Là một sinh viên, trước khi tốt nghiệp đại học, bạn thường cần phải hoàn thành một chương trình thực tập. Đây là cách tuyệt vời để bạn có sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai bởi nó giúp bạn hiểu sâu hơn về con đường muốn hướng đến.
Lựa chọn một vị trí thực tập cũng quan trọng như công việc đầu tiên của bạn. Bạn cần tìm một công việc để được học hỏi nhiều nhất có thể về nghề nghiệp. Vậy, một chương trình thực tập thế nào là điều tốt nhất cho bạn? Để giúp bạn lựa chọn, dưới đây là một số yếu tố mà bạn nên xem xét.
Mức độ phù hợp với nghề nghiệp
Yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi chọn thực tập là nó sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào khi bắt đầu tìm việc. Bạn nên chọn một kỳ thực tập, nơi mà sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm quý báu để giúp bạn nổi bật trong cuộc phỏng vấn xin việc đầu tiên. Đừng chỉ tìm kiếm một cơ hội thực tập nào đó chỉ vì mục đích muốn đáp ứng điều kiện tốt nghiệp. Có thể không dễ dàng để tìm một vị trí thực tập phù hợp nhưng những gì bạn nhận được sẽ rất đáng để nỗ lực.
Mở rộng mối quan hệ
Hãy tìm hiểu kỹ xem vị trị thực tập của bạn chủ yếu sẽ làm việc một mình, bị giới hạn ở một văn phòng duy nhất hay bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người khác nhau trong doanh nghiệp. Sẽ là tốt hơn nếu bạn có cơ hội được gặp gỡ mọi người ở các phòng ban khác, bởi nếu bạn tạo được ấn tượng tốt với họ, điều đó có thể giúp bạn có được một công việc toàn thời gian sau khi kết thúc đợt thực tập. Ngay cả khi bạn không được nhận công việc chính thức sau đó thì những người quen biết này cũng có thể giúp bạn nắm bắt các cơ hội khác trong lĩnh vực này.
Thư giới thiệu
Nếu đã thực hiện tốt kỳ thực tập thì liệu rằng bạn có thể có được thư giới thiệu của công ty hoặc nhờ giám sát trực tiếp làm người tham khảo? Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng trong tương lai biết được bạn đã thể hiện tốt như thế nào tại nơi làm việc trước đây và nâng cao cơ hội trúng tuyển. Do đó, nếu một chương trình thực tập không cung cấp điều này, bạn nên cân nhắc tìm kiếm một cơ hội khác.
Môi trường làm việc
Ngoài các yếu tố trên đây, bạn cũng đừng quên tìm hiểu về môi trường nơi bạn sẽ làm việc. Bạn có khả năng ở đó trong thời gian khá dài, vì vậy cần chắc rằng công ty có bầu không khí phù hợp với bạn. Hãy kiểm tra trang web của công ty, mạng xã hội và chú ý đến các dấu hiệu ở giai đoạn phỏng vấn để đảm bảo môi trường làm việc là điều bạn mong muốn.
Mức lương/ Chế độ đãi ngộ
Mặc dù thông thường các công ty sẽ không phải trả lương hoặc có các chế độ đãi ngộ cho thực tập sinh nhưng nếu có thì đây là điều rất tuyệt vời. Thay vì trả lương, một số công ty sẽ cung cấp cho bạn những kinh nghiệm quý giá hoặc cơ hội phát triển nghề nghiệp (chẳng hạn chịu trả phí để bạn tham dự các hội nghị chuyên ngành), tặng sách hoặc sản phẩm của công ty… Những ưu đãi này thường được liệt kê trong mô tả công việc thực tập nhưng nếu không có, đừng ngại hỏi trong quá trình phỏng vấn.
Cơ hội để chuyển sang một vị trí toàn thời gian
Có bao nhiêu thực tập sinh trước đây đã nhận được đề nghị làm việc khi kết thúc đợt thực tập của họ? Điều này cực kỳ quan trọng để tìm hiểu. Tất nhiên, một lời đề nghị làm việc chính thức sẽ phụ thuộc vào cách bạn thể hiện, nhưng biết rằng có cơ hội sẽ khiến bạn muốn đầu tư thời gian nhiều hơn.
Người hướng dẫn trực tiếp mà bạn có thể học hỏi
Khi đang tìm hiểu về những gì bạn muốn làm một cách chuyên nghiệp, điều quan trọng là phải có người hướng dẫn trực tiếp. Họ không chỉ giúp bạn khám phá ra công việc nào phù hợp với định hướng của bạn, giúp bạn liên kết được với nhiều người khác trong công ty và biết được những kinh nghiệm thực tế về ngành nghề với sự hiểu biết ở cấp độ chuyên gia, đồng thời chắn chắn rằng bạn không bị “bỏ rơi” và chỉ được làm việc lặt vặt không liên quan đến chuyên môn.
Có thể một số vấn đề sẽ được trả lời thông qua bản mô tả công việc, nhưng đôi khi chúng không xuất hiện. Nếu bạn có điều thắc mắc, hãy mạnh dạn trình bày. Thực tập là trải nghiệm đầy thú vị và biết được mình sắp trải qua điều gì thông qua việc tìm hiểu những điều đề cập là một trong những bước đầu tiên để đảm bảo rằng kỳ thực tập của bạn đem lại kết quả tốt nhất có thể.
Pha Lê