Mục kỹ năng trong CV là nơi liệt kê các kỹ năng và khả năng bạn có cần thiết cho công việc ứng tuyển. Thoạt nhìn, việc viết mục này có vẻ khá đơn giản. Bởi bạn có thể biết một số kỹ năng và khả năng của mình nên việc liệt kê chúng trên CV là tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, ngay sau khi bắt đầu viết, bạn sẽ gặp phải một số câu hỏi thực tế như Tại sao bạn cần có phần kỹ năng trong CV? Bạn nên bao gồm những kỹ năng nào? Bạn nên trình bày các kỹ năng ra sao để nâng cao cơ hội được phỏng vấn?… Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn.
Vì sao mục kỹ năng trong CV lại quan trọng?
Như bạn có thể đã biết, hầu hết các nhà tuyển dụng chỉ cần khoảng 6 giây để quyết định xem một bản CV có đáng để đọc toàn bộ hay không. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ có khoảng 6 giây để tạo ấn tượng. Nếu không thì CV của bạn sẽ bị bỏ qua không thương tiếc.
Với suy nghĩ đó, viết tốt mục kỹ năng trong CV sẽ rất có ý nghĩa. Bằng cách trình bày rõ ràng các kỹ năng, bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng đánh giá xem bạn có thể mang lại điều gì đó cho họ hay không. Nếu có, bạn sẽ có cơ hội nhận được lời mời phỏng vấn.
Hơn nữa, CV của bạn không chỉ dành cho mắt người. Các nhà tuyển dụng ngày nay đều sử dụng hệ thống sàng lọc CV để tìm kiếm ứng viên phù hợp và loại bỏ người yếu kém. Nếu CV có các từ khóa là các kỹ năng liên quan, hệ thống sẽ ưu tiên hiển thị và CV của bạn sẽ đến được tay nhà tuyển dụng.
Tóm lại, một phần kỹ năng được xây dựng tốt sẽ giúp CV của bạn hấp dẫn hơn đối với nhà tuyển dụng và hệ thống tìm kiếm. Do đó, mục kỹ năng luôn cần thiết trong CV. Không những vậy, bạn cần viết nó một cách chính xác. Nếu bạn mô tả không đúng về bản thân, nhà tuyển dụng sẽ hiểu sai về bạn. Và nếu bạn nói dối, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn về sau. Vì vậy, sẽ hữu ích nếu bạn chỉ liệt kê những kỹ năng mà bạn thực sự sở hữu.
Mục kỹ năng trong CV nên bao gồm điều gì?
Khi nói đến các kỹ năng trong CV, bạn nên phân loại thành kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng đề cập đến kinh nghiệm làm việc hoặc kiến thức cần thiết cho công việc như bằng cử nhân, thông thạo một ngôn ngữ khác, chuyên môn về Excel hoặc báo cáo tài chính… Mặt khác, kỹ năng mềm là những khả năng thường khó định lượng, bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc theo nhóm hoặc phẩm chất lãnh đạo…
Bất kể ngành nghề nào, các nhà tuyển dụng đều xem kỹ năng cứng và mềm là điều cần thiết trong môi trường làm việc. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải đưa vào CV cả hai loại kỹ năng này.
Điều cần lưu ý khi trình bày kỹ năng trong CV
Qua nhiều năm, bạn có thể đã học được nhiều kỹ năng đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải đưa tất cả các kỹ năng của mình vào CV khi ứng tuyển vào một vị trí cụ thể. Vậy bạn nên tạo phần kỹ năng của mình như thế nào? Dưới đây là một số điều cần cân nhắc.
Sử dụng các kỹ năng dành riêng cho công việc
Mục tiêu của phần kỹ năng là thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có thể hoàn thành công việc cụ thể chứ không phải là tất cả các nhiệm vụ. Do đó, chỉ viết các kỹ năng cụ thể hiện được sử dụng và quan trọng trong công việc ứng tuyển. Để tăng sức thuyết phục, bạn nên bao gồm mức độ thành thạo cùng với số năm sử dụng, cũng như thành tích đạt được từ các kỹ năng đó. Đừng bận tâm bao gồm các ngôn ngữ lập trình cũ hoặc kỹ năng sử dụng các máy móc cũ vì nó khiến bạn lạc hậu với các xu hướng hiện đại.
Phân chia kỹ năng thành các mục nhỏ hơn
Hãy chia kỹ năng của bạn thành các danh mục chính có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Chẳng hạn như bộ kỹ năng của nhân viên phát triển web có thể chia thành ngôn ngữ lập trình, phần mềm, thiết kế và kỹ năng mềm. Việc phân loại sẽ giúp các kỹ năng của bạn được sắp xếp tốt hơn và thân thiện với người đọc.
Bao gồm từ đồng nghĩa có liên quan
Hãy sử dụng các từ đồng nghĩa và các cụm từ khác thường được sử dụng để mô tả các kỹ năng của bạn. Ví dụ, Tiếp thị truyền thông xã hội có thể đi kèm với Social Media Marketing hoặc SMM và đôi khi có thể đề cập đến các nền tảng cụ thể, chẳng hạn như Facebook Marketing.
Liệt kê những kỹ năng quan trọng nhiều hơn một lần
Như đã nói, các nhà tuyển dụng sẽ sử dụng các kỹ năng làm từ khóa khi tìm kiếm hồ sơ ứng viên, vì vậy, điều quan trọng là các kỹ năng của bạn phải được liệt kê một vài lần trong CV, chẳng hạn như ở phần giới thiệu và kinh nghiệm làm việc. Lí do của việc này là do từ khóa của bạn có tần suất xuất hiện nhiều hơn thì CV sẽ được xếp hạng cao hơn và được ưu tiên hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, đừng để CV của bạn xuất hiện dày đặc các từ khóa đến mức phản cảm. Một từ khóa quan trọng chỉ nên xuất hiện từ 2 đến 3 lần là đủ.
Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc mới, điều đó cũng tương tự như bạn đang cố gắng bán một món hàng. Các kỹ năng tốt nhất và phù hợp nhất của bạn nên được thể hiện nổi bật. Với những chia sẻ về tầm quan trọng của mục kỹ năng trong CV, những loại kỹ năng nào nên bao gồm và cách liệt kê để có được một CV nổi bật, mong rằng bạn sẽ có một công cụ tiếp thị hiệu quả để sớm nhận được công việc mơ ước.
Kiều Giang