6 điều giúp thành công trong buổi phỏng vấn nhân viên bán hàng

Bán hàng là ngành rất rộng lớn, năng động và thiết yếu. Với việc hầu hết mọi doanh nghiệp đều dựa vào đội ngũ bán hàng để mở rộng thị trường và tăng doanh thu thì nhu cầu về nhân viên kinh doanh giỏi giang vẫn luôn ở mức cao. 

phỏng vấn

Để đảm bảo có được một công việc bán hàng tuyệt vời, tất nhiên bạn cần phải thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn xin việc bán hàng. Nếu bạn chưa biết phải nói gì để tạo ấn tượng và được tuyển dụng thì chia sẻ của anh Nguyễn Hải Đăng, Sales Manager sau đây sẽ giúp bạn. 

“Bằng cách hiểu bối cảnh phỏng vấn xin việc bán hàng, thể hiện thành tích và chứng minh các kỹ năng chính, bạn có thể tăng đáng kể cơ hội thành công của mình.”

Điều nên làm để thành công khi phỏng vấn xin việc bán hàng

Xây dựng mối quan hệ

Ngay từ khi bạn bước vào phòng phỏng vấn, hãy tập trung vào việc tạo mối quan hệ chân thành với nhà tuyển dụng. “Điều này rất quan trọng vì nó phản ánh những gì bạn sẽ làm trong công việc bán hàng, đó là kết nối với khách hàng và tạo được lòng tin”, anh Hải Đăng giải thích. 

Nhiều công ty sẽ cho biết trước bạn sẽ phỏng vấn với những ai, vì vậy hãy dành thời gian để tìm hiểu họ trên Facebook, Instagram và LinkedIn để xem họ làm gì và con đường sự nghiệp của họ ra sao, từ đó bạn sẽ biết cần nhấn mạnh điều gì và làm thế nào để tạo mối quan hệ tốt hơn. Nếu không biết mình sẽ phỏng vấn với ai, bạn có thể hỏi nhân sự hoặc người sắp xếp buổi phỏng vấn của bạn. 

Trong buổi gặp gỡ, bạn có thể bắt đầu bằng việc thể hiện sự quan tâm đến quan điểm của họ. Chẳng hạn, nếu bạn thấy họ là fan hâm mộ cuồng nhiệt của một đội bóng và khi họ hỏi thăm về cuối tuần của bạn, bạn có thể đề cập rằng bạn đã xem trận đấu của đội bóng đó để khơi mào cuộc trò chuyện. “Mục tiêu là khiến người phỏng vấn cảm thấy thoải mái và tự tin rằng bạn có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt, lâu dài với khách hàng một cách dễ dàng”, anh Hải Đăng phân tích. 

Thảo luận về các nguyên tắc cơ bản của bán hàng

CV là một bức ảnh chụp nhanh về những kinh nghiệm trong quá khứ của bạn nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu. Theo cách này hay cách khác, mọi cuộc phỏng vấn xin việc bán hàng sẽ đào sâu vào các chi tiết nhất định như kênh bán hàng, tìm kiếm khách hàng, xác định khách hàng tiềm năng đủ điều kiện, phản ứng với lời từ chối và tầm quan trọng của việc chốt đơn.

Biết rằng những câu hỏi này sẽ xuất hiện, bạn có thể chuẩn bị bằng cách suy nghĩ trước về câu trả lời của mình. Điều này đặc biệt đúng nếu công việc bán hàng mà bạn đang ứng tuyển khá khác biệt so với những vai trò bạn đã từng làm trước đây. 

“Hãy cởi mở chia sẻ từng bước trong quy trình bán hàng của bạn, từ cách bạn xác định khách hàng tiềm năng, cách bạn tiếp cận họ và cách bạn đưa họ qua kênh bán hàng. Cho thấy sự hiểu biết và trình bày trôi chảy về các nguyên tắc cơ bản về bán hàng không chỉ chứng minh được chuyên môn của bạn mà còn trấn an nhà tuyển dụng rằng bạn có thể bắt đầu công việc ngay lập tức”, anh Hải Đăng nhận xét. 

Chia sẻ câu chuyện bán hàng thực tế

Hầu hết người phỏng vấn sẽ yêu cầu bạn kể về một vài tình huống bán hàng trong quá khứ để hiểu thêm về kỹ năng của bạn. Lúc này, hãy nghĩ về một khoảnh khắc mà bạn cảm thấy tự hào nhất, trong đó nêu bật một thách thức cụ thể, các hành động bạn đã thực hiện để giải quyết thách thức đó và các kết quả có thể đo lường được mà bạn đã đạt được giống như ví dụ mà anh Hải Đăng gợi ý:

“Ở công việc trước đây, em gặp một khách hàng do dự chưa quyết định sử dụng sản phẩm của bên em. Em đã dành thời gian để tìm hiểu nhu cầu của họ và cung cấp bản demo giải quyết các vấn đề cụ thể của họ. Em cũng đưa ra bảng phân tích về chi phí và sắp xếp thời gian dùng thử. Sau 1 tháng, họ đã ký hợp đồng 1 năm trị giá hơn 2 tỷ đồng và quan trọng hơn là hai bên đã tạo được mối quan hệ lâu dài”. 

Những câu chuyện như thế này không chỉ thể hiện tư duy chiến lược mà còn chứng minh khả năng chốt giao dịch bằng kết quả thực tế của bạn. Nhưng nếu bạn có ít kinh nghiệm bán hàng thì sao? Anh Hải Đăng gợi ý “Hãy thử tìm các tình huống bạn phải thuyết phục ai đó ủng hộ ý tưởng của bạn hoặc hành động giúp tăng lợi nhuận của công ty hay mang về một giao dịch mới. Tất cả những điều này cho thấy rằng bạn là người giải quyết tốt vấn đề, tháo vát và kiên cường – những đặc điểm tính cách rất được săn đón trong công việc bán hàng”. 

Chuẩn bị sẵn số liệu

Khi nói đến bán hàng, việc chứng minh kết quả là rất quan trọng và chắc rằng điều này không phải là quá khó khăn với một nhân viên bán hàng thành công như bạn phải không? “Bất kỳ nhân viên bán hàng nào được phỏng vấn đều sẽ nói rất nhiều về thành tích trong sự nghiệp của họ nhưng không phải ai cũng sẽ mang bằng chứng về điều này đến buổi trao đổi. Thế nên, bạn càng thu hút sự chú ý vào những con số bạn đã đạt được trong suốt sự nghiệp của mình thì càng tốt. Tôi đang nói về kết quả và những đóng góp có thể định lượng được”, anh Hải Đăng lưu ý. 

Để tìm ra những số liệu đáng giá, bạn có thể trả lời những câu hỏi như:

  • Tổng doanh số trước đây của bạn là bao nhiêu?
  • Bạn đã làm việc với những khách hàng nào và tổng doanh thu hàng năm từ họ là bao nhiêu?
  • Bạn có quản lý ngân sách không? Nếu có thì lớn cỡ nào?
  • Có giao dịch nào quan trọng hoặc có quy mô lớn hay không, kết quả về mặt số liệu của chúng là gì?

“Hãy viết tất cả những con số này, ghi nhớ và lồng ghép chúng vào câu trả lời khi thích hợp”, anh Hải Đăng đưa ra lời khuyên. 

Đặt câu hỏi thông minh

Đặt những câu hỏi sâu sắc giúp bạn thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty và vị trí ứng tuyển đồng thời cho thấy khả năng lắng nghe những gì bạn đã được nghe trong buổi phỏng vấn. Suy cho cùng, không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên bán hàng chỉ biết nói về sản phẩm họ đang bán mà không lắng nghe điều khách hàng đang chia sẻ. 

Dưới đây là một số câu hỏi anh Hải Đăng gợi ý mà bạn có thể áp dụng tùy theo tình huống của mình: 

  • Thách thức lớn nhất mà đội ngũ bán hàng đang phải đối mặt hiện nay là gì?
  • Tỷ lệ nhân viên đạt được hoặc vượt mục tiêu doanh số là bao nhiêu? 
  • Nhân viên bán hàng giỏi nhất công ty có những phẩm chất gì? 
  • Nhân viên bán hàng có thể linh hoạt đến mức nào khi đàm phán hợp đồng?
  • Điều tuyệt vời nhất khi bán hàng tại doanh nghiệp này là gì?

Thể hiện niềm đam mê bán hàng và mong muốn thành công với một kế hoạch cụ thể

“Rất có thể đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ không có kế hoạch 30-60-90 ngày làm việc để sẵn sàng thảo luận trong buổi phỏng vấn. Đó là lý do tại sao bạn nên làm điều này”, anh Hải Đăng nêu quan điểm. 

Bạn không nhất thiết phải có một kế hoạch nhiều trang mà chỉ cần đề cập đến việc bạn sẽ tìm hiểu các hệ thống phân phối và sản phẩm trong 30 ngày đầu tiên, cách bạn sẽ khảo sát thực địa và tạo mối quan hệ với khách hàng trong 60 ngày cũng như giải thích ý tưởng để thu hút khách hàng mới và thúc đẩy doanh thu trong vòng 90 ngày. Bằng cách này, bạn cho thấy cách bạn tiếp cận công việc bán hàng và ưu tiên các nhiệm vụ. Đây cũng là cách tuyệt vời để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng lộ trình hướng đến thành công. 

Nhân viên bán hàng có nhiều lợi thế khi tìm việc. Vì bạn đã quen với việc trò chuyện với khách hàng nên sẽ thoải mái trả lời các câu hỏi hơn. Điều này giúp bạn tự tin khi ngồi xuống nói chuyện với người lạ và thuyết phục họ chọn bạn. Tận dụng thế mạnh này kết hợp cùng với việc thực hiện tốt những gợi ý trên đây khi phỏng vấn xin việc bán hàng, bạn sẽ sớm nhận được phản hồi tích cực và có được công việc bán hàng như ý. 

Ngọc Quyên

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công