Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng: hỏi gì để tạo ấn tượng?

Phỏng vấn xin việc là một cuộc trao đổi hai chiều. Đây không chỉ là cơ hội để nhà tuyển dụng tiềm năng đánh giá khả năng của bạn mà còn là dịp bạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để quyết định xem vai trò này có phù hợp với mình hay không. Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn có câu hỏi nào không thì đây là lúc để xem xét mọi thứ cũng như thể hiện kiến thức, sự quan tâm và để lại cho họ ấn tượng tích cực lâu dài.

Tuy nhiên, không phải tất cả các câu hỏi đều như nhau. Để tạo ra tác động tốt, các câu hỏi bạn đặt ra cần chứng minh rằng bạn thực sự nghĩ đến nhu cầu của doanh nghiệp và bạn biết lĩnh vực của mình cũng như những gì định vị bản thân là một chuyên gia thực thụ trong ngành.

Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng: hỏi gì để tạo ấn tượng

Nếu bạn cần thêm nguồn cảm hứng, đây là một số câu hỏi hay mà bạn có thể hỏi trong buổi phỏng vấn.

“Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn là cơ hội để thể hiện sự quan tâm và tìm hiểu thông tin giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.”

Gợi ý đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để tạo ấn tượng tích cực

Một ngày hoặc một tuần làm việc bình thường ở vị trí này diễn ra như thế nào?

Đặt câu hỏi này giúp bạn hiểu được nhiều khía cạnh của vai trò. Chẳng hạn, nếu mô tả công việc nhắc đến việc kết hợp giữa vừa bán hàng vừa tiếp thị thì bạn cần biết có phải liệu 90% thời gian sẽ dành cho bán hàng hay tỷ lệ chia đều 50-50. Hoặc bạn có thể phát hiện ra rằng phần việc mà bạn hứng thú nhất chỉ xuất hiện sau mỗi 3 tháng. Ngay cả khi không có những hiểu biết tường tận như vậy thì câu trả lời cho câu hỏi này có thể giúp bạn hình dung rõ hơn về công việc thực sự sẽ như thế nào khi làm ngày này qua ngày khác. Do đó nếu bạn được nhận vào làm, bạn sẽ không có gì ngạc nhiên khi bắt đầu.

Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng ở khía cạnh này, bạn có thể nhận được câu trả lời kiểu như “Ồ, mỗi ngày đều khác nhau”. Nếu điều đó xảy ra, hãy thử hỏi “Anh, chị có thể cho em biết vài tháng trước công việc của người đảm nhận vị trí này như thế nào không? Điều gì chiếm nhiều thời gian của họ nhất?”. Nếu không có bất kỳ thông tin hữu ích nào giúp bạn hình dung về cách sử dụng thời gian của mình thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ rơi vào hỗn loạn hoặc đây là công việc mà kỳ vọng không bao giờ được xác định rõ ràng.

Sự thành công của vị trí này được đánh giá ra sao?

Câu hỏi này sẽ thuyết phục nhà tuyển dụng tiết lộ chính xác những gì họ đang tìm kiếm và giúp bạn hiểu rõ hơn liệu mình có phù hợp hay không. Nếu có bất kỳ phẩm chất hoặc kỹ năng nào được đề cập mà bạn chưa nhắc đến thì đây là cơ hội để bạn nêu bật chúng trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc.

Thắc mắc này cũng sẽ tiết lộ cách doanh nghiệp đo lường mức độ thành công, liệu bạn chỉ cần hoàn thành các KPI hay họ coi trọng các phẩm chất và thành tích khác. Bạn có thể thấy rằng trong khi tin đăng tuyển dụng liệt kê 15 trách nhiệm khác nhau thì thành công của bạn thực tế chỉ phụ thuộc vào ba trong số đó. Là một nhân viên tương lai, bạn cần phải hiểu kỳ vọng của doanh nghiệp sẽ là gì.

Người đảm nhiệm vị trí này sẽ phải đối mặt với khó khăn nào?

Bên cạnh biết được công việc chi tiết và kỳ vọng thì bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho các thách thức gặp phải. Đó có phải là những “chông gai” mà bạn sẽ vui vẻ chấp nhận không? Ví dụ, bạn có thể sẽ làm việc với khách hàng khó tính hoặc các chiến dịch tiếp thị bạn phụ trách liên tục bị cắt giảm ngân sách. Nếu xây dựng mối quan hệ và có khả năng thuyết phục là điểm mạnh của bạn thì bạn có thể chào đón thử thách và nên nhấn mạnh điều này. Hãy kể về cách bạn đã vượt qua những trở ngại tương tự trong quá khứ để nhà tuyển dụng an tâm hơn. Tuy nhiên, chỉ làm như vậy nếu bạn có thể diễn đạt một cách tự nhiên, bạn không nên tỏ ra như thể mình đặt câu hỏi để chỉ tự đề cao bản thân.

Lý do tại sao vị trí này lại trống? Có phải là thay thế người cũ hay là một vai trò mới?

Nhân viên trước đó đã nghỉ việc hay đây là một vai trò vừa mới xuất hiện do nhu cầu của doanh nghiệp? Biết được điều này sẽ giúp bạn hiểu liệu bạn sẽ bước vào vị trí của người khác hay tự mình tạo ra vai trò đó từ đầu. Nếu nhân viên trước đó đã nghỉ việc, họ đã chuyển sang một công ty khác, bị cho nghỉ việc hay được thăng chức? Lý do được cung cấp sẽ cho bạn manh mối về những thách thức có thể xảy ra.

Hơn nữa, biết được vị trí đã bỏ trống bao lâu cũng có thể hữu ích. Nếu vị trí đã bỏ trống một thời gian, tại sao lại khó tuyển người đến vậy, có phải là do kỳ vọng của họ quá cao, các ứng viên khác đã từ chối lời đề nghị hoặc quy trình tuyển dụng của họ không thực sự chuyên nghiệp? Giống như một ngôi nhà đã rao bán quá lâu, một vị trí việc làm bỏ trống kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo: người mua hãy cẩn thận.

Anh, chị có thể cho em biết về nhóm và người quản lý mà em sẽ làm việc cùng không?

Mối quan hệ giữa các cá nhân và sự phù hợp về văn hóa là chìa khóa thành công trong bất kỳ vai trò nào, vì vậy việc tìm hiểu về những người mà bạn sẽ làm việc cùng sẽ cực kỳ hữu ích. Hỏi câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu được cách thức công ty được cấu trúc, vai trò đó thuộc phòng ban nào, đó là một nhóm lớn hay nhỏ, bạn sẽ báo cáo cho ai, người quản lý có phong cách làm việc ra sao… Thông tin này sẽ giúp bạn xác định xem bạn có khả năng làm việc tốt với họ hay không. Nếu bạn đang phỏng vấn cho vị trí quản lý, những hiểu biết về bản chất của nhóm mà bạn dẫn dắt cũng sẽ vô cùng có giá trị.

Tùy thuộc vào câu trả lời, bạn cũng có thể có cơ hội đề cập đến trải nghiệm hoặc thành công nào bạn có được khi làm việc trong các nhóm tương tự và cung cấp cho nhà tuyển dụng minh chứng về việc bạn sẽ phù hợp như thế nào nếu nhận được công việc.

Bất cứ điều gì bạn cần biết để quyết định xem mình có muốn công việc ứng tuyển hay không, hãy đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng ngay trong buổi phỏng vấn. Những câu hỏi đúng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt, tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và thậm chí có thể giúp bạn nhận được lời mời làm việc.

Ngọc Quyên

Sao chép thành công