 8/2024 như sau:

1.     Tổng thu nhập = 50.000.000 đ + 500.000 đ + 200.000 đ = 50.700.000 đ

2.     Các khoản bảo hiểm:

+ Mức lương đóng BHXH, BHYT = 20 lần mức lương cơ sở = 20 x 2.340.000 đ = 46.800.000 đ

+ Mức lương đóng BHTN = 20 lần mức lương tối thiểu vùng = 20 x 4.960.000 đ = 99.200.000 đ (vượt mức lương của ông M, nên tính theo mức lương là 50.000.000 đ)

BHXH (8%)   = 46.800.000 đ x 8%      = 3.744.000 đ

BHYT (1,5%) = 46.800.000  đ x 1,5%   = 702.000 đ

BHTN (1%)    = 50.000.000 đ x 1%      =   500.000 đ

_______________________________________________________

                             Tổng =  4.946.000 đ

3. Các khoản giảm trừ:

– Bản thân: 11.000.000 đ

– 2 người phụ thuộc = 2 x 4.400.000 đ = 8.800.000 đ

Tổng giảm trừ: 19.800.000 đ

4. Các khoản được miễn = 500.000 đ (phụ cấp tiền ăn giữa ca)

   Vậy, thu nhập tính thuế (TNTT) = Tổng thu nhập – (Các khoản bảo hiểm + Giảm trừ + Các khoản được miễn thuế)

= 50.700.000 đ – (4.946.000 đ + 19.800.000 đ + 500.000 đ) = 25.454.000 đ

Suy ra, thu nhập tính thuế của ông M thuộc bậc 4 (Trên 18 đến 32 triệu đồng)

Dựa vào công thức cột thứ (4) cho bậc 4 trong bảng Biểu thuế lũy tiến từng phần thì:  

Số thuế TNCN phải nộp = TNTT x 20% – 1.650.000 = (25.454.000 đ x 20%) – 1.650.000 đ = 3.440.800 đ

Từ đây, cũng có thể suy ra mức lương thực nhận hàng tháng của ông M là:

Số lương thực nhận = Tổng thu nhập – (Các khoản bảo hiểm + Thuế TNCN)

= 50.700.000 – (4.946.000 đ + 3.440.800 đ) = 42.313.200 đ

Đối với cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng

Công thức tính

Thuế TNCN phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

Đối với cá nhân không cư trú

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế TNCN x 20% thuế suất

Cách tính thu nhập chịu thuế đối với cá nhân không cư trú làm việc đồng thời cả ở Việt Nam cả ở nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Nếu cá nhân đó không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = (Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam / Số ngày làm việc trong năm) x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Nếu cá nhân đó hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = (Số ngày có mặt ở Việt Nam / 365 ngày) x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Các thắc mắc thường gặp về cách tính thuế thu nhập cá nhân

Mức lương bao nhiêu phải nộp thuế?

Để dễ dàng xác định mức đóng, hãy tham khảo bảng sau.

STTSố người phụ thuộcThu nhập từ tiền công, tiền lương/thángTổng thu nhập từ tiền công, tiền lương/năm
1Không có người phụ thuộc> 11 triệu đồng> 132 triệu đồng
2Có 1 người phụ thuộc> 15,4 triệu đồng> 184,8 triệu đồng
3Có 2 người phụ thuộc> 19,8 triệu đồng> 237,6 triệu đồng
4Có 3 người phụ thuộc> 24,2 triệu đồng> 290,4 triệu đồng
5Có 4 người phụ thuộc> 28,4 triệu đồng> 343,2 triệu đồng

Phần thu nhập trong bảng là thu nhập sau khi đã trừ các khoản đóng bảo hiểm, đóng góp từ thiện, khuyến học, quỹ hưu trí tự nguyện, các phẩn thu nhập được miễn thuế, các khoản không tính thuế như trợ cấp, phục cấp cơm trưa, phụ cấp gửi xe, đi lại…

Thử việc có cần đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?

Lương thử việc là một phần thu nhập từ tiền lương, tiền công nên cũng là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân với mức khấu trừ 10% trên tổng thu nhập (theo Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính).

Ví dụ, nếu lương thử việc được hưởng bằng 85% mức lương chính thức là 8 triệu đồng sẽ bị khấu trừ thuế TNCN 800.000 đồng => Lương thực nhận là 7.200.000 đồng.

Thời điểm khấu trừ: Công ty sẽ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và nộp vào ngân sách nhà nước trước khi trả cho nhân viên.

Tiền tăng ca, tiền làm thêm giờ có bị tính thuế thu nhập cá nhân không?

Căn cứ theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền công, tiền lương tăng ca, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc trong giờ hành chính sẽ miễn thuế thu nhập cá nhân một phần, tức là phần được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc trong giờ theo quy định.

Hi vọng với hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân và ví dụ về cách tính thuế TNCN năm 2024 mới nhất trên đây, bạn sẽ gặp nhiều thuận tiện hơn trong việc tính số thuế TNCN phải nộp của mình.

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công